Điểm tâm sáng bằng tiết canh chó, người đàn ông bị liệt tứ chi

D.Thu |

Một người đàn ông 61 tuổi ở Hà Nội được chẩn đoán bị bệnh Parkinson nhưng qua xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ xác định ông mắc giun đũa do thường xuyên điểm tâm sáng bằng tiết canh chó.

Điểm tâm sáng bằng tiết canh chó, người đàn ông bị liệt tứ chi - Ảnh 1.

Chó, mèo là vật trung gian truyền bệnh giun đũa cho con người

Nguồn tin từ Bệnh viện E trung ương ngày 25-10 cho biết vừa điều trị cho 1 bệnh nhân nam 61 tuổi ở Thái Bình bị đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, run toàn thân, liệt chân chân tay...

Bệnh nhân trên thoạt đầu được chẩn đoán mắc Parkinson. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm giun đũa có tên Toxocara (thường có trong ruột của chó, mèo).

Bệnh nhân cho biết do nhà có bán thịt chó nên thường xuyên điểm tâm sáng bằng bát tiết canh chó.

Theo các bác sĩ Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện E Trung ương, nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun đũa Toxocara có thể qua tiếp xúc với chó, mèo; ăn tiết canh chó hoặc ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó, mèo phát tán ra môi trường.

Hơn 30 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện E Trung ương khoảng 2 năm trở lại đây do nhiễm giun đũa. Trong đó, 10 bệnh nhân cho biết họ từng ăn tiết canh chó và 20 bệnh nhân khác nói rằng nhà có nuôi chó nên thường xuyên âu yếm, tắm rửa và chơi đùa với "thú cưng".

Trước đó, Viện sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng phát hiện và điều trị cho một bệnh nhân nam ở Hải Phòng bị nhiễm giun đũa chó, mèo.

Thời điểm trước khi nhập viện, hằng ngày, bệnh nhân này phải hứng chịu những cơn đau đầu khủng khiếp và ngứa ngáy khắp người. Một thời gian sau đó, chân phải bệnh nhân đau nhức và có cảm giác như bị liệt.

Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân có một khối u trong não nhưng kết quả xét nghiệm chuyên sâu cho thấy bệnh nhân dương tính với với ký sinh trùng giun đũa chó, mèo. Chúng làm tổ trong não, chèn vào dây thần kinh khiến bệnh nhân bị các triệu chứng nói trên.

Nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện E Trung ương cho thấy đa phần bệnh nhân đến khám có khởi phát các triệu chứng thần kinh như: nhức đầu, chóng mặt, giảm trí nhớ, buồn nôn, mất ngủ, tê bì chân tay, rối loạn tiêu hoá...

Tuy nhiên, 70% số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác (hội chứng tiền đình, Parkinson, bệnh mắt, động kinh, viêm tuỷ, bệnh máu), chỉ 30% tìm được nguyên nhân gây bệnh là giun đũa chó, mèo vì bệnh nhân từng đến khám tại bệnh viện nhiều lần và được loại trừ các bệnh lý ở những lần trước đó.

Các bác sĩ cho biết giun đũa chó, mèo có thể không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu, tăng globulin, men gan máu, giảm hồng cầu, tăng bạch cầu ưa axít...

Nếu phát hiện đúng bệnh, bệnh nhân sẽ điều trị bằng các loại thuốc tiêu diệt ký sinh trùng.

Điểm tâm sáng bằng tiết canh chó, người đàn ông bị liệt tứ chi - Ảnh 2.

Tiếp xúc, chơi đùa, ôm ấp thú cưng, trẻ có thể nhiễm ký sinh trùng Toxocara - Ảnh minh họa

Bệnh thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ khá cao và gây các biến chứng nguy hiểm. Do đó, giới chuyên môn khuyến cáo các gia đình nuôi chó, mèo nên tẩy giun sán định kỳ cho chó, mèo. Với chó con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần.

Người lớn, trẻ em sau khi chơi với động vật nên rửa tay sạch sẽ, đồng thời hạn chế ăn rau sống tại các nơi ô nhiễm hay có chứa đồ phóng uế của chó, mèo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại