Tai nạn hy hữu
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. HCM) tiếp nhận một ca hóc dị vật cực kỳ hy hữu trong đường thở. Bệnh nhân khoảng 35 tuổi (trú tại huyện Hóc Môn, TP. HCM) trong lúc đi xe máy, bất ngờ xuất hiện cơn ho.
Do bệnh nhân ho quá mạnh và bất ngờ nên chiếc răng giả trong miệng của bệnh nhân rơi xuống họng. Sau tai nạn, bệnh nhân ho sặc sụa, vướng và khó nuốt.
Quá khó chịu bệnh nhân đã tới Bệnh viện Nhân dân 115 để thăm khám. Qua thăm khám và kết quả chụp Xquang, nội soi phế quản, bác sĩ chẩn đoán cuối khí quản của bệnh nhân có dị vật là một chiếc răng giả có kèm móc kim loại, một đầu móc vào niêm mạc khí quản, còn đầu kia ở phế quản gốc phải.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ nội soi, gắp, loại bỏ dị vật ra khỏi đường thở một cách an toàn.
Theo BSCKI Lê Thị Xuân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115, dị vật đường thở thường hay xảy ra ở tất cả lứa tuổi từ trẻ nhỏ tới người lớn thông qua việc nuốt, ho khạc kém và ăn uống vội vã, không cẩn thận.
Răng giả nằm trong đường thở của bệnh nhân, ảnh BVCC.
Một số trường hợp hy hữu, dị vật đường thở xuất hiện ở những người thường xuyên dùng răng giả, nhưng răng không được gắn chặt, khi chịu tác động bất ngờ bị mắc lại tại đường thở.
Người gắn hoặc sử dụng răng giả nên đi kiểm tra răng thường xuyên, định kỳ, nếu thấy phát hiện răng bị lỏng, dễ rơi cần nhanh chóng đi gắn, chỉnh cho chặt để tránh như trường hợp hóc dị vật.
Dị vật đường thở nếu không được gắp sớm có thể gây ra biến chứng nặng nề như: gây ngưng thở, thủng, xước khí phế quản hay gây viêm, xẹp thùy phổi do bị tắc.
BS Mai khuyến: "Người dân chú ý cần đặc biệt chú ý khi ăn uống, không nên đùa nghịch, cười nói khi đang ăn. Khi ăn những món ăn có xương như: cá, gà, lợn, vịt…cần phải cần trọng để tránh bị hóc".