Đau bụng không thở được, cụ bà đi khám và phát hiện dị vật mưng mủ trong ổ bụng

Mộc Trà |

Cụ bà 75 tuổi đau nhói bụng, được chẩn đoán nhầm sỏi mật, gan nhiễm mỡ đến khi phát hiện xương cá đâm thủng dạ dày đã mưng mủ, phải phẫu thuật gấp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bà Liễu (75 tuổi, Khánh Hòa) nhận thấy cơn đau nhói giữa đêm, theo bà mô tả là đến mức không thể thở được, đau từng cơn, rất khó chịu.

Bà được các con đưa đến bệnh viện địa phương để kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán bà Liễu bị sỏi mật, gan nhiễm mỡ và kê thuốc điều trị nội khoa. Thế nhưng cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm. Bà được con gái đưa đến một bệnh viện khác để kiểm tra thêm và phát hiện có dị vật trong dạ dày. Khối phù nề đã mưng mủ, chọc vào gây chảy dịch và bác sĩ chỉ định phải mổ mở để gắp ra.

TS. BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa cho biết: "Ban đầu, chúng tôi thử can thiệp nhanh qua nội soi ống mềm để rút dị vật đâm thủng dạ dày cho người bệnh nhưng phương án này không thành công. Dị vật đâm quá sâu, không còn dấu tích gì để có thể lấy ra khi nội soi. Vì thế, chúng tôi lên phương án mổ nội soi ngay".

Để tiến hành ca phẫu thuật này, chuyên gia Ngoại tiêu hóa hội chẩn với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, nội tim mạch… kiểm tra và đánh giá các bệnh nền của bà Liễu, đánh giá nguy cơ và tiên lượng cuộc phẫu thuật.

Êkip phẫu thuật dưới sự dẫn dắt của Tiến sĩ Đỗ Minh Hùng tiến hành mở 3 lỗ nhỏ có độ dài khoảng 5mm, 10mm trên thành bụng của người bệnh, tiếp cận với dạ dày. Với sự hỗ trợ của hệ thống máy mổ nội soi, dị vật xuyên thủng thành dạ dày được tìm thấy. Đó là một đoạn xương cá dài khoảng 3cm, găm chắc vào thành dạ dày. Lỗ thủng dạ dày sau khi rút xương cá ra được khâu lại, phủ thêm mạc nối bé. Cuộc phẫu thuật diễn ra chỉ trong khoảng 15 phút.

Đau bụng không thở được, cụ bà đi khám và phát hiện dị vật mưng mủ trong ổ bụng - Ảnh 1.

Bà Liễu và con gái rạng rỡ trong ngày xuất viện. Ảnh: BVCC.

Một ngày sau khi phẫu thuật, sức khỏe bà Liễu ổn định. Bà có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường và được xuất viện để về chăm sóc tại nhà.

ThS. BS Võ Nhật Trường, người trực tiếp thăm khám và theo dõi bệnh nhân Liễu chia sẻ, nuốt phải dị vật là một trong những tình huống cần hết sức cảnh giác trong sinh hoạt hàng ngày. Dị vật phổ biến là xương cá, tăm tre… Khoảng 80 - 90% dị vật ở dạ dày sẽ thoát ra khỏi đường tiêu hóa; 10 - 20% có thể điều trị bảo tồn; dưới 1% trường hợp còn lại bắt buộc can thiệp phẫu thuật. Đối với dị vật không thoát ra được, bác sĩ có thể xử lý bằng nội soi dạ dày hoặc đại trực tràng để gắp dị vật.

Bác sĩ Nhật Trường khuyến cáo dị vật trong đường tiêu hóa có thể tạo ổ áp xe, gây chảy máu, thủng trung thất, tổn thương động mạch xung quanh thực quản và thậm chí là đe dọa tính mạng của người bệnh. Vì vậy, mọi người không nên ăn quá nhanh, không nuốt vội, không vừa ăn vừa trò chuyện, không ngậm tăm tre sau khi ăn. Người lớn tuổi nên thận trọng với các thức ăn có xương và nên cắt nhỏ, lọc xương trước khi ăn… Nếu phát hiện nuốt phải dị vật cần phải đến bệnh viện gấp.

Trong tình huống không phát hiện có nuốt dị vật, nhưng có những cơn đau chói vùng dạ dày, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại