Kể từ khi Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu được nâng cấp lên bệnh viện cấp 2, lượng bệnh nhân đến khám điều trị giảm 2/3 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 12-11, ông Nguyễn Văn No - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang - cho biết kể từ khi Sở Y tế tỉnh An Giang có quyết định "ban hành quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, quy định tuyến khám bệnh, chữa bệnh và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh", lượng người đến khám tại bệnh viện này giảm hẳn.
Theo ông No, với quy định trên, Bệnh viện Tân Châu chỉ được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi, người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu; nhóm đối tượng ưu đãi xã hội, thân nhân công an; cán bộ hưu trí, người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người bảo trợ xã hội; giáo viên, học sinh các trường THPT, THCS… trên địa bàn thị xã Tân Châu.
Ông Lâm Thành Pha - chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Phú Tân, An Giang - cho hay xã Long Hòa có gần 10.000 dân, giáp ranh với thị xã Tân Châu nên từ xưa đến nay người dân thường khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tân Châu, chỉ cách nhau khoảng 5km.
Tuy nhiên, theo quy định mới của Sở Y tế, người dân muốn vào khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tân Châu phải về Trung tâm y tế huyện Phú Tân cách xã gần 30km để xin giấy chuyển viện.
"Việc này khiến người dân rất bức xúc vì huyện Phú Tân có nhiều xã giáp ranh với Tân Châu, quy định kiểu này rất kẹt cho bà con", ông Pha nói.
Theo ông Pha, đã có trường hợp người dân đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu là phòng khám tư, nhưng không khám mà chủ yếu nhằm xin giấy chuyển viện để được đến khám tại Bệnh viện Tân Châu.
Ông No cho biết sau khi có quy định của Sở Y tế, người dân từ các địa phương lân cận vốn trước đây chọn khám bệnh tại Bệnh viện Tân Châu nay giảm hẳn.
"Thay vì khám ngoại trú 900 người/ngày như trước, hiện chỉ còn lại 1/3 dù bệnh viện đã được đầu tư hoành tráng. Đơn vị đã tự chủ tài chính nên việc giảm số lượng bệnh nhân đến khám bệnh cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi giảm thu nhập", ông No nói.
TS.BS Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho hay Bệnh viện Tân Châu là bệnh viện cấp 2 (như bệnh viện tỉnh). Do đó, người dân muốn khám ngoại trú phải qua cấp 1 là tuyến huyện hoặc phòng khám tương đương.
"Đặc thù là Tân Châu không có bệnh viện cấp huyện mà chỉ có phòng khám chữa bệnh thuộc Trung tâm y tế thị xã (chưa đủ người, đủ khoa phòng) nên người dân có thể tới đây hoặc tới phòng khám bác sĩ Tâm để được chuyển viện tuyến trên.
Bộ Y tế đang có hướng đưa người dân gần với y tế cơ sở nên phân cấp rất rõ ràng như vậy để giảm áp lực tuyến trên. Tuy nhiên, làm như vậy thì các bệnh viện tự chủ tài chính sẽ kẹt, khó khăn", ông Hiền nói.
Nhiều bệnh nhân cho rằng họ có quyền chọn cơ sở khám chữa bệnh, mặt khác BHYT hiện đã thực hiện quy định thông tuyến nên quy định của Sở Y tế bắt buộc phải có giấy chuyển viện từ cơ sở y tế xã, huyện lên bệnh viện cấp 2 gây khó cho người dân.
Ông Đặng Hồng Tuấn - giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang - khẳng định BHYT đã thông tuyến xã, huyện nhưng chưa thông được tuyến tỉnh.
"Việc các xã, huyện giáp ranh nếu còn bất cập thì Sở Y tế có văn bản thống nhất cho người dân ở nơi nào, khu vực nào được tiếp cận dịch vụ y tế tại khu vực này để giảm khó khăn cho bà con thì đơn vị sẵn sàng hợp tác. Vì khám bệnh ở đâu cũng sử dụng BHYT", ông Tuấn nói.
HĐND tỉnh sẽ chất vấn làm rõ
Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Trần Tuấn Khanh, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh An Giang, cho biết ông đã nhận được rất nhiều phản ảnh của bà con cử tri huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu về việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tân Châu thời gian qua.
"Đúng là người dân quanh Bệnh viện Tân Châu khó tiếp cận và khó khám chữa bệnh. Việc này chúng tôi đã biết và đã đưa vào chương trình kỳ họp HĐND tỉnh An Giang sắp tới để chất vấn lãnh đạo Sở Y tế tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang. Phải làm rõ ràng giúp bà con cử tri như thế nào thuận lợi nhất", ông Khanh nói.