Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar đã đề nghị Đô đốc John Richardson trả lời thẳng thắn rằng: Liệu các tàu sân bay Mỹ có thể hoạt động bên trong vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Nga hoặc Trung Quốc hay không?
Trái với nhiều ý kiến cho rằng tàu sân bay Mỹ không thể vượt qua các hệ thống A2/AD, Đô đốc Richardson khẳng định: "Có!".
"A2/AD là mục tiêu của một số quốc gia đối địch với chúng tôi nhưng đó là một chuyện, đạt được hay không lại là chuyện khác, phức tạp hơn rất nhiều" - ông Richardson nói.
Khi được hỏi Hải quân Mỹ sẽ bảo vệ tàu sân bay bằng cách nào, Đô đốc Richardson từ chối đi vào chi tiết vì các lý do an ninh:
"Có rất nhiều cách nhưng tôi cho rằng chúng ta đang công khai nói quá nhiều về một số việc mình đang làm. Tôi muốn thận trọng khi nói tới những việc này để tránh tạo ra lợi thế cho bất cứ đối thủ nào".
Tên lửa đạn đạo DF-21D trong lễ duyệt binh của Trung Quốc năm 2015.
Trái với Mỹ, Trung Quốc lại công khai nói về "sát thủ tàu sân bay" DF-21D - tên lửa dẫn đường chính xác do nước này tự phát triển, có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ chỉ với 1 đòn duy nhất. DF-21D được cho là có tầm bắn lên tới 810 hải lý, trong khi các tên lửa có tầm bắn xa nhất trên tàu sân bay Mỹ chỉ có thể vượt qua quãng đường 550 hải lý.
Vì thế, trên lý thuyết, Trung Quốc có thể ngăn tàu sân bay Mỹ tiếp cận bờ biển của họ và buộc chúng hoạt động bên ngoài phạm vi hiệu quả.
Tuy nhiên, Đô đốc Richardson đã tranh luận về quan điểm này khi phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới hồi tháng Sáu năm nay:
"Tôi cho rằng khả năng tấn công chính xác tầm xa này có tồn tại", ông Richardson nói, "nhưng A2/AD giống như một tham vọng vậy. Việc tiến hành trên thực tế khó hơn rất nhiều".
Đô đốc John Richardson khẳng định Nga-Trung không thể cản bước tàu sân bay Mỹ.
Nhờ chương trình hiện đại hóa quy mô lớn và các trạm radar tiên tiến trên những hòn đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, năng lực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) của Bắc Kinh đã được tăng cường đáng kể. Trên lý thuyết, điều đó mang lại cho họ khả năng triển khai lực lượng cách xa hàng trăm dặm.
"Sự kết hợp của mạng lưới ISR rộng khắp cùng với các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa đã nâng khả năng đó lên một cấp độ mới, đòi hỏi chúng ta phải tìm cách đối phó" - ông Richardson cho hay, đồng thời nói thêm rằng sự bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã tạo ra "một chuỗi các khả năng mới", làm dấy lên mối lo ngại cấp bách.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ sẽ không bị đánh bại, hay chùn bước trước những tính toán trên lý thuyết đó.
"Trong trường hợp thuận lợi nhất (máy bay không gặp trở ngại), khả năng phát hiện mục tiêu sẽ cao hơn và nhanh hơn. Sau đó, thông tin thu thập được sẽ được truyền về một hệ thống vũ khí có tầm bắn tương đối xa (tới vài trăm dặm) và dẫn đường chính xác. Điều này đặt ra một thách thức" - ông Richardson nói.
"Chúng ta sẽ đối phó bằng cách liên tiếp bố trí nhiều chướng ngại vật trong hệ thống đó để khiến nó gặp nhiều khó khăn hơn" - ông Richardson tiếp tục diễn giải ý tưởng của mình.
Đô đốc Richardson chắc chắn một điều, những năng lực mà người ta cho rằng Trung Quốc đã đạt được thực chất chỉ là đồn đoán mà thôi:
"Những gì các vị nhìn thấy thường chỉ là thứ được trưng ra mà thôi. 'Đây là bệ phóng, đây là 1 vòng tròn với bán kính 700 dặm và bên trong là một màu đen kịt'... Song đó không phải là tình hình thực tế".
Theo vị Đô đốc, ở thời điểm hiện tại, Hải quân Mỹ vẫn có thể tự tin duy trì hoạt động trên toàn cầu. Với việc đưa vào trang bị 2 loại máy bay F-35C và MQ-25 Stingray (ứng dụng nhiều công nghệ đột phá), có vẻ cán cân sức mạnh sẽ nghiêng hơn nữa về phía họ.