Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất

Thùy Dương |

Tính tới 6 giờ sáng 14/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 21 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 752.000 người tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 252.000 ca bệnh và trên 5.900 ca tử vong, chủ yếu vẫn tập trung ở ba quốc gia Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Cụ thể là: Ấn Độ ghi nhận trên 64.000 ca, Brazil ghi nhận trên 54.000 ca và Mỹ ghi nhận trên 49.000 ca bệnh mới.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ đều cao nhất thế giới.

Ba quốc gia nói trên cũng có số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua và đều trên 1.000 ca: Brazil với 1.200 ca, Mỹ với 1.072 ca và Ấn Độ với 1.006 ca.

Châu Mỹ

Số ca tử vong tại Canada vượt 9.000

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 1.

Biển yêu cầu người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-10 tại nhà ga ở Toronto, Canada, ngày 21/7. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Canada đã vượt mốc 9.000. Tính tới 6 giờ ngày 14/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Canda là 121.028 ca, trong đó có 9.012 ca tử vong.

Giám đốc Cơ quan y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam, mới đây cảnh báo người dân cần phải quen với các biện pháp phòng dịch COVID-19, như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Những quy định này có thể kéo dài trong nhiều năm, ngay cả khi thế giới tìm được vaccine hiệu quả.

Bà Theresa Tam nêu rõ tình hình dịch bệnh tại Canada hiện nằm trong tầm kiểm soát, số ca tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm, từ mức xấp xỉ 200 ca/ngày hồi đầu tháng 5/2020 xuống mức trung bình chưa đến 10 ca/ngày trong 4 tuần qua. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh người dân vẫn cần thận trọng và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Quebec hiện là tỉnh bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, với 60.813 ca mắc bệnh, trong đó có 5.709 ca tử vong. Kế đến là tỉnh bang Ontario đông dân nhất Canada với 40.289 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.787 ca tử vong.

Bang Louisiana (Mỹ) truy dấu 7 ổ dịch

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 2.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Louisiana. Ảnh: WWLTV

Bang Louisiana đang truy dấu 7 ổ dịch COVID-19 có liên quan các trường học ở nước này.

Số liệu từ Cơ quan Y tế bang Louisiana cho thấy có 4 ổ dịch liên quan các trường đại học với 151 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi 3 ổ dịch còn lại liên quan các trường tiểu học và trung học cơ sở với 17 ca mắc COVID-19.

Đài truyền hình địa phương WBRZ2 dẫn lời giới chức sở tại cho biết một ổ dịch được xác định sau khi ghi nhận 2 hoặc thêm nhiều ca mắc bệnh không liên quan tới các cá nhân từng tham quan một danh thắng trong vòng 14 ngày. Nguồn tin cũng cho biết thêm bang Louisiana đã bắt đầu truy dấu nhóm các ca mắc COVID-19 tại các trường học vào tuần này.

Hoạt động giảng đã được nối lại tại nhiều địa phương ở bang Louisiana trong tuần qua. Một số cơ sở giáo dục đã mở lại các lớp học trực tiếp, trong khi một số khác lựa chọn phương thức giảng dạy trực tuyến hoàn toàn trong một vài tuần đầu tiên của học kỳ này.

Châu Á

Ấn Độ ghi nhận tổng cộng gần 2,4 triệu ca nhiễm

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 9/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tâm dịch của châu Á là Ấn Độ đã ghi nhận trên 64.000 ca mắc trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân tại nước nàylên gần 2,4 triệu người, trong đó có 48.144 trường hợp tử vong, tăng 1.006 ca so với ngày trước đó.

Như vậy trong một tuần qua, trung bình Ấn Độ mỗi ngày ghi nhận ít nhất 58.000 ca nhiễm. Đây là tốc độ lây nhiễm cao nhất trên thế giới, mặc dù nước này xếp thứ ba về tổng số ca COVID-19, sau Mỹ và Brazil.

Tuy nhiên, điều lạc quan là tỷ lệ tử vong do căn bệnh này tại Ấn Độ đã tiếp tục giảm xuống còn 1,98%. Bộ Y tế cho biết thêm hơn 70% các trường hợp tử vong là do có sẵn bệnh lý nền. Bên cạnh đó, Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo trong ngày 12/8, Ấn Độ đã tiến hành tới 830.391 lượt xét nghiệm COVID-19, mức cao nhất trong một ngày. Đến nay, nước này đã thực hiện tổng cộng hơn 2,68 triệu lượt xét nghiệm.

Philippines ghi nhận trên 4.000 ca mới

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 4.

Nhân viên hàng không mặc trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 khi làm việc tại sân bay ở Manila, Philippines ngày 4/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 13/8 thông báo có thêm 4.002 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 23 ca tử vong tại nước này.

Thông báo của DOH nêu rõ tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đến nay đã lên tới 147.526 ca, trong đó 2.426 ca tử vong. Philippines hiện là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Quan chức Carlito Galvez phụ trách thực thi chiến lược kiểm soát dịch COVID-19 của Chính phủ Philippines cho biết hầu hết các ổ dịch COVID-19 được xác định ở các cộng đồng đông dân cư - nơi nhiều bệnh nhân hiện được cách ly tại nhà. Mới đây, Bộ Giao thông và Bộ Lao động Philippines cũng đã ban hành yêu cầu bắt buộc sử dụng tấm chắn mặt tại nơi công cộng và nơi làm việc kể từ ngày 15/8.

Philippines đang lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng một vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của Nga vào tháng 10 tới sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine phòng dịch COVID-19.

Hàn Quốc: Nhiều sinh viên nhiễm SARS-CoV-2 trước năm học mới

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 5.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong số sinh viên đại học và cao đẳng ở Hàn Quốc gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo một nguy cơ lớn đối với sự an toàn của trường học trong bối cảnh ngày càng có nhiều trường cân nhắc kế hoạch mở lại các lớp học trực tiếp từ mùa thu tới.

Theo các quan chức y tế và chính quyền địa phương, 5 sinh viên đại học ở Yongin, phía Nam thủ đô Seoul, đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tuần này. Ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ngày 10/8 và chỉ một ngày sau đó đã có thêm 4 ca. Cả 5 sinh viên nói trên là bạn học cùng trường.

Trong khi đó, một sinh viên đại học ở Goyang, Tây Bắc Seoul, cũng đã có xét nghiệm dương tính vào tối 12/8 sau khi mẹ của sinh viên này được xác nhận nhiễm virus trước đó một ngày. Ngày 13/8, bạn học của sinh viên này cũng có xét nghiệm dương tính. Trong cả hai trường hợp trên, các sinh viên đều đang theo học các lớp ôn thi trực tiếp tại trường.

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 6.

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại chợ Namdaemun ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 10/8. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong khi giới chức y tế đang truy tìm nguyên nhân lây nhiễm của các ca nói trên, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng các trường hợp đã nhiễm khi hoạt động chung ngoài giờ học.

Chiều 13/8, thêm hai ca nhiễm mới là sinh viên đã được xác nhận ở thành phố cảng Busan. Một sinh viên khác, sống ở ký túc xá trường học, đã có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 một ngày trước đó. Hai ca trước không sống trong ký túc cũng không đi học ôn thi. Cơ quan y tế thành phố này đang truy vết nguồn gốc virus.

Sau trường hợp ghi nhận ngày 12/8, nhà chức trách đã cho xét nghiệm 117 trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân và có kế hoạch mở rộng diện xét nghiệm đối với 982 sinh viên cũng như giáo viên nhà trường.

Trung Quốc phát hiện SARS-CoV-2 trên cánh gà nhập khẩu

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 7.

Thịt gà đông lạnh được bày bán tại một siêu thị ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà chức trách tại thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bề mặt cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil. Các mặt hàng tương tự trong thành phố cũng đang được kiểm tra kỹ lưỡng.

Ủy ban Y tế thành phố Thâm Quyến cho biết mẫu cánh gà được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đợt kiểm tra định kỳ ở quận Long Cương ngày 12/8 và đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông xác nhận.

Theo ủy ban trên, tất cả nhân viên có thể đã tiếp xúc với sản phẩm đã được xét nghiệm acid nucleic, những người tiếp xúc gần với mẫu vật đang được theo dõi và tất cả các sản phẩm lưu kho cho đến nay đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, mọi sản phẩm đã bán ra đều đang được theo dõi, trong khi các khu vực đóng gói và lưu trữ các sản phẩm tương tự cũng đang được khử trùng.

Chính quyền thành phố Thâm Quyến khẳng định "sẽ tiếp tục theo dõi và kiểm tra tất cả thực phẩm đông lạnh có liên quan; người dân nên thận trọng khi mua thịt và hải sản đông lạnh nhập khẩu, đồng thời cần phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm”.

Châu Âu

Hy Lạp ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh tại trại tị nạn trên đảo

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 8.

Kiểm tra thân nhiệt du khách nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại bến cảng đảo Poros, phía Nam Athens, Hy Lạp ngày 7/8. Ảnh: THX/TTXVN

Hy Lạp ngày 13/8 thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tại khu trại tị nạn Vial trên đảo Chios của nước này.

Theo Bộ Di trú Hy Lạp, bệnh nhân là nam giới, 35 tuổi, đến từ Yemen. Kết quả xét nghiệm ngày 12/8 cho thấy người này đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại một bệnh viện địa phương, và lực lượng chức năng đang tiến hành xét nghiệm đối với 30 người.

Thống kê cho thấy trên 3.800 người đang sinh sống tại trại Vial, đông gấp hơn 3 lần so với sức chứa của khu trại. Nhiều ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại các trại tị nạn trên đất liền Hy Lạp, trong đó có 150 ca bệnh tại một khu nhà trọ dành cho người tị nạn ở Peloponnese vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, đây là ca mắc COVID-19 đầu tiên xảy ra tại một trại tị nạn trên đảo - nơi thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Ukraine ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 9.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine ngày 30/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội đồng An ninh Ukraine thông báo nước này ghi nhận 1.592 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 12/8. Đây là số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Ukraine.

Tính sáng 14/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Ukraine đã tăng lên tới 86.140, trong đó có 1.992 ca tử vong.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng mạnh trong 2 tháng qua sau khi giới chức sở tại nới lỏng một số biện pháp hạn chế, cho phép các quán cà phê, nhà thờ và phương tiện công cộng hoạt động trở lại.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov nhấn mạnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, do đó ông hối thúc người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp hạn chế hiện hành

Italy, Đức cảnh giác trước các ca nhiễm nhập cảnh

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 10.

Du khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Venice, Italy, ngày 12/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Italy đã quyết định xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối tới tất cả những người trở về từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Malta và Croatia.

Quyết định được đưa ra tối 12/8 sau cuộc họp khẩn giữa bộ trưởng y tế và bộ trưởng phụ trách các vấn đề vùng miền cùng những người đứng đầu chính quyền 20 vùng của Italy. Cuộc họp được tiến hành trong bối cảnh Italy ghi nhận một số ca nhiễm mới là người trở về từ các nước châu Âu nói trên.

Cụ thể, Bộ Y tế Italy cho biết người nhập cảnh có 3 lựa chọn hình thức xét nghiệm, gồm xét nghiệm nhanh tại sân bay, cảng biển và nhà ga tàu; xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ sau khi nhập cảnh, hoặc xuất trình chứng nhận xét nghiệm có kết quả âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh Italy. Để triển khai công tác xét nghiệm này, Bộ Y tế Italy đã chỉ thị các vùng sẵn sàng cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu để tiến hành các xét nghiệm nói trên.

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 11.

Hành khách tại sân bay Tegel ở thủ đô Berlin, Đức, ngày 25/7. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Đức ngày 12/8 đã đưa thủ đô Bucharest của Romania và 10 khu vực khác của nước này vào danh sách các điểm có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, đồng thời khuyến cáo hạn chế qua lại các địa điểm này. Theo đó, những người đến Đức sau khi thăm những địa điểm nói trên sẽ phải tiến hành xét nghiệm và cách ly nếu có kết quả dương tính. Bộ trưởng Lao động Đức đã hủy chuyến công tác tới Bucharest.

Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát mà nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng người đi lại giữa các nước trong kỳ nghỉ hè. Ngày 12/8, Đức ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu tháng 5, với 1.226 ca. Bộ trưởng Y tế Đức coi đây là con số đang lo ngại, đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác cao độ trong phòng chống dịch bệnh.

New Zealand ghi nhận thêm 13 ca nhiễm trong cộng đồng

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 12.

Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Auckland, New Zealand ngày 12/8. Ảnh: THX/TTXVN

Sáng 13/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo nước này ghi nhận 14 ca mắc COVID-19, trong đó 13 ca liên quan đến 4 ca được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trước đó tại thành phố Auckland.

Trong số 13 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, 7 trường hợp là người trong gia đình của 4 trường hợp ở Auckland nói trên, các ca còn lại là những trường hợp có tiếp xúc gần với các ca bệnh trước đó. Ngoài ra, một trường hợp còn lại là công dân New Zealand mới trở về từ Philippines. Tất cả các trường hợp này đã thực hiện cách ly ngay lập tức.

Giám đốc Y tế New Zealand, Tiến sĩ Ashley Bloomfield cho biết thời gian sớm nhất mà những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng là vào khoảng ngày 31/7, do đó ca nhiễm đầu tiên có thể đã xuất hiện trong cộng đồng từ vài tuần trước đó.

Thành phố Auckland đã tái áp đặt tình trạng phong tỏa cấp 3 từ ngày 12-14/8 sau khi phát hiện 4 trường hợp mắc COVID-19 trong cùng một gia đình. Thủ tướng Ardern cho biết sẽ chưa đưa ra các quyết định tiếp theo cho đến khi có thêm thông tin chi tiết về sự lây lan và tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng. Trong thời gian phong tỏa, người dân Auckland sẽ phải làm việc tại nhà, trong khi các nhà hàng, quán bar đều phải đóng cửa. Trường học sẽ đóng cửa, trừ học sinh có cha mẹ là nhân viên các ngành dịch vụ thiết yếu. Hạn chế số lượng người tham dự các sự kiện. Tất cả các địa phương khác của New Zealand cũng chuyển sang giai đoạn phong tỏa cấp 2.

Tình hình phát triển vaccine trên thế giới

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 13.

Nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 tại Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaley ở Moskva, Nga. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Viện Nghiên cứu Vaccine Carlos Finlay của Cuba ngày 12/8 thông báo nước này đang phát triển 4 loại vaccine ngừa COVID-19. Việc bào chế các loại vaccine này được tiến hành dựa trên các nền tảng công nghệ hiện có tại đảo quốc Caribe và dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất ngay sau khi hoàn thành các nghiên cứu cần thiết.

Ngày 13/8, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết trong năm nay sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 "ứng viên" vaccine phòng COVID-19 phát triển trong nước. Một loại vaccine là của SK Bioscience của công ty dược phẩm thuộc Tập đoàn SK, trong khi 2 vaccine còn lại là của công ty Genexine và GeneOne Life Science. Trong 3 công ty này, Genexine đã được chấp thuận tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2.

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn ngày 13/8 cho biết ông hy vọng sẽ có vaccine phòng COVID-19 trong vòng vài tháng tới và sẽ chắc chắn có trong năm sau. Tuy nhiên, ông Spahn không nêu cụ thể tháng nào sẽ có vaccine phòng COVID-19 và cho rằng chưa thể nói con người cần tiêm bao nhiêu mũi vaccine phòng COVID-19 và khả năng miễn dịch sau khi tiêm kéo dài bao lâu.

Tổng thống Argentina Alberto Fernández thông báo nước này sẽ hợp tác cùng Mexico sản xuất từ 150 đến 250 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do phòng thí nghiệm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu và phát triển.

Tổng thống Fernández cho biết số lượng vaccine này sẽ được phân phối vào nửa đầu năm sau tại tất cả các nước Mỹ Latinh, ngoại trừ Brazil.

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 14/8: Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất - Ảnh 14.

Vaccine ngừa COVID-19 do Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaley của Nga phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền bang Paraná của Brazil và Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RFPI) đã ký một thỏa thuận hợp tác sản xuất và phân phối vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Theo đó, Viện Công nghệ Paraná sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V từ đầu năm 2021 với số vốn đầu tư 80 triệu real (khoảng 14,7 triệu USD).

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Y tế Colombia Fernando Ruiz cho biết nước này sẵn sàng xem xét việc nhập khẩu và sản xuất "tất cả các loại vaccine" có khả năng ngừa COVID-19. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Colombia Francisco Echeverri thông báo quốc gia Nam Mỹ này sẽ thực hiện các bước đánh giá hiệu quả của loại vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại