Máy xét nghiệm miễn dịch có chức năng xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HIV được các nhà thầu đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Câu chuyện mua thiết bị giá rẻ nhưng chất lượng tồi, "dao mổ rạch 3 lần mới qua da", ống sonde cứng gây tổn thương niêm mạc hô hấp của bệnh nhân, gây chảy máu... mà các bác sĩ đã nêu trong hội nghị trực tuyến ngày 21-8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Gửi bình luận đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc khẳng định: người dân không muốn xài loại thiết bị rẻ tiền mà chất lượng tồi, gây đau đớn cho người bệnh...
"Tiền nào của đấy. Thiết bị, vật tư nào tốt thì người đã sử dụng nhiều loại mới biết rõ ưu khuyết của nó. Vì vậy, người mua sắm phải tôn trọng người sử dụng, nếu không, sẽ thất bại. Trong thương mại, người ta dùng khái niệm "giá tốt nhất", không ai dám dùng cụm từ "giá thấp nhất". - Bạn đọc Nguyễn Nhật Đãng
"Anh ruột tôi đi nội soi bao tử, bác sĩ dùng ống dây cứng như dây điện đã làm xước niêm mạc thanh quản. Sau đó bị mất tiếng đến 4 tháng, phải chạy chữa tốn tiền mới trở lại bình thường được. Đúng là thiết bị rẻ, chất lượng kém thì có khi gây hậu quả lớn", bạn đọc Nguyễn Duy Hà phản ảnh.
Cho rằng "giá rẻ mà hàng tồi thì không thể gọi là giá rẻ", bạn đọc Nguyen Van Chau viết: "Mỗi mặt hàng có hàng trăm loại và mỗi loại có giá khác nhau, đâu phải cứ mua giá cao là hàng tốt. Người mua hàng giỏi là người mua hàng đúng giá với từng loại hàng".
Ủng hộ giá cả phải đi đôi với chất lượng, nhất là đối với ngành y, bạn đọc Thành bình luận: "Các hiệu thiết bị y tế hay thuốc trị bệnh thì các bệnh viện đã sử dụng đều biết hết rồi, giá cả bao nhiêu, tốt xấu ra sao thì chấm thầu đều biết, giờ thì phải chọn loại tốt và giá cả hợp lý, chứ đừng chọn loại rẻ tiền không thể nào tốt được vì tiền nào của nấy".
Đồng quan điểm, bạn đọc T.D. nhấn mạnh: "Người dân không cần thuốc, dụng cụ y tế giá rẻ... Thuốc tốt, dụng cụ y tế tốt không hề có giá rẻ. Người dân sẵn sàng bỏ tiền ra mua thuốc, dụng cụ y tế đắt nhưng chất lượng tương xứng để cứu chữa cho chính mình. Cái cần là công khai minh bạch, không quân xanh, quân đỏ, lợi ích nhóm".
Làm gì để bác sĩ không phải vất vả vì "dao mổ rạch 3 lần mới qua da", bệnh nhân không phải chịu đau đớn vì thiết bị tệ hại? Bạn đọc Min đề nghị: "Cơ sở khám chữa bệnh hãy phân loại, chủng loại chi tiết danh mục thuốc, vật tư y tế theo nhu cầu của bệnh viện.
Để đảm bảo chất lượng, hãy chọn một số thuốc, vật tư y tế chuyên dụng theo tên riêng, hãng sản xuất riêng, xin phê duyệt đấu thầu mở rộng theo giá thấp nhất là phù hợp. Tăng cường theo dõi đánh giá, quản lý sử dụng chất lượng thuốc, vật tư y tế trên toàn quốc qua các hình thức. Kết luận của các báo cáo này phải được xử lý và đưa vào các tiêu chí đấu thầu tương lai".
Bạn đọc Lê Phổ góp thêm: "Cần lập danh sách đen những thiết bị kém chất lượng mà các bệnh viện đã gặp phải và chia sẻ toàn ngành để bệnh viện khác rút kinh nghiệm và tránh loại đó ra. Tương tự cũng nên có một danh sách xanh cho những thiết bị giá tốt, chất lượng mà các bệnh viện đã dùng".
Nhiều ý kiến cũng đề nghị sớm sửa Luật đấu thầu, vì như bạn đọc Đoàn Hòa: "Luật đấu thầu quy định trong hồ sơ mời thầu không được ghi nước sản xuất, dẫn đến việc khi xét về thông số kỹ thuật đầu tiên hầu như hàng kém chất lượng và hàng xịn đều đáp ứng đầy đủ.
Cuối cùng xét về giá để công nhận trúng thầu, nhìn giá họ chào thầu và nơi sản xuất là biết ngay hàng có vấn đề nhưng không chấm họ trúng thầu không được".
"Đề nghị sửa luật theo hướng đơn vị mua sắm được phép ghi nước sản xuất hoặc thương hiệu có uy tín vào hồ sơ mời thầu, đơn vị nào giá rẻ đơn vị đó trúng thầu mới mong mua sắm được hàng tốt, loại bỏ các nhãn hàng kém chất lượng nếu mua về tiền mất tật mang, tiền sửa nhiều hơn tiền mua máy, nhất là vật tư máy móc y tế phục vụ người bệnh không thể dùng các loại kém chất lượng được", bạn đọc này đề nghị.
Tiếp cận vấn đề từ một góc nhìn khác, bạn đọc Lê Hoàng đề xuất: "Cần gấp rút chuyển cơ quan bảo hiểm y tế sang cho ngành y tế quản lý điều hành. Mặt hàng thuốc và thiết bị y tế là hàng hóa đặc thù. Điều chỉnh cho phù hợp các quy định về đấu thầu thuốc và vật tư y tế. Không thể có chuyện giá thuốc bảo hiểm năm sau phải thấp hơn năm trước. Như vậy chỉ mua được thuốc và thiết bị kém mà thôi".
Tại hội nghị trực tuyến tổ chức ngày 21-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ: Khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc và thiết bị thì phải sửa nghị định 98, thông tư 14 và 15, nếu không bệnh viện không bao giờ đủ trang thiết bị phục vụ người dân.