Chiều 31/10, Quốc hội khoá XV tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 2024.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) thẳng thắn cho rằng các nội dung y tế trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 2023 còn sơ sài, nhất là những vấn đề đề cập từ các kỳ trước như thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo hiểm y tế.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu chiều 31/10. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu TP.HCM đề nghị bổ sung tình hình giải quyết việc cung ứng thuốc vật tư y tế, cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.
"Việc cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả của nước ta hiện nay mất nhiều thời gian so với các nước trên thế giới. Hàn Quốc chỉ mất 2 -3 tháng, còn Việt Nam thường từ 2-4 năm để cập nhật danh mục thuốc này", nữ đại biểu nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị làm rõ chính sách dự trữ quốc gia với một số thuốc hiếm, cùng với đó là nguy cơ thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cùng quan tâm đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
"Cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế", bà Xuân nói.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, thiếu thuốc, vật tư y tế không phải lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, Nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này.
Các đại biểu thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều nay. (Ảnh: Quochoi.vn)
Trước đó, trả lời bên hành lang Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế vẫn tiếp diễn, đơn cử như ngày 24/10 Cần Thơ thiếu túi đựng máu nên không thu gom được máu.
"Liên quan đến máu, vấn đề đáng quan tâm là không có người hiến, nhưng hiện nay, người hiến luôn sẵn sàng thì lại không có túi đựng máu. Đây là câu chuyện đã kéo dài mà vẫn chưa được giải quyết" , ông nói. Tình trạng này đang xảy ra ở các cấp, từ bệnh viện trung ương đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Ông mong muốn làm rõ xem sự thật đến đâu và tìm ra nguyên nhân vì sao và thiếu đến đâu.
Đại biểu Trí nhấn mạnh, tuyệt đối không để cho nhân dân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khi đi khám, chữa bệnh. Ủy ban Xã hội của Quốc hội cần thiết phải thực hiện cuộc giám sát trong toàn ngành y tế, giám sát đến nơi đến chốn để trả lời được câu hỏi: Tại sao các văn bản pháp quy từ luật đến nghị định, thông tư được ban hành mà tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn diễn ra; khó khăn, ách tắc vẫn còn đó.
Theo ông, các luật, nghị định, nghị quyết, thông tư ra đời mà vẫn để thiếu thuốc thì trách nhiệm thuộc về ngành Y tế, gồm lãnh đạo Bộ Y tế đến các Cục, Vụ và tiếp theo là giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện.
Ông thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân thiếu là các văn bản pháp quy hiện nay vẫn chưa có tính thực tiễn nên vẫn khó cho việc triển khai đầu thầu, mua sắm. Nếu triển khai mua thì thường trúng cả gói thầu chất lượng thấp, có thể do hướng đến vấn đề giá cả nhiều hơn. Do khó làm nên nhiều lãnh đạo, giám đốc Sở ngại, sợ trách nhiệm, sợ làm lại gặp khó vấn đề này, vấn đề kia.
"Để nhân dân bị thiếu thuốc là có tội. Khi mọi nút thắt được tháo gỡ, ở những nơi khác đã làm được, đã có thuốc, có vật tư y tế, mà ở đơn vị này không làm được thì phải xem xét biện pháp về tổ chức, thay thế lãnh đạo", ông Trí cho hay.