Ngấm đòn từ chiến tranh thương mại, lãnh đạo TQ kêu gọi chuẩn bị cho cuộc chiến khó khăn

Minh Khôi |

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi phải chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến khó khăn.

Cuộc chiến khó khăn

Chính phủ Trung Quốc hôm 5/3 dự đoán tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ từ 6% đến 6,5% vào năm 2019, mức thấp nhất của Trung Quốc trong 3 thập kỷ.

Trong ngày khai mạc kỳ họp Lưỡng hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu rằng, đã có những rủi ro và thách thức lớn hơn dự kiến ​​và bất ngờ, và chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến khó khăn.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng, phù hợp với dự báo của hầu hết các nhà kinh tế. Ông cũng tiết lộ một loạt các biện pháp mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế và các khoản phí khác mà ông nói sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 2.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 298 tỷ USD) mỗi năm.

Tăng trưởng của Trung Quốc đã mất đà sau những nỗ lực hạn chế các khoản cho vay rủi ro mà các công ty rất cần để mở rộng quy mô. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng bắt đầu "ngấm đòn" từ những tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Căng thẳng thương mại dường như được xoa dịu. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố hai bên đang "rất, rất gần" với một thỏa thuận và ông dự định có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào 27/3.

Tạp chí Phố Wall đưa tin hôm Chủ nhật rằng cuộc họp có thể diễn ra vào khoảng ngày 27 tháng 3 và thỏa thuận tiềm năng có thể liên quan đến việc giảm thuế của Trung Quốc đối với một loạt hàng hóa của Mỹ nếu chính quyền Tổng thống Trump xóa bỏ một số hoặc tất cả các mức thuế mới áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm qua.

Chưa đủ khởi động động cơ tăng trưởng

Đây sẽ là một thông tin tích cực rõ ràng cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đủ khởi động động cơ tăng trưởng cho nền kinh tế thứ hai thế giới.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ chậm lại trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Và Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, ​​sẽ gặp khó khăn do nhu cầu sụt giảm.

Những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế bao gồm tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ có các biện pháp tiếp theo, bao gồm cả việc cắt giảm thuế.

Nhưng điều này có thể không tạo ra sự khác biệt lớn. Larry Hu, một nhà kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie, nói rằng việc giảm thuế lớn trong những năm gần đây đã không có tác dụng nhiều để tái tạo nền kinh tế. Đó là vì Bắc Kinh thường đẩy mạnh việc thực thi thu thuế cùng một lúc.

Các nhà phân tích Trung Quốc tại Capital Economics cho biết, việc cắt giảm thuế cũng sẽ được bù đắp phần lớn bằng cách thắt chặt ngân sách trong các lĩnh vực khác, và các động thái của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế có thể mất nhiều tháng để có tác động thực sự.

Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á-Thái Bình Dương tại công ty đầu tư JPMorgan Asset Management cho biết, sẽ có một "độ trễ về thời gian để các biện pháp kích thích kinh tế có có hiệu quả".

Ngoài ra, những nỗ lực gần đây để nâng đỡ nền kinh tế cũng đã thúc đẩy mối lo ngại rằng họ có thể làm trầm trọng thêm mức nợ cao của Trung Quốc, đó là những gì đã xảy ra trong các vụ kích thích kinh tế trước đây của chính phủ. Tổng số nợ trong hệ thống tài chính Trung Quốc hiện nay gấp nhiều lần quy mô của toàn bộ nền kinh tế, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

"Bắc Kinh cần đạt được sự cân bằng giữa việc thúc đẩy hoạt động kinh tế và không khởi động lại một đợt bùng nổ nợ khác", ông Tai Hui nói.

Kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp - tương tự Mặt trận Tổ quốc) bắt đầu họp từ ngày 3/3 và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân Đại - tương đương Quốc hội) sẽ khai mạc ngày 5/3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại