Phát biểu từ đơn vị chống khủng bố đặc biệt tại Mosul, trong chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia ngày 10/7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố kết thúc chiến dịch gần 9 tháng và chấm dứt 3 năm nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm giữ thành phố chiến lược lớn thứ hai này.
Việc Mosul được giải phóng làm cho người dân Iraq thuộc mọi sắc tộc và các cộng đồng tôn giáo thở phào nhẹ nhõm.
Thành viên đơn vị cảnh sát Iraq ăn mừng chiến thắng tại Mosul. Ảnh: Reuters
Trong suốt thời gian qua, các lực lượng vũ trang Iraq đã chịu nhiều tổn thất khi tiến công các lực lượng IS cố thủ tại thành phố này. Nơi đây được coi là thành trì của nhà nước Hồi giáo cực đoan IS ở Iraq và là nơi al-Baghdadi, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq tuyên bố thành lập "Nhà nước Hồi giáo" năm 2014.
Chiến dịch giải phóng thành phố Mosul đã thành công. Nhưng sau giải phóng, thành phố chỉ còn là đống đổ nát và chính quyền Iraq phải đối phó với thảm họa nhân đạo, bắt tay vào công cuộc tái thiết thành phố.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong việc tái thiết Iraq nói chung và thành phố Mosul nói riêng:
Liệu chính quyền Iraq có tránh giẫm phải "vết xe đổ" trong suốt 14 năm qua? Hay họ vẫn với cách làm cũ để tiếp tục dẫn đến một xã hội, sắc tộc cũng như các tôn giáo bị chia rẽ? Những bài học kinh nghiệm trong quá khứ liệu có giúp gì trong quá trình tái thiết thành phố cũng như các khu vực bị IS chiếm đóng?
Có một điều không thể phủ nhận. Đó là việc ra đời và lớn mạnh của nhà nước Hồi giáo cực đoan IS trong thời gian qua chính là hệ quả của tham nhũng, xung đột, nghèo đói và những bất công xã hội, đối xử tôn giáo bất bình đẳng…
Do vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, IS đã chiếm một nửa Iraq. Mặt khác, quân đội Iraq lại tỏ ra bạc nhược, tinh thần chiến đấu thấp do binh sĩ bất mãn bởi các vấn nạn tham nhũng, sự thiếu đoàn kết trong chính phủ. Kết quả một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy quân đội Iraq có ít nhất 50.000 "lính ma" nằm trong hệ thống trả lương của Bộ Quốc phòng Iraq.
Nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội Iraq được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của 4 trong số 14 sư đoàn quân đội nước này trước những đợt tấn công dữ dội của IS.
Nhiều vũ khí của quân đội Iraq rơi vào tay IS. Ảnh: DM
Theo các chuyên gia tính toán, sau khi IS chiếm được Mosul, quân đội Iraq đã bỏ lại 400.000 đơn vị vũ khí. Số vũ khí này, bao gồm cả vũ khí bộ binh, và nhiều trang bị quân sự hạng nặng, hiện đại, đã rơi vào tay IS. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho quân đội Iraq khi tiến công giải phóng thành phố này.
Trong thời gian IS hiện diện trên lãnh thổ Iraq, khi mà sự tồn vong của chế độ phụ thuộc vào tinh thần và sự đổ máu của người lính Iraq trên chiến trường thì các chính trị gia hết sức ca ngợi lòng dũng cảm và sự hi sinh của các lực lượng vũ trang.
Nhưng sau khi hòa bình được vãn hồi thì các chính trị gia Iraq quay trở lại với những màn chỉ trích về cải cách kinh tế và chính trị mà không thực hiện bất cứ điều gì - dù họ vẫn được hưởng mức lương cao nhờ ngân sách của chính quyền Iraq và họ cũng nhanh quên đi sự mất mát, đau khổ, hy sinh trong 3 năm qua do IS gây nên.
Khi tổ chức nhà nước Hồi giáo cực đoan IS không còn tồn tại, ông Haider al-Abad sẽ không còn là Thủ tướng thời chiến. Lúc này sức mạnh chính trị và uy quyền của ông sẽ suy giảm và ông có thể trở thành "con tin chính trị" giữa các liên minh đảng phái, phe nhóm, sắc tộc.
Nhóm Hồi giáo Sunni trong Quốc hội sẽ bị đẩy xuống vị trí thiểu số, chính quyền không thể làm được nhiều thứ, để phân phối sự công bằng cho các thành phần Sunni thiểu số trong các thị trấn và thành phố Anbar, Salahuddin và Nineva.
Điều đó càng dẫn đến sự chia rẽ nhiều hơn đối với người Iraq; sự thiếu tự tin và không đủ năng lực điều hành đất nước của chính phủ Iraq chính là mầm mống cho một nhà nước IS mới hồi sinh.
Các chính trị gia Iraq phải thể hiện sự lãnh đạo táo bạo cần thiết để thực hiện công tác tái thiết Iraq nói chung và thành phố Mosul nói riêng, trong đó tập trung vào các chính sách cốt lõi gồm: Cải cách ngân sách liên bang; giải ngân quỹ liên bang; phân bổ các nguồn đầu tư và các nguồn lực cho các tỉnh dựa trên nhu cầu thực tế chứ không phải là đảng nào nắm quyền thì được ưu tiên nhiều hay mang tính chất cục bộ địa phương, đồng thời sử dụng hợp lý các lực lượng dân quân người Sunni trong việc bảo đảm an ninh.
Một điều quan trọng là cộng đồng thiểu số người Sunni của Iraq phải được đại diện trong các tổ chức quyền lực.
Nhóm thanh tra của Liên Hợp Quốc ở Israel dự kiến, trước mắt sẽ mất khoảng 1 tỉ USD để sửa chữa hệ thống đường ống cấp thoát nước và mở cửa lại các bệnh viện tại Mosul.
Việc cải tạo các tòa nhà bị sập, dọn dẹp các mảnh vỡ, và xây dựng lại đường sá có thể tốn hàng chục tỉ USD. Những vấn đề này tồn tại ở cả các thành phố khác của Iraq bị IS chiếm đóng và phá hủy trong thời gian qua.
Mosul sau chiến tranh là một nơi hoang tàn. Ảnh: AP
Ông Salman al-Jumaili, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch của Iraq, nói với Al-Monitor rằng: Chính quyền Iraq sẽ cần 100 tỷ USD để khôi phục hoàn toàn hậu quả do chiến tranh tàn phá trong thời gian qua. Một khoản tiền to lớn mà người Iraq không có, và các nhà tài trợ quốc tế sẽ không thể đáp ứng.
Trong thời gian chiến sự ở Mosul, 950.000 người Iraq bị di dời khỏi nhà của họ và cũng cần một số kinh phí rất lớn để đưa họ trở lại cuộc sống thường nhật.
Cộng đồng quốc tế, bao gồm nhiều nước có thể sẽ tham gia vào việc tái thiết Iraq. Nhưng với mức giá dầu thô thấp như hiện nay và ngân sách của Iraq bị thâm hụt nặng do chi phí chiến tranh, Iraq không có đủ tiềm lực tài chính để tự thực hiện tất cả các công việc.
Khủng bố là một tai họa cho khu vực. Trong những năm vừa qua, Iraq là nước tiên phong đi đầu trong chống chủ nghĩa khủng bố và chống lại các xu hướng li khai ở khu vực Trung Đông và cũng chịu nhiều thiệt hại do lực lượng này gây ra. Vì vậy, các nước Ả Rập láng giềng phải có trách nhiệm cung cấp những khoản viện trợ kinh tế, hỗ trợ tài chính cho công cuộc tái thiết Iraq.
Vấn đề cốt lõi cuối cùng và quan trọng nhất trong thời hậu chiến tại Iraq chính là người Iraq cần phải giải quyết ổn thỏa vấn đề nội bộ của họ. Con đường trước mắt sẽ còn dài và khó khăn, chủ nghĩa khủng bố và sự bất ổn sẽ vẫn là vấn đề nổi cộm trong một thời gian dài nữa cho người dân Iraq và lực lượng an ninh của họ.
Người dân Iraq phải đi sơ tán do chiến tranh. Ảnh: UNHCR
Tuy nhiên, những khó khăn sẽ không bao giờ được giải quyết nếu các bộ trưởng, các nhà lập pháp, quan chức tỉnh và thị trưởng Iraq không có những cải cách triệt để.
Nếu không, họ sẽ tiếp tục dẫm vào "vết xe đổ" trong suốt 14 năm qua với những toan tính chính trị, gia đình trị, thiên vị chính trị, cục bộ địa phương, phe nhóm, sắc tộc, tôn giáo… để dẫn đến nội bộ đất nước Iraq luôn trong tình trạng bất ổn và bạo lực và là cơ hội để nhà nước Hồi giáo IS tiếp tục lên ngôi.
Trong thời điểm hiện tại và tương lai sẽ không có một quốc gia hoặc nhóm nước ngoài nào – kể cả là Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), hoặc Liên Hợp Quốc - có thể làm thay công việc tái thiết đất nước cho họ mà công việc này phải chính do người Iraq lo liệu. Ngày mai phải bắt đầu từ ngày hôm nay.