Là một trong những "thánh địa" Phật giáo lớn nhất ở Trung Quốc, chùa Vạn Phật ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến là ngôi chùa cổ có lịch sử lên đến 1.013 năm, được xây dựng từ thời nhà Tống.
Trải qua nhiều thăng trầm, chùa Vạn Phật từng có nhiều tên gọi khác nhau, từ Linh Phượng đến Kỳ Sơn Thạch Tùng.
Nếu Vạn Phật có ý chỉ hàng vạn bức tượng Phật ở chùa thì Kỳ Sơn Thạch Tùng ẩn chứa một câu chuyện rất thú vị.
Một phần khung cảnh ngôi chùa Vạn Phật ở ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Sohu.
Vào năm 1140, tức là 130 năm sau khi chùa được xây dựng, nhà sư tên Thiên Thạch đã lên núi Kỳ Sơn lấy cây tùng vuốt rồng về trồng tại chùa. Để ghi nhớ sự kiện đó, chùa được đổi thành tên Kỳ Sơn Thạch Tùng - ghép từ tên nhà sư lên núi lấy cây về trồng.
Loài cây có tên gọi đặc biệt này có đặc điểm gì mà góp phần khiến một ngôi chùa phải đổi tên?
Theo Baike.baidu, cây tùng vuốt rồng có đặc điểm độc đáo nhất là hệ thống rễ dày. Trong khi những nhánh rễ chính cắm sâu vào đất/đá, 5 rễ nhánh dày còn lại lộ ra trên mặt đất - nhìn rất giống móng vuốt của một con rồng đen - mạnh mẽ, đâm sâu vào đá.
Đó là lý do loài cây này có tên là Long trảo tùng - Tùng vuốt rồng.
Một phần bộ rễ cây tùng vuốt rồng lộ lên mặt đất. Ảnh: Baidu
Dù phân bố rộng rãi ở các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu của Trung Quốc, loài cây này sinh sống chủ yếu ở núi Hoàng Sơn (phía nam tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc). Chúng nổi tiếng là những cây tùng cao lớn, hùng vĩ, mang vẻ đẹp duyên dáng nhưng toát lên sức sống đầy mãnh liệt.
Tùng vuốt rồng có thể cao hàng chục mét, có tán cây xòe ra, lá kim hơi cứng và thẳng. Loài cây này thường được tìm thấy ở vùng núi có độ cao 600-1.800 mét hoặc những vách đá cheo leo.
Vì vách đá dựng đứng và trơn trượt nên khó giữ nước mưa. Để tìm được nguồn nước, rễ cây của tùng vuốt rồng không ngừng len lỏi sâu vào khối đá và các vết nứt của đá để tìm chất lỏng quý giá. Đó cũng là lý do bộ rễ của nó thường dài hơn thân cây nhiều lần.
Tán lá cây tùng vuốt rồng. Ảnh: Baidu
Ngoài ra, bộ rễ còn phải làm việc chăm chỉ để hấp thụ từng chút nitơ, kali và phốt pho trong đá. Bằng cách này, cây tùng vuốt rồng đã thực sự sống sót và đứng vững trên tảng đá cheo leo hay những nơi có địa hình không thuận lợi, giúp nó không thể lay chuyển trước gió/tuyết và xanh mướt quanh năm.
Ngoài giá trị làm cảnh, cây tùng vuốt rồng còn có chất liệu chắc chắn và nhiều nhựa, làm vật liệu xây dựng tốt. Bên cạnh đó, nhờ khả năng thích nghi mạnh với môi trường khắc nghiệt, nó có thể được sử dụng làm loài cây trồng rừng quan trọng để bảo tồn đất, nước và chuyển hóa đất, theo Baidu.
Tập hợp những đặc điểm trên có lẽ là lý do để nhà sư Thiên Thạch mang loài cây quý này về trồng tại ngôi chùa năm đó. Và đó cũng là lý do ngôi chùa Phật giáo lớn bậc nhất Trung Quốc từng được đổi tên để ghi nhớ sự kiện này.
Nguồn: Baidu, Sohu, VTC NEWS