1. Thủy lôi
Một trong những mối đe dọa đáng lo ngại nhất đối với Hải quân Mỹ là thủy lôi.
Được một sĩ quan pháo binh Trung Quốc phát minh vào thế kỷ XIV, thủy lôi chiếm vị trí đặc biệt trong chuỗi các mối đe dọa: nó dễ dàng bị phớt lờ trong thời bình nhưng lại nhanh chóng trở thành một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với lực lượng hải quân viễn dương trong thời chiến.
Trong 30 năm trở lại đây, nhiều tàu chiến Mỹ đã bị thủy lôi tấn công, trong đó có khinh hạm Samuel B. Roberts, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Princeton và tàu tấn công đổ bộ Tripoli. Những chiến hạm trị giá hàng tỷ USD đã bị hư hại bởi thứ vũ khí chưa đầy nửa triệu USD.
Tàu USS Princeton (CG-59) bị hư hại bởi thủy lôi.
Các đối thủ của Mỹ vẫn duy trì một kho thủy lôi đáng gờm. Trung Quốc ước tính có từ 50.000 - 100.000 thủy lôi các loại, trong khi Iran có tới "vài nghìn" quả.
Mặc dù không muốn đụng độ chúng nhưng trong bất cứ cuộc xung đột nào ở tương lai, Hải quân Mỹ vẫn gần như chắc chắn phải đi đến các khu vực có rải thủy lôi.
2. Tên lửa đạn đạo chống tàu
Trung Quốc đã phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung để tấn công tàu chiến, đặc biệt là tàu sân bay. Mặc dù cả tên lửa chống tàu và tên lửa đạn đạo đều đã tồn tại trong nhiều thập kỷ nhưng sự kết hợp của 2 loại này tạo ra mối đe dọa hoàn toàn mới, không hề giống với bất cứ mối đe dọa nào từng hiện hữu trước đây.
Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D.
Sự ra đời của tên lửa DF-21D và DF-26 là mối đe dọa mới đối với các lực lượng hải quân đang tìm cách hoạt động tại vùng biển gần kề lục địa Trung Quốc. Đây là 2 thành phần quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Bắc Kinh, nhằm thiết lập vùng cấm xâm nhập tại tây Thái Bình Dương.
Nếu một lúc nào đó, Trung Quốc xuất khẩu công nghệ này tới các quốc gia như Nga hoặc Triều Tiên, thì tên lửa đạn đạo chống tàu sẽ trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Mô phỏng một đợt tấn công của tên lửa DF-21D Trung Quốc. Nguồn: Defense-Update
3. Tàu ngầm
Hải quân Mỹ đã xem nhẹ tác chiến chống ngầm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và tập trung vào các chiến dịch trên bộ sau vụ khủng bố 11/9. Điều này càng khiến năng lực đối phó tàu ngầm của họ ngày một suy yếu.
Do không có nhiều đối thủ, Hải quân Mỹ không mấy bận tậm khi loại biên các máy bay S-3, chậm thay thế P-3C Orion, thiếu hụt cảm biến/vũ khí chống ngầm trên các tàu chiến mới, cũng như hao mòn kinh nghiệm đối phó phương tiện này.
Tàu ngầm cùng chiến lược pháo đài A2/AD của Nga là mối đe dọa đáng sợ đối với Mỹ - NATO.
Tuy nhiên, trong 4-6 năm trở lại đây, mối đe dọa từ tàu ngầm đã tăng lên một cấp độ mới, cấp bách hơn trước. Nga và Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ lực lượng tàu ngầm của họ, trong khi Triều Tiên cũng có vẻ quyết tâm triển khai một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới.
Trước tình hình này, năng lực tác chiến chống ngầm một lần nữa được chú trọng trở lại.
4. Tên lửa chống tàu siêu thanh
Vai trò của hình thức tác chiến hạm-đối-hạm đã suy giảm trong 1/4 thế kỷ qua và chỉ mới được khôi phục trong thời gian gần đây. Các tên lửa chống tàu một lần nữa trở nên phổ biến, nhanh hơn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Tên lửa hành trình chống tàu BrahMos.
Tên lửa hành trình chống tàu YJ-18 của Trung Quốc có tầm bắn ước tính 290 hải lý và tốc độ ở pha cuối đạt từ Mach 2.5 - Mach 3. Trong khi đó, Nga đã hợp tác với Ấn Độ phát triển tên lửa chống tàu BrahMos, có khả năng đạt tốc độ Mach 3.
Hải quân Mỹ có thể tìm cách đối phó các tên lửa này khi chúng được phóng đi nhưng với tốc độ Mach 3 và độ cao khi bay là 14m (như trường hợp của tên lửa BrahMos) thì họ sẽ có rất ít thời gian để xử lý mối đe dọa đang đến gần.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos rời bệ phóng thẳng đứng trên tàu hộ vệ INS Tarkash (F50) của Ấn Độ
5. Vũ khí năng lượng định hướng
Sự ra đời của tên lửa dẫn đường đã mở ra một kỷ nguyên tác chiến hoàn toàn mới và có vẻ vũ khí laser cũng vậy.
Mặc dù phải một thời gian dài nữa nhưng việc các quốc gia đối địch triển khai vũ khí năng lượng định hướng có thể sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ.
Một hệ thống vũ khí laser của Trung Quốc
Nga và Trung Quốc hiện đang nghiên cứu công nghệ laser. Trong tương lai, vũ khí laser sẽ trở nên phổ biến. Giống như tên lửa chống hạm, ngay cả những tổ chức phi chính phủ cũng có thể sở hữu chúng một ngày nào đó.