Khi đem quân đánh nước Triệu trong chiến dịch Trường Bình, đại tướng Tần quốc là Bạch Khởi đã giết chủ tướng Triệu Quát, buộc 400.000 quân Triệu phải đầu hàng.
Tuy nhiên, số phận của hàng trăm nghìn người lính này thậm chí còn thảm hại hơn là họ bỏ mạng trên chiến trường. Chỉ trong vòng 1 đêm, Bạch Khởi hạ lệnh chôn sống tất cả những viên lính bại trận. Với hành động này, ông ta xứng đáng là một kỳ tướng hay một tội thần?
Tư tưởng truyền thống của Trung Quốc cho rằng: giết người trong chiến tranh là vì dân tộc, vì quốc gia và vì chính nghĩa. Vì thế cho nên hành động này không có tội.
Tuy nhiên, nếu vì ân oán cá nhân, đặc biệt là đối với những người đã đầu hàng mà vẫn giết hại, chôn sống họ, thì đây là một tội lớn.
Theo kinh nghiệm lịch sử, hành động này khó có thể dẫn đến thành công.
Hành động của Bạch Khởi không chỉ khiến Tần triều gặp khó khăn trong việc chinh phục thiên hạ mà còn để lại tiếng xấu muôn đời.
Vào những năm cuối của nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương khi đánh quân Thái Bình thiên quốc đã bất đắc dĩ phải viện đến “đội quân súng tây” của Anh quốc do tướng Charles George Gordon cầm đầu.
Khi đánh đến Tô Châu, 8 đại tướng của Thái Bình thiên quốc đem vài chục nghìn quân đầu hàng Lý Hồng Chương.
Điều kiện mà Lý Hồng Chương phải đáp ứng khi đó là phải đảm bảo chức tước cho họ. Tuy nhiên, khi bại tướng của Thái Bình thiên quốc gặp Lý Hồng Chương, một vị tướng của Thanh triều đã bắt tất cả đem đi giết. Kết cục của người đó sau cũng không tốt đẹp.
Ngay cả tướng Charles George Gordon khi đó cũng rất phản đối hành động giết hại những người đã đầu hàng triều đình.
Lịch sử Trung Quốc sau này bình luận rằng, đến một người ngoại quốc còn đề cao chính nghĩa đến vậy, không chủ trương giết hại người đầu hàng, ắt hẳn người đời chẳng mấy ai tán thành hành vi của Bạch Khởi khi xưa.
Mối họa giáng xuống nước Tần từ tay Bạch Khởi
Hà Yến thời Tam Quốc nói rằng, việc Bạch Khởi chôn sống 400.000 quân Triệu là một trò lừa đảo “khó có thể chấp nhận”.
Bạch Khởi đã đồng ý tha chết cho những người lính bại trận, họ mới đầu hàng. Thế nhưng khi họ đã hạ vũ khí, tất cả đã bị giết hại thảm khốc chỉ trong một đêm. Hành động này không nói lên điều gì ngoài sự tàn bạo và thiếu tính toán của Bạch Khởi và Tần triều.
Nếu nói về toàn bộ chiến dịch Trường Bình khi đó, thì đây quả thực là cách làm thất sách, khiến chiến dịch thất bại.
Có thể dễ dàng nhận thấy, nếu như dự đoán trước được việc bị mắc lừa mà chết, chắc hẳn 400.000 quân Triệu dù không có vũ khí trong tay, tay không chiến đấu, họ cũng sẽ sống mái đến cùng.
Chỉ quyết tâm của một người phải đối mặt với sự sinh – tồn thôi đã đủ sợ, chứ chưa nói đến sức mạnh của 400.000 người được trang bị cả áo giáp và vũ khí sắc bén trên tay.
Vì hành động thiếu suy tính kỹ lưỡng của một đại tướng quân không xứng tầm, khát khao thống trị thiên hạ của Tần Thùy Hoàng đã gặp phải không ít khó khăn.
Hà Yến cũng nhận định, Bạch Khởi khi đó làm ra vẻ rất cao minh, nhưng trên thực tế, việc làm của ông ta đã làm tăng phần khó khăn cho việc thống nhất thiên hạ của nước Tần.
Nguyên nhân là bởi chỉ một lần “lật mặt” ấy, người trong thiên hạ đã rút ra kết luận rằng, phàm là những người đầu hàng nước Tần, đều không có một kết cục tốt đẹp.
Cũng từ sau lần ra tay hạ sát cùng lúc hàng trăm nghìn người, nước Tần nếu xảy ra chiến tranh với các nước khác, đối thủ đều hiểu rõ, những lúc đối mặt với cái chết cũng phải chết cho oanh liệt, vì dù có đầu hàng người nước Tần, trước sau gì họ cũng sẽ chết.
Chính vì lý do này mà kể từ đó, nước Tần bất luận là tấn công, khai binh bố trận ở đâu cũng đều phải rất khó khăn mới dành thắng lợi.
Cách Bạch Khởi đối xử với 400.000 quân Triệu không khác gì một lời tuyên bố với thiên hạ rằng, họ phải kiên cường, tuyệt đối không được đầu hàng. Và vô hình trung, vị đại tướng quân này đã kéo dài giấc mơ thống trị thiên hạ của Tần vương.
Vì hy vọng đạt được công lao nhất thời, Bạch Khởi khi đó không thể ngờ được rằng, dã tâm của ông ta đã nung nấu thêm ý chí và quyết tâm của các nước chư hầu.
Về phương diện chính sách và chiến lược, cách làm của Bạch Khởi không khác gì tự mình đánh mất đi lợi thế của mình vào đúng thời điểm xuất binh.
Ảnh vẽ của nhân vật lịch sử Bạch Khởi.
Nước Triệu dù thua đau đớn trước đội quân của nước Tần nhưng không vì thế mà diệt vong.
Kể từ sau cuộc đại thảm sát do Bạch Khởi gây ra, các nước khác liên tiếp tuyên chiến với Tần nên tham vọng thống nhất thiên hạ của Tần Thủy Hoàng trở nên khó khăn hơn. Ngay cả đối phó với nước Triệu không khác gì phế nhân khi đó, nhà Tần cũng không dám manh động.
Nguyên nhân không phải Triệu quốc xuất hiện thêm những vị tướng tài, mà là bởi các nước chư hầu cùng liên kết lại để cứu nước Triệu. Hơn ai hết, Tần vương hiểu nguồn cơn dẫn đến kết cục này, chỉ là ông không nói ra mà thôi.
Một điều cần nhấn mạnh thêm, là trong chiến dịch Trường Bình này, nếu nhìn từ một góc độ khác, có thể thấy quân Tần lực lượng rất mỏng.
Trước chiến dịch, vì nguồn binh lực không đủ nên triều đình phải ban lệnh, bắt ép tất cả những thanh niên từ 15 tuổi trở lên phải ra trận.
Những chiến binh “vắt mũi chưa sạch” này liệu có thể làm được những gì ngoài chiến trưởng? Nhưng Bạch Khởi không suy nghĩ sâu xa và không nhìn thấu điều đó.
Kết quả là, có đến quá nửa số tân binh của nước Tần hoặc chết, hoặc bị thương trong các cuộc chiến đối phó với các nước chư hầu.
Từ những gì đã xảy ra, có thể rút ra kết luận rằng, Bạch Khởi đem quân đi đánh trận đã không thể tiêu diệt được nước Triệu mà đã lừa và đẩy 400.000 người vào cảnh chết thảm. Trong khi đó, tổn thất mà ông ta gây ra cho nước Tần thì không thể nào bù đắp được.
Và để đánh giá trên cương vĩ một tướng lĩnh thì Bạch Khởi hoàn toàn không phải là một vị tướng tài. Bởi đã là một viên đại tướng, cần phải hiểu chính trị, sách lược và hơn hết, người đó phải có tầm nhìn xa trông rộng.