Quân đội của các lực lượng viễn chinh
Bộ Tư lệnh Nam Mỹ (SOUTHCOM) là đơn vị cấp bộ tư lệnh nhỏ nhất trong số 10 bộ tư lệnh hợp nhất của Quân đội Mỹ. Lực lượng này chỉ có vẻn vẹn 1.200 người cộng với vài nghìn binh lính và một số ít tàu chiến triển khai theo chế độ không thường trực.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Quân đội Mỹ không thể tấn công Venezuela trong trường hợp Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho Lầu Năm Góc can thiệp bằng vũ lực. Tất nhiên, việc tấn công xâm lược Venezuela không phải là một ý tưởng hay ho gì.
Hầu hết các lực lượng quân sự Mỹ, về bản chất là lính viễn chinh, và họ thường phải di chuyển những quãng đường dài để tham gia vào các chiến dịch tác chiến nào đó.
Tàu chiến Mỹ có thể di chuyển từ vùng biển này đến vùng biển khác và thậm chí xuyên qua giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Máy bay chiến đấu có thể triển khai đến các căn cứ không quân gần địa bàn hành động.
Trong khi đó, các lực lượng mặt đất di chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không hoặc đường biển sẽ được triển khai tới vùng lãnh thổ Mỹ hoặc lãnh thổ đồng minh gần với địa bàn chiến đấu.
So với các cường quốc quân sự khác, Mỹ có một thế mạnh là họ đầu tư rất nhiều nguồn lực cho công tác tiếp vận hậu cần, trong đó có cả các phi đội vận tải đường biển và đường hàng không lớn nhất thế giới.
Chính vì những lý do này nên trong quá khứ, Lầu Năm Góc đã huy động được cả chục nghìn binh lính cộng với hàng trăm tàu chiến và máy bay phục vụ cho các chiến dịch lớn ở Nam Mỹ.
Năm 1983, Mỹ đã điều chuyển được gần 10.000 quân tấn công Grenada sau vụ đảo chính ở quốc gia Caribbe này. 6 năm sao đó, 27.000 lính Mỹ đã xâm lược Panama khi tướng Manuel Noriega thay đổi chính sách chuyển sang liên minh với Cuba.
Hay như năm 2010, Lầu Năm Góc đã huy động hàng chục tàu chiến và máy bay cũng như gần 20.000 binh sĩ giúp đỡ Haiti sau trận động đất tàn phá ở nước này.
Lính đặc nhiệm Mỹ đổ bộ xuống một ngôi làng ở tỉnh Parwan, Afghanistan. Ảnh: Lục quân Mỹ
Để tấn công Venezuela, Mỹ phải cần tới hơn 100.000 quân
Xét trên góc độ chỉ huy thì Hải quân, Lục quân, Không quân, Thủy quân Lục chiến và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ hoàn toàn có thể huy động được cả chục nghìn người, hàng chục tàu và hàng trăm máy bay tới những khu vực lân cận Venezuela. Hậu cần không phải là điều đáng lo ngại.
Vấn đề nằm ở chỗ, cuộc tấn công có thể làm cho Venezuela rơi vào tình trạng mất ổn định hơn nữa, gây tổn thương, giết hại hoặc làm li tán hàng triệu người Venezuela vô tội, từ đó khiến Mỹ trở thành quốc gia bị xa lánh trọng khu vực vốn dĩ đã thù địch với Mỹ.
Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu James Stavridis, nguyên tư lệnh SOUTHCOM giai đoạn từ năm 2006 - 2009 cho biết, ông phản đối kế hoạch can thiệp của Mỹ.
"Tôi không ủng hộ điều đó", Stavridis nói. "Tôi đã chỉ huy SOUTHCOM trong 3 năm ở Miami, vì vậy tôi có thể hình dung được những gì đang diễn ra ở đây".
Chia sẻ trên tờ Bloomberg, Shannon O'Neil - nghiên cứu viên cao cấp về các vấn đề Mỹ Latinh của Viện Quan hệ Đối ngoại có trụ sở ở New York cho rằng, một cuộc tấn công Venezuela nếu xảy ra, sẽ phải cần tới số binh lính nhiều hơn ở Grenada và Panama trước đây, và do đó cũng sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn.
"Venezuela có diện tích lớn gấp 2 lần Iraq nhưng với quy mô dân số nhỏ hơn. Vì vậy, bất cứ một chiến dịch xâm lược nào cũng cần phải thực hiện được công tác chuẩn bị ở quy mô tương tự, nghĩa là phải huy động được từ 100.000 quân trở lên".
"Quân đội Mỹ không được chào đón ở Venezuela", O hèNeil viết. "Một cuộc khảo sát tháng 2/2018 cho thấy, phần lớn người Venezuela, gồm cả đa số những người thuộc phe đối lập phản đối một cuộc xâm lược".
Ngày 2/5/2019, Đô đốc Hải quân Craig Faller, Tư lệnh SOUTHCOM phát biểu trước một ủy ban Quốc hội Mỹ đã nói rằng, kịch bản khả thi nhất là triển khai một sứ mệnh do quân đội lãnh đạo để di tản công dân Mỹ khỏi Venezuela. Hiện nay có khoảng 200 lính Mỹ đang ở Colombia và ngay lập tức có thể hỗ trợ sứ mệnh sơ tán này.
"Ở Venezuela hiện nay có khoảng 100.000 công dân Mỹ, vì vậy chắc chắn ông Maduro sẽ phản tránh để xảy ra các tình huống gây nguy hiểm cho người Mỹ", James Stavridis cho biết thêm.
"Tôi nghĩ đó sẽ là một giới hạn đỏ. Tôi không cho rằng chính phủ Maduro lại dám mạo hiểm vượt qua lằn ranh đó bởi vì nó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự".
Video giới thiệu về lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Mỹ