Bệnh nhồi máu não xảy ra khi một động mạch não bị tắc làm ngừng trệ sự tưới máu và cung cấp oxy cho vùng não bị động mạch đó chi phối dẫn đến các tế bào não bị hủy hoại và chết. Nếu quá trình thiếu máu này không được tái hồi phục nhanh chóng, các tế bào não đó sẽ chết vĩnh viễn. Nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 80-85% đột quỵ não.
5 nguyên nhân thường gặp dẫn đến nhồi máu não
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội - Hội sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, nguyên nhân thường gặp của nhồi máu não là:
- Xơ vữa mạch máu lớn: Chiếm 50%, trong đó các mạch máu lớn ngoài sọ chiếm 45%, mạch máu lớn trong sọ chiếm 5%.
- Tắc các mạch máu nhỏ trong não:Thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chiếm 25%.
- Nguyên nhân từ tim gây cục huyết khối như bệnh hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim... tạo cục máu đông đi đến não chiếm 20%.
- Bệnh động mạch không xơ vữa chiếm tỷ lệ
- Bệnh về máu như bệnh lý đông máu, bệnh tế bào máu, bất thường bẩm sinh của mạch máu... chiếm <5%.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cùng chuyên gia nước ngoài khám cho người dân.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ nhồi máu não
Để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não, hãy nhớ tới từ F.A.S.T (tiếng anh có nghĩa là “nhanh chóng”):
- Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi-má mờ.
- Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Khi cho bệnh nhân giơ cả hai tay thì một tay yếu hơn không nâng được.
- Rối loạn ngôn ngữ (Speech): nói khó, nói không rõ hoặc không hiểu lời nói.
- Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: Các triệu chứng của nhồi máu não xảy ra đột ngột, tăng nặng dần, thường gặp như liệt nửa người, liệt các dây thần kinh sọ, méo miệng, nói khó, tê bì rối loạn cảm giác…
Triệu chứng có thể rất kín đáo hoặc rầm rộ, rối loạn ý thứctrong trường hợp người bệnh tổn thương nhồi máu não rộng, nhồi máu hai bên bán cầu não hoặc nhồi máu thân não.
Hiện nay, để điều trị nhồi máu não, cần tái thông mạch máu càng sớm càng tốt: Bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những người bệnh nhồi máu não đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị đột quỵ). Mục tiêu tiếp theo là hạn chế biến chứng, tìm nguyên nhân đột quỵ nã o để dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng sớm ngay sau 24 giờ kể từ lúc khởi phát triệu chứng.
Nhồi máu não là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ tái phát cao. Ảnh minh hoạ.
Phòng ngừa tái phát nhồi máu não
Theo các bác sĩ, nhồi máu não là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ tái phát cao, vì vậy để điều trị dự phòng tái phát, người bệnh cần lưu ý: Điều trị các nguyên nhân gây nhồi máu não: các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu;
Có chế độ ăn uống hợp lý: Thực hiện chế độ giảm chất béo, giảm mặn, giảm tinh bột, đường tăng cường ăn nhiều rau xanh, thể thao mỗi ngày 30 phút, ngưng thuốc lá, rượu bia và tránh béo phì;
Tái khám theo định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ;Khi có các triệu chứng gợi ý đột quỵ như yếu nửa người, méo miệng, khó nói... người bệnh cần phải nhanh chóng đến bệnh viện, tuyệt đối không tự xử lý tại nhà.
Thời gian đến viện càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong vòng 6 giờ đầu sau khi tai biến thì sẽ có cơ hội phục hồi cao nhất.