Đàm phán hết sức căng thẳng: Quan chức Mỹ-Trung phải làm việc xuyên ngày đêm, "ôm bụng đói" qua bữa

Hồng Anh |

Vừa qua, một quan chức Trung Quốc đã lần đầu tiên tiết lộ về một chi tiết hậu trường đặc biệt trong các cuộc đàm phán thương mại cuối tháng 2 của đại diện hai nước Mỹ-Trung Quốc.

Ngoại giao ẩm thực trong không khí đàm phán căng thẳng

Cụ thể, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) dẫn lời Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, các cuộc đàm phán thương mại tại Washington hồi tháng 2 vừa qua đã diễn ra trong không khí vô cùng căng thẳng và gấp gáp, đến mức Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phải bỏ cả bữa trưa và ăn đồ ăn nhanh cho bữa tối.

Được biết, các cuộc đàm phán đã kéo dài đến 4 ngày - bao gồm cả hai ngày cuối tuần - trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang đóng cửa và tuyết rơi dày ở phía ngoài.

Nhằm thể hiện thái độ thiện chí với đối phương, trưởng phái đoàn đàm phán của hai nước đã yêu cầu dùng món ăn đặc trưng của nước bạn trong bữa tối.

"Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã dùng bánh hamburger, còn ông Lighthizer dùng thịt gà xào với cà tím. Họ không uống trà hay cà phê mà chỉ uống nước lọc. Bạn phải tìm kiếm điểm tương đồng [giữa hai nước]", ông Vương tiết lộ bên lề kì họp Lưỡng hội tại Bắc Kinh.

"Có một ngày [ở Washington] tuyết rơi dày, và chính phủ Mỹ thì đóng cửa. Nhưng phái đoàn thương mại của hai nước vẫn tiếp tục đàm phán. Các cuộc đàm phán cũng được kéo dài từ 2 ngày thành 4 ngày", ông Vương nói.

Theo lời Thứ trưởng Vương, khi đó hai nước Mỹ-Trung đang đàm phán về một thỏa thuận nhằm loại bỏ mức thuế quan bổ sung của Trung Quốc và Mỹ kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra hồi năm ngoái.

Đàm phán hết sức căng thẳng: Quan chức Mỹ-Trung phải làm việc xuyên ngày đêm, ôm bụng đói qua bữa - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã dùng chiêu thức ngoại giao ẩm thực để thể hiện thiện chí với đối phương. Ảnh: Reuters.

Trước đó, theo tiết lộ của một người trong cuộc khác từ phía Mỹ - Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow - cuộc đàm phán hồi tháng 2 của hai nước tại Washington đã có thời điểm suýt đổ vỡ do những bế tắc trong cuộc đối thoại cấp phó.

Sau đó, ông Robert Lighthizer đã cảnh cáo gay gắt phái đoàn Trung Quốc vì tình trạng trên, và chỉ khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc có phản hồi thì cuộc đàm phán mới được khôi phục lại.

Triển vọng hai nước Mỹ-Trung đạt thỏa thuận

Washington đã ban lệnh áp đặt 3 vòng thuế quan đối với hơn 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kéo theo đó là đòn đáp trả cũng bằng thuế quan của Bắc Kinh đối với 110 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa sẽ áp mức thuế quan mới đối với 267 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên quyết định này đã được gia hạn vào ngày 24/2 vừa qua - ngày cuối cùng trong chuyến đi tới Washington của ông Lưu và phái đoàn Trung Quốc.

Gần đây đã xuất hiện một số lời đồn đoán trong dư luận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm xuất hiện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump ở Florida để kí kết một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại, tuy nhiên các quan chức Trung Quốc cho biết cuộc gặp của hai ông sẽ bị hoãn lại.

Hôm thứ 6 vừa qua (8/3), Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad đã tiết lộ rằng lí do cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tiếp tục bị trì hoãn là bởi các điều khoản trong thỏa thuận vẫn đang trong quá trình thảo luận và đàm phán.

Tuy vậy, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nói rằng cuộc gặp của hai ông Trump-Tập có thể sẽ diễn ra vào tháng 4 tới.

"[Các điều khoản trong thỏa thuận] có tính chất lịch sử, đã được viết thành văn bản và được phái đoàn Trung Quốc chấp thuận [tại Washington] từ 2 tuần trước, tuy nhiên nó còn phải được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ Chính trị Trung Quốc xem xét", ông Kudlow nói. "Có lẽ cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng này hoặc trong tháng 4".

Cũng trong ngày 8/3 vừa qua, Tổng thống Trump cho hay ông tự tin rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng nước Mỹ vẫn sẽ rất ổn dù hai bên có thể đạt được thỏa thuận hay không.

"Chắc chắn rồi, tôi rất tự tin [về thỏa thuận với Trung Quốc], nhưng nếu như đó không phải là thỏa thuận có lợi cho [nước Mỹ], thì tôi sẽ không chấp nhận", ông Trump nói.

Bình luận về một báo cáo cho rằng Trung Quốc không tích cực về vấn đề thỏa thuận thương mại, và có khả năng cuộc gặp với ông Tập sẽ không xảy ra, ông Trump cho hay: "Tôi chưa từng nghe về điều đó. Tôi tin là chúng tôi đang làm rất tốt... Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm tốt, cho dù có hay không có thỏa thuận".

Còn theo lời cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems, thì cả hai bên vẫn chưa có kế hoạch cho bất cứ chuyến đi nào, dù phía Mỹ vẫn tiếp tục đối thoại với [các quan chức Trung Quốc] hàng ngày.

Trong khi đó, từ phía Bắc Kinh, Thứ trưởng Vương đã từ chối trả lời câu hỏi về việc cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập bị trì hoãn, và thay vào đó ông chỉ nói rằng ông rất lạc quan về tiến trình đàm phán thương mại của hai nước.

Đàm phán hết sức căng thẳng: Quan chức Mỹ-Trung phải làm việc xuyên ngày đêm, ôm bụng đói qua bữa - Ảnh 3.

Thứ trưởng thương mại Vương Thụ Văn cho biết ông lạc quan về bước tiếp theo trong tiến trình đàm phán về chiến tranh thương mại của hai nước Mỹ-Trung. Ảnh: Reuters.

"Tôi có thể thấy triển vọng trong bước [đàm phán] tiếp theo. Phái đoàn hai nước vẫn đang tiếp tục thảo luận ngày đêm về các văn bản liên quan cho một thỏa thuận thương mại", ông Vương nói.

Phái đoàn đàm phán của hai nước đã gặp gỡ tại Bắc Kinh vào ngày làm việc đầu tiên sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, và 3 ngày sau, phái đoàn Trung Quốc đã tới Washington để tiếp tục đàm phán.

Theo lời Thứ trưởng Vương, hai bên đã đạt được những "tiến bộ cụ thể" trong đàm phán, và các cuộc đối thoại vấn được tiếp tục tiến hành "nhằm loại bỏ tất cả các mức thuế bổ sung để hai bên có thể trở lại bình thường".

Cố vấn kinh tế Mỹ Kudlow cho biết bản thỏa thuận dự kiến được hai nước kí kết sẽ "chấm dứt hành động ăn cắp sở hữu trí tuệ" thông qua các hình thức chuyển giao công nghệ bắt buộc và xâm nhập mạng máy tính.

"Nếu thỏa thuận đó không có lợi về lâu dài cho Mỹ, bất kể đó là công nghệ, thuế quan hay hàng hóa... thì đó không phải là thoải thuận của chúng tôi", ông Kudlow nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại