Trong nước, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, nhập viện, chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.12.1. lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch COVID-19.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong ngày đã tăng cao trở lại, với 1.000 - 1.800 ca liên tục từ 2 tuần nay, trong khi nhiều ngày trước đó số ca mắc trung bình 500 - 900 ca/ngày.
Tại miền Bắc, trong các tháng 1 đến 6 có 69 - 100% ca mắc qua giám sát xét nghiệm được xác định do Omicron biến thể BA.1, BA.2 và 3 ca nhiễm BA.5 đầu tiên ghi nhận trong tháng 6.
Trong tháng 7, số ca mắc do Omicron vẫn chiếm 100%, nhưng đã ghi nhận thêm 6 ca nhiễm biến thể BA.5 . Đáng lưu ý, xét nghiệm giám sát mới nhất tại phía Nam cho thấy trong số hơn 30 mẫu được giải trình tự gene, biến thể phụ BA.4, BA.5 chiếm ưu thế; đồng thời phát hiện thêm biến thể phụ BA.2.12.1.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập Việt Nam, có thể lấn át biến thể phụ cũ BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta. Hiện nay thế giới vẫn tiếp tục đánh giá về tính lây lan của 2 biến thể phụ mới BA.4, BA.5.
“Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy các biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2. Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, khi gia tăng các ca mắc mới thì cũng dễ dẫn đến gia tăng các ca phải nhập viện”, TS Lân nói.
Đẩy nhanh tiêm chủng
Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tiếp tục tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, để tiếp tục chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, ngay cả khi dịch bùng phát trở lại.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các ca chuyển bệnh nặng, tử vong.
Cùng với đó, chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại các cửa khẩu và các dịch bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát tại địa bàn; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gene để xác định, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của SARS-CoV-2.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đã đề ra; nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; chỉ đạo thực hiện rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023.
Bộ Y tế dự báo số ca mắc COVID-19 thời gian tới có thể tiếp tục tăng và nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh.