Ẩn ý sau bài phát biểu 80 phút của ông Tập Cận Bình báo hiệu "sóng gió" Mỹ-Trung kế tiếp

Thi Anh |

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình xoay quanh những thành tựu của Trung Quốc nhưng không hề vạch ra chính sách kinh tế mới.

Bàn về bài phát biểu mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thực hiện chính sách "Cải cách và Mở cửa" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Bloomberg có bài phân tích về quan điểm của ông Tập, cũng như những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong thời gian tới. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

---

Bất cứ ai cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhanh chóng lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Tổng thống Donald Trump đều nên suy nghĩ lại.

Hôm qua, 18/12, ông Tập đã phát biểu trước cử tọa gồm rất nhiều yếu nhân trong giới chính trị, quân sự, kinh doanh rằng, quyền lực và sự giàu có ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã chứng thực cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cũng có nghĩa là sự lãnh đạo của ông.

"Không ai có quyền ra lệnh cho người Trung Quốc điều gì nên làm hay không nên làm", ông Tập nói.

Bài phát biểu 80 phút của ông Tập xoay quanh những thành tựu nhưng không hề vạch ra những chính sách kinh tế mới, có khả năng xoa dịu những lo ngại của các nhà đầu tư về việc tiếp cận thị trường hay tình trạng nền kinh tế tăng trưởng chậm. Thay vào đó, ông tái khẳng định: Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi "sáng kiến nội địa" trong "những ngành công nghệ lõi".

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm "Cải cách và Mở cửa" của Đặng Tiểu Bình, chiến dịch đã giải phóng sự bùng nổ công nghiệp, giúp Trung Quốc vượt qua Liên Xô và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, trong những ngày tháng cuối cùng của năm biến động nhất với ông Tập kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, sự kiện này còn đóng vai trò xác lập quyền lực ở trong nước và đẩy lùi làn sóng chỉ trích ở nước ngoài.

Quyền lực cứng

Trong 12 tháng qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ - vốn được đặt ra dưới thời Đặng Tiểu Bình, và cũng là rào cản pháp lý duy nhất đối với quá trình cầm quyền của ông - để rồi mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại chưa từng có với Tổng thống Trump.

Ẩn ý sau bài phát biểu 80 phút của ông Tập Cận Bình báo hiệu sóng gió Mỹ-Trung kế tiếp - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Ông Tập đã quyết định giảm thiểu kế hoạch thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao và xem xét lại sáng kiến thương mại hạ tầng nổi tiếng của mình, Vành đai - Con đường, trong bối cảnh nổi lên những xì xào bàn tán về việc, liệu ông Tập có vội vàng bỏ qua lời khuyên "giấu mình, chờ thời" mà ông Đặng dành cho Trung Quốc hay không.

"2018 là một năm khó khăn đối với Tập Cận Bình", Trey McArver, nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China nhận định.

"Câu hỏi đặt ra là hệ thống sẽ phản ứng như thế nào với tất cả những vấn đề đang nổi lên. Liệu hệ thống có điều chỉnh không? Hay những vấn đề ấy sẽ gây ra những rạn nứt trong hệ thống và hủy hoại quyền lực của ông Tập, cũng như dự án to lớn của ông?"

Thay vì rút lui, Tập Cận Bình lại cam kết sẽ tiến lên phía trước. Ông dành nhiều thời lượng của bài phát biểu để nói về quyền lực tối cao của Đảng và sự cần thiết của việc thúc đẩy tư tưởng Marx.

"Việc cải cách cái gì và làm như thế nào phải dựa vào mục tiêu bao quát của quá trình cải thiện và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa với những đặc tính của Trung Quốc, đồng thời hiện đại hóa năng lực và hệ thống quản lý của đất nước ", ông Tập nói.

"Chúng ta sẽ kiên quyết cải tổ những gì có thể hoặc nên thay đổi, nhưng sẽ không bao giờ cải tổ những gì không được thay đổi".

Những sự kiện lần này nhấn mạnh quyền lực cứng, cũng như những thành tựu kinh tế của Trung Quốc, cho thấy một góc nhìn khác vào những nỗ lực gần đây của nước này nhằm cải thiện quan hệ với những đối thủ như Ấn Độ, Nhật Bản, hoặc hạ giọng khi nhắc tới những sáng kiến bị Mỹ chỉ trích như Made in China 2025, hay Vành đai - Con đường.

Nhìn từ phát ngôn của ông Tập trước các đại biểu Trung Quốc thì đây có vẻ là những thay đổi chiến lược nhằm hạn chế xung đột, chứ không phải sửa đổi lộ trình.

Trì hoãn khủng hoảng

Thật ra, cho tới thời điểm này, ông Tập đã khá thành công khi thu vén quyền lực và giữ mức tăng trưởng chậm của nền kinh tế trong tầm kiểm soát. Những "cử chỉ" của ông trong lĩnh vực thương mại vừa đủ để giúp ông có được 90 ngày đình chiến thuế quan với ông Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Argentina hồi đầu tháng này.

Mỹ và Trung Quốc dự tính sẽ tiến hành các cuộc gặp vào tháng tới để đàm phán một thỏa thuận đình chiến lâu dài hơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay.

"Mặc dù gặp phải những trở ngại rõ rệt về kinh tế, bao gồm cả việc bùng phát chiến tranh thương mại với Mỹ, ông Tập và đội ngũ kinh tế của mình đã tìm cách tránh được một cơn suy thoái kinh tế hoặc sụp đổ lòng tin ở các nhà đầu tư", Jude Blanchette, chuyên gia nghiên cứu chính sách Trung Quốc của trung tâm tư vấn Crumpton Group đánh giá.

"Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng được né tránh không khác nào một cuộc khủng hoảng được trì hoãn".

Sự bùng nổ được giải phóng do những cải cách của Đặng Tiểu Bình đã mở ra rất nhiều vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ngày hôm nay, bao gồm cả tình trạng ô nhiễm trầm trọng, núi nợ cùng tầng lớp trung lưu khổng lồ với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội ngày càng tăng.

Thất bại trong việc kiểm soát suy thoái kinh tế có thể hủy hoại một cột trụ quan trọng trong giới lãnh đạo.

Một quan chức Trung Quốc từng nói với Bloomberg rằng, những lo ngại về nền kinh tế đã làm giảm bớt sự quan tâm của công chúng với lễ kỷ niệm lần này. Nhiều người lo sợ trước viễn cảnh khu vực tư bị thu hẹp bởi chính phủ chuyển hướng hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng sẽ khiến nước này gặp phải những thách thức mới từ Mỹ và các nền kinh tế khác, vốn xem Bắc Kinh là một đối thủ, chứ không phải nguồn nhân công và hàng hóa giá rẻ.

"Trung Quốc đã bước vào trung tâm cạnh tranh toàn cầu về quyền lực, sự giàu có và những lợi ích khác", Zhu Feng, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Kinh nhận định.

"Hiện nay, thách thức lớn nhất với chính sách đối ngoại của Trung Quốc là vì được đặt ở vị trí quá cao. Trung Quốc cần nhớ một điều rằng, khi trở thành cường quốc cũng là khi các nước khác bắt đầu trở nên khó khăn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại