Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã đề ra muc tiêu lấy năm 2016 là "năm an toàn thực phẩm trọng điểm", đồng thời đẩy mạnh việc "chấn chỉnh vệ sinh an toàn thực phẩm trong căn tin trường học và khu vực xung quanh".
Xung quanh quyết định trên, vấn đề an toàn thực phẩm tại môi trường giáo dục đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nước này.
Theo đó, nhóm phóng viên của China News đã đi khảo sát và phát hiện ra sự thật đáng giật mình đằng sau những món quà vặt được trẻ em và thanh niên Trung Quốc ưa chuộng
Nhan nhản những loại quà vặt "hết đát" được bày bán tràn lan
Vào khoảng 4h chiều tại trường Tiểu học Phong Thái (Bắc Kinh), siêu thị đối diện cổng trường chật ních các học sinh và trẻ em mua đồ ăn vặt.
Hạt điều cay, đậu rang… là các mặt hàng rất được ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon và giá cả siêu rẻ, chỉ vào khoảng 5 NDT/túi.
"Lớp em có 30 bạn, hầu như ai cũng mua những món này. Thứ được yêu thích nhất chính là đậu rang cay. Em cũng rất hay ăn món đó!", Lý Tuyết (học sinh lớp 6) chia sẻ với các phóng viên.
Trong quá trình khảo sát, phóng viên nhận thấy rất nhiều căng tin và siêu thị, tạp hóa ở những khu vực khác cũng bán các mặt hàng tương tự.
Với thị trường tiêu thụ lớn và nhu cầu cao, những món quà vặt "hết đát" thường xuyên được bày bán công khai và dễ dàng tới tay những khách hàng nhỏ tuổi này. (Ảnh: nguồn Chinanews).
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các túi đồ ăn vặt này phần lớn đều không có ngày sản xuất, không đề hạn sử dụng, thậm chí có mặt hàng đã quá hạn từ lâu vẫn được đưa ra bày bán công khai.
Các phóng viên đã từng ghi nhận trường hợp một loại sữa đậu chocolate được sản xuất vào tháng 9 năm 2014, hạn sử dụng chỉ có 1 năm, nhưng tới nay vẫn được tiêu thụ trên nhiều kệ hàng xung quanh trường học.
Đa số các em học sinh đều khẳng định khi mua đồ ăn văt, các em "chẳng bao giờ nhìn đến ngày sản xuất".
Ngay tới món ăn được ưa chuộng nhất là hạt điều cay cũng nhiều lần bị Cục kiểm tra, quản lý và giám sát dược phẩm, thực phẩm Bắc Kinh "sờ gáy".
Loại hàng này bị nghiêm cấm tiêu thụ do chứa hàm lượng saccharin natri, axit sorbic vượt quá mức quy định và nhiều chất phụ gia không an toàn khác nhưng vẫn được tiêu thụ hàng loạt tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Hiểm họa ẩn sau những món hàng rong thơm ngon
So với những cửa hàng cố định bán đồ ăn vặt tại các trường tiểu học, trung học, những xe hàng rong lưu động lại rất phổ biến xung quanh khuôn viên các trường đại học.
Vào buổi tối, các sinh viên vẫn thường đưa nhau đi thưởng thức những món hàng rong như mỳ xào, các món xiên, que, ma lạt năng (tên một món ăn cay nổi tiếng Trung Quốc)…
Khi khảo sát khu chợ gần một trường đại học, các phóng viên nhận thấy bên trong tủ lạnh của các gian hàng rong đầy ắp thịt bò, cá, đậu hũ và hàng chục loại thực phẩm đóng gói khác không có ngày sản xuất và hạn sử dụng.
"Phiếu in hạn sử dụng ở miệng túi đã ‘vô tình’ bị xé rách, hơn nữa, chưa thấy vị khách nào hỏi về chất lượng vệ sinh khi mua hàng", một tiểu thương cho biết.
Ông Vương Vĩ (chủ một gánh hàng cơm) cho biết: "Những gánh hàng rong của chúng tôi phần lớn đều chẳng có giấy phép, mỗi lần có người tới kiểm tra là phải thi nhau bỏ chạy!" .
Ông còn thản nhiên chia sẻ mình từng bị phạt 1000NDT vì không có giấy phép kinh doanh.
Ngộ độc thực phẩm là chuyện... cơm bữa!
Năm 2002, Trung Quốc từng ghi nhận vụ việc ngộ độc gây rúng động dư luận với số nạn nhân lên đến 200 người, trong đó có 110 học sinh.
Vụ việc đã khiến 38 người tử vong. Nguyên nhân được xác định là ngộ độc thuốc chuột khi uống sữa đậu nành tại Hà Thịnh Viên.
Năm 2014, truyền thông nước này đăng tải hàng loạt thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm. Tiêu biểu là trường hợp 106 người dân làng Long Thịnh (huyện Hà Bình, tỉnh Quảng Đông) phải nhập viện do ăn nhầm thịt bò chết.
Những vụ bê bối về chất lượng vệ sinh thực phẩm và các vụ ngộ độc tập thể thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa).
Trước đó, 120 người đã phải nhập viện vì ngộ độc thức ăn, trong đó có 80 học sinh tiểu học tại phía nam Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến sau khi ăn bữa sáng tại trường,
36 người khác tại thành phố An Dương phải nhập viện vì ăn phải thực phẩm bán rong kém chất lượng.
Tình trạng thực phẩm kém an toàn và thiếu vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ngộ độc thức ăn tập thể thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc.
Người dân nước này cũng thường xuyên "kinh hồn bạt vía" vì bị hại trong tay chính đồng bào mình.
Đó là hàng tá các thực phẩm như bột mì chứa chì gây tổn hại xương và thần kinh, tôm "ngậm" formaldehyde gây ung thư mũi, vòm họng, đại tràng, mì tẩm thuốc phiện….
*Theo Health Huanqiu