BBC: Nước Nga thời TT Putin vượt mặt phương Tây nhờ thứ "vũ khí bí mật" cực lợi hại này

Hồng Anh |

Những lời châm biếm từng là điều đáng sợ đối với các nhà lãnh đạo Liên Xô cũ, nhưng nước Nga dưới thời Tổng thống Putin lại lấy điều đó làm lợi thế.

Theo BBC, trước kia, trong những "ngày tàn" trước khi Liên Xô sụp đổ, người Nga đã dùng sự châm biếm và hài hước để tạm trốn tránh khỏi thực tại vô cùng ảm đạm - khi hoạt động kinh tế đình trệ, thức ăn thiếu thốn, cùng với đó là những khó khăn chồng chất.

Cũng vì lẽ đó, các chương trình châm biếm - hài chính trị, với nhân vật là các con rối cao su, đã trở nên rất thịnh hành trong thập niên 90. Tuy nhiên, các chương trình này đã bị dẹp bỏ khi ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga, thay thế người tiền nhiệm Boris Yeltsin.

Tuy nhiên, một thời gian sau, các chương trình châm biếm chính trị đã xuất hiện trở lại, nhưng với vai trò khác: Ngày nay, các chương trình này là công cụ hữu hiệu giúp chính phủ Nga đáp trả những cáo buộc của nước ngoài.

Nước Nga biến những lời chỉ trích thành trò đùa như thế nào?

Nhìn lại vụ cựu gián điệp hai mang Sergei Skripal và còn gái nghi bị đầu độc tại Salisbury, Anh hồi đầu tháng 3 năm nay, có thể thấy rằng Moskva đã rất nhiều lần dùng chiêu châm biếm và chế giễu để đáp trả phía Anh. Đặc biệt là khi London cáo buộc nửa vời rằng "rất có thể" Nga đứng sau vụ đầu độc hai cha con ông Skripal.

Theo BBC, sau khi phía Anh đưa ra lời cáo buộc trên, các quan chức và truyền thông Nga đã nỗ lực biến cụm từ "rất có thể" thành một câu nói đầy tính mỉa mai, ngầm ám chỉ rằng Nga luôn bị đổ lỗi trong tất cả mọi chuyện, dù đối phương chỉ có bằng chứng vô cùng nhỏ nhặt.

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong văn học Anh, như thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyles, Hercule Poirot của Agatha Christie... đã được Moskva khéo léo tận dụng để chế giễu lời cáo buộc mà họ cho là "vô căn cứ" của London.

BBC dẫn lời Roman Dobrokhotov, chủ biên của tờ The Insider, cho biết những lời châm biếm, chế giễu của Nga chính là chiến lược nhằm "hạ bệ" những cáo buộc của đối phương.

BBC: Nước Nga thời TT Putin vượt mặt phương Tây nhờ thứ vũ khí bí mật cực lợi hại này - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS.

"Chiến thuật" chế giễu của Nga hoạt động ra sao?

"Khi thái độ nghiêm túc không có tác dụng, người Nga bắt đầu 'đóng kịch'. Họ nỗ lực châm biếm, nhằm biến tất cả mọi thứ về con số 0", ông Dobrokhotov nói.

Bên cạnh những thuyết âm mưu và những câu chuyện nhằm "tung hỏa mù", thì chiến thuật châm biếm của Nga còn được sử dụng để reo rắc nghi ngờ trong dư luận.

Trong nghi án đầu độc ở Salisbury, phía Anh đã cáo buộc hai nghi phạm trong vụ việc là điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Nga GRU. Ngay sau đó, tại Nga đã xuất hiện phong trào #IamFromGRUToo (tôi cũng là điệp viên GRU, hay #ЯтожеИзГРУ trong tiếng Nga), được lấy cảm hứng từ phong trào #MeToo nổi tiếng trên thế giới.

Ngoài ra, một quảng cáo tuyển dụng đầy châm biếm cũng được đăng trên mạng xã hội, đề cập đến các cáo buộc gần đây của phương Tây đối với Nga, rằng GRU "đang muốn tuyển người cho các bộ phận tấn công mạng, vũ khí hóa học và can thiệp bầu cử. Không cần nộp đơn - chúng tôi sẽ tìm đến bạn".

Ben Nimmo, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết những điều được cho là có tính giải trí này chính là chiến lược đánh lạc hướng của Nga trong kỷ nguyên Internet hiện nay.

Khi ông Putin trở thành Tổng thống Nga vào năm 2000, các chương trình trào phúng ở Nga đã bị cắt bỏ hoặc phải tiết chế, tránh nhắc đến những vấn đề nhạy cảm xung quanh vị Tổng thống mới.

Tuy nhiên, ngày nay, các chương trình ấy lại trở thành lợi thế của Kremlin. Sự châm biếm và trào phúng cũng được thể hiện sâu sắc, thâm thúy hơn trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại