Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) những ngày qua luôn trong tình trạng bệnh nhi nằm kín giường - Ảnh: XUÂN MAI
Bệnh nhi nhập viện điều trị do mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa đã tăng trở lại trong vài ngày gần đây. Phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ, đặc biệt khi mùa tựu trường sắp đến.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - giám đốc Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết tại Trung tâm nhi khoa, hơn tháng nay vẫn duy trì điều trị nội trú cho khoảng 130 bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...
Giường bệnh kín trẻ điều trị
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi gặp các bệnh lý trên. Ngày 13-8, gia đình anh P.V.Q. ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đưa con nhỏ 1 tuổi rưỡi đến khám tại một bệnh viện tư, bệnh viện đã chẩn đoán cháu bị viêm phổi, có chỉ định nhập viện nhưng bệnh viện hết giường.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, gia đình đưa cháu đến khoa quốc tế thăm khám nhưng khoa cũng hết giường. Nhiều khoa phòng khác của bệnh viện thường xuyên trong tình trạng kín giường.
Tại các bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và Thành phố (TP.HCM), số bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp nhập viện điều trị vẫn tăng, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức ổn định, chưa xảy ra tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp vào điều trị nội trú tăng nhẹ so với những tháng trước, thường xuyên có khoảng 200 trẻ điều trị tại khoa, trong khi khoa hô hấp hiện có 120 giường bệnh.
"Hằng năm từ tháng 8 - 11 sẽ gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ. Đây là tính chất quy luật, phụ huynh không quá hoang mang mà cần chuẩn bị các biện pháp phòng bệnh, chăm sóc cho trẻ trong thời gian này", bác sĩ Tuấn lưu ý.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam thông tin thêm, các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ thường diễn biến quanh năm, tuy nhiên ca bệnh tăng nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa. Do thời tiết chuyển mùa, không khí ẩm ướt, tình trạng trẻ ho, sốt, viêm tiểu phế quản, viêm phổi đều tăng lên.
Viêm tiểu phế quản gặp nhiều ở trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Biểu hiện ban đầu thường gặp là trẻ sổ mũi, ho nhẹ và sốt trong 1 đến 2 ngày. Sau đó, triệu chứng này có thể tăng lên, trẻ ho nhiều hơn, thở nhanh và thở khò khè.
Khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản thường sẽ gây ho rất lâu, trong khi đó bệnh lại không đặc hiệu với kháng sinh nên việc điều trị phải rất kiên trì, tái khám thường xuyên khiến cha mẹ có tâm lý lo lắng.
Điều cốt yếu trong điều trị viêm tiểu phế quản là đảm bảo trẻ có đủ oxy. Do đó cần phải lấy sạch nhầy mũi cho trẻ, trường hợp nặng cần thở oxy. Đặc biệt, cha mẹ không nên tùy ý sử dụng kháng sinh vì viêm tiểu phế quản gây ra bởi virus, kháng sinh không diệt được virus và không điều trị được bệnh.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên cho trẻ uống thuốc ngừng ho tùy tiện, bởi những cơn ho cũng góp phần đẩy đờm dãi ra ngoài. Với trẻ ho kèm nôn trớ thì không nên cho con ăn quá no, nên uống nước ấm, xịt rửa mũi, họng và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khu vực khám bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương đông đúc vào sáng 14-8 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Cẩn trọng với COVID-19 khi trẻ trở lại trường
Một trong những bệnh về đường hô hấp ở trẻ cũng đang tăng trong thời gian này là COVID-19. Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa hồi sức nhiễm COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM - cho biết số bệnh nhân mắc COVID-19 đến khám và nhập viện đã tăng gấp 2 lần trong khoảng 2 tuần nay.
Mỗi ngày có 2-3 ca nhập viện, chủ yếu trẻ có bệnh nền sẵn. Tại phòng khám, đa số trẻ nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ, các bác sĩ cho điều trị cách ly tại nhà.
Theo Sở Y tế TP.HCM, số trẻ mắc COVID-19 có chiều hướng tăng nhẹ (ngày 12-8 là 13 ca, tăng 2 ca so với ngày trước). Tất cả bệnh nhi mắc COVID-19 này đều chưa được tiêm vắc xin, trong đó có hơn 1/5 trẻ ở độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 nhưng chưa tiêm.
Những ngày qua, TP.HCM luôn nằm trong danh sách các địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp nhất cả nước. Tính đến ngày gần nhất (13-8), tỉ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM được tiêm vắc xin là 51,2%.
Ngành y tế đánh giá điều này là đáng lo ngại, khi trẻ em chưa được bao phủ vắc xin phòng COVID-19, nhất là trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng và trẻ sắp tựu trường. Sở Y tế TP khuyến cáo phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi đi tiêm vắc xin COVID-19 tại các điểm tiêm nơi các cháu cư trú hoặc đi học.