Dấu hiệu "thầm lặng" cảnh báo cơn đau tim

BS Cẩm Tú Theo MSN / Univadis (Univadis) |

Nghiên cứu mới từ Viện Sức khỏe quốc gia (NIH) Mỹ chỉ ra rằng không phải tất cả các cơn đau tim đều gây đau ngực và toát mồ hôi, một số có thể tấn công âm thầm, gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí là không có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 1.800 người từ 45 tuổi trở lên không bị bệnh tim. Những người này được kiểm tra tim 10 năm sau đó.

Họ phát hiện ra rằng 8% những người tham gia có bằng chứng bị sẹo, mô bị tổn thương trên tim.

Sẹo này phần lớn không được nhận biết và chăm sóc, gần một nửa trong số chúng có đặc điểm giống một cơn đau tim. Điều đó có nghĩa họ có thể đã trải qua một cơn đau tim mà không hề biết.

Tác giả nghiên cứu, TS David Bluemke ở Trung tâm Lâm sàng NIH cho biết, trong một số trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng nhưng cảm thấy chưa cần thiết phải đi khám bác sĩ.

Dấu hiệu thầm lặng cảnh báo cơn đau tim - Ảnh 1.

Những triệu chứng này gồm đau ngực nhe, buồn nôn, nôn, mệt mỏi không rõ lý do, ợ nóng, khó thở hoặc khó chịu ở cổ, hàm.

Một cơn đau tim “âm thầm” có thể giống như cơn đau dạ dày hoặc cúm hay khó tiêu. Tuy nhiên, không giống những bệnh này, cơn đau tim nhẹ có thể để lại mô sẹo trên tim.

Lý do không nên coi thường tình trạng này là sẹo có thể gây rối loạn dòng điện trong tim, gây bất thường nhịp tim.

Khi điều này xảy ra, tim có thể đập quá nhanh khiến cho nó không kịp bơm máu. Điều này có thể dẫn tới ngừng tim đột ngột.

Vì vậy tốt nhất là bạn cần được theo dõi khi thấy xuất hiện các triệu chứng hay bản thân cảm thấy không khỏe.

Đối với nam giới trẻ khỏe mạnh, khả năng bị một cơn đau tim là hiếm khi xảy ra.

Nhưng nếu bạn trên 40, 50 tuổi cộng với có tiền sử gia đình bị bệnh tim hoặc có các yếu tố nguy cơ khác như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường hoặc hút thuốc, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có các triệu chứng kéo dài trên 20 phút hoặc các triệu chứng nặng lên khi hoạt động.

Ngay cả khi không có triệu chứng, cũng cần đi khám bác sĩ hàng năm. Bởi vì một cơn đau tim thầm lặng không phải là nguyên nhân duy nhất gây sẹo ở cơ quan này.

Những bệnh như huyết áp cao mạn tính, tiểu đường, béo phì và hút thuốc cũng cố thể gây tổn thương tim. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, trên thực tế 70% những người bị đột tử vì bệnh tim không biết tim đã có sẹo từ trước đó.

Đó cũng là lý do tại sao phát hiện bệnh tim sớm là quan trọng, vì các bác sĩ có thể kiểm soát các yếu tố bệnh này trước khi cơn đau tim xảy ra.

Bạn cũng nên yêu cầu bác sĩ kiểm tra chỉ số canxi CT hoặc chụp mạch CT. Những kiểm tra này có thể phát hiện sự hình thành mảng bám ở giai đoạn sớm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại