Không chọc giận ông ấy. Không đáp ứng đòi hỏi của ông ấy. Tìm cách khiến ông ấy đổ tiền đầu tư vào dự án tham vọng nhằm giải quyết tận gốc tình trạng di cư bằng cách tạo ra việc làm ở khu vực Trung Mỹ.
Và nếu ông Trump không thấy thuyết phục, các quan chức Mexico sẽ nhắc Tổng thống Mỹ nhớ rằng có một cường quốc khác đang sẵn sàng lấp chỗ trống: Trung Quốc.
Nói ngắn gọn, đó là biện pháp mà chính phủ Mexico đang đánh cược là có thể tháo ngòi thế đối đầu với Mỹ vì vấn đề hàng ngàn người di cư kéo đến biên giới để tìm cách sang Mỹ.
Kế hoạch của Mexico nhằm huy động tiền để phát triển vùng Trung Mỹ và nam Mexico được thông báo từ tuần trước, khi Tổng thống mới của nước này là ông Andrés Manuel López Obrador đưa ra cái mà ông gọi là “Kế hoạch Marshall” để giải quyết tận gốc làn sóng di cư ở Trung Mỹ: một sáng kiến 30 tỷ USD đầu tư vào khu vực và chào đón người nhập cư vào Mexico bằng visa, chăm sóc y tế và việc làm.
Các quan chức Mexico ví sáng kiến này như Kế hoạch Marshall đã giúp tái thiết châu Âu hậu Thế chiến 2. Kế hoạch này khác hẳn cách làm của chính phủ tiền nhiệm là nhượng bộ trước đòi hỏi của ông Trump và cho phép người xin tị nạn ở Mỹ được ở lại Mexico trong thời gian chờ.
Theo nhiều cách, kế hoạch mới của Mexico đối lập với biện pháp trấn áp người di cư, xây tường ngăn ở biên giới, triển khai quân đội và cắt viện trợ cho Trung Mỹ.
Về chính sách mới, báo Mỹ New York Times dẫn lời các quan chức Mexico giấu tên nói rằng họ sẽ không chọn cách đối đầu với ông Trump bằng cách yêu cầu ông chấp nhận để người di cư sang đất Mỹ vì điều này chỉ chọc giận Tổng thống Mỹ và không đời nào ông sẽ làm.
Mexico cũng sẽ không nhân nhượng Mỹ bằng cách cho phép người xin tị nạn ở phía Mexico, vì điều này sẽ giúp ông Trump thắng thế.
Thay vào đó, Mexico muốn thay đổi trọng tâm của câu chuyện sang việc phát triển kinh tế ở Trung Mỹ và vùng phía nam Mexico bằng kế hoạch đầu tư nhà nước và tư nhân để phát triển hạ tầng, phát triển ngành năng lượng và tạo việc làm để người dân khu vực này không còn kéo lên phía bắc.
Các quan chức Mexico thừa nhận sẽ rất khó thuyết phục chính quyền Trump đầu tư khoản tiền lớn cho kế hoạch này. Nhưng họ hy vọng mối đe dọa từ sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực sẽ là lý do khiến Mỹ phải tính toán lại.
Dù chưa rõ Trung Quốc sẵn sàng đầu tư thêm bao nhiều tiền vào đây nhưng sự hiện diện của Bắc Kinh trên khắp Mỹ Latin đã tăng đáng kể trong những năm qua. Trung Quốc rót tiền cho các dự án hạ tầng, thắt chặt quan hệ với các chính phủ hay thậm chí thuyết phục một vài quốc gia Trung Mỹ chấm dứt công nhận ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc.
Chiến lược của Mexico nhằm đánh vào nỗi lo của Mỹ về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực cho thấy giới chức Mexico không còn coi việc hợp tác với Mỹ là chuyện đương nhiên nữa.
“Trong một thời gian dài đã có sự cạnh tranh ảnh hưởng ở Mỹ Latin, nơi Trung Quốc sẵn sàng đầu tư hàng tỷ dollar vào hạ tầng và năng lượng, trong khi Mỹ không làm”, NYT dẫn lời ông Ducan Wood, giám đốc Viện Mexico tại Trung tâm Wilson.
Đề xuất trên cũng phản ánh cá tính khác biệt của ông López Obrador và ông Trump: cả hai đều suy nghĩ phi chính thống, đều sẵn sàng từ bỏ những quy ước có từ lâu.
Khác với người tiền nhiệm, ông López Obrador sẵn sàng đi một hướng khác hoàn toàn để ứng phó với chính quyền Trump, một phần vì Tổng thống Mỹ cứng rắn với nhập cư và một phần vì cách duy nhất để giải quyết vấn đề là nhổ tận gốc nó.
Để làm điều đó, Mexico sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ ở bất kỳ nơi nào có thể, bao gồm cả Trung Quốc. Bắc Kinh đã bày tỏ quan tâm tới dự án của ông López Obrador nhằm xây dựng một tuyến tàu du lịch dài hàng trăm dặm trên bán đảo Yucatán, một dự án bị rất nhiều nhà hoạt động môi trường phản đối.
Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là Mexico sẽ quay ngoắt về phía Trung Quốc, vì quan hệ của họ với Mỹ đã được duy trì suốt một thời gian dài. Việc Mexico tung tin Trung Quốc có thể tham gia cũng không giúp dự án tốn kém này khả thi hơn.
“Tiền vẫn chưa đổ vào”, ông Mark Feierstein, cựu giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề tây bán cầu tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Obama, nói. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ đã đầu tư hơn 650 triệu USD mỗi năm vào Tam giác phương bắc ở Trung Mỹ, bao gồm 3 nước Guatemala, Honduras và El Salvador.
“Nếu không có gì khác thì đó chỉ là một công cụ mặc cả”, ông Doris Meissner, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện chính sách di cư ở Washington, nói về chuyện Trung Quốc có thể tăng đầu tư vào khu vực này.
Ý tưởng Trung Quốc có thể tăng cường ảnh hưởng ở Mexico nổi lên trước cả khi ông López Obrador lên nhậm chức. “Tôi nghe các quan chức cấp cao Mexico nói trước đó rằng nếu Mỹ không đối xử Mexico một cách tôn trọng, thì đừng ngạc nhiên nếu thấy tàu ngầm Trung Quốc ở cảng Mexico”, ông Juan Gonzalez, một cố vấn của cựu Phó Tổng thống Joseph Biden, nói.