Hai bước ngoặt lớn và một sai lầm "tệ hại" của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Tất Đạt |

Xuyên suốt quá trình đàm phán Mỹ - Triều Tiên, Trung Quốc đã có những thay đổi và ảnh hưởng khác nhau đối với vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng.

Trung Quốc và hạt nhân Triều Tiên

Tất nhiên, Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm cho kết quả của kì thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 giữa tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Tuy nhiên, hai bước ngoặt lớn của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chính sách ngoại giao với Triều Tiên vào năm 2016 và năm 2018 rõ ràng đã có ảnh hưởng lớn tới bản kế hoạch đàm phán của Bình Nhưỡng - như đã được thông báo tại Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Năm 2016, Trung Quốc quyết định mạnh tay mở rộng việc cấm vận Triều Tiên - từ cấm vận quy mô nhỏ, tập trung vào các thực thể và cá nhân trực tiếp liên quan đến chương trình hạt nhân - sang các hoạt động thương mại. Đây rõ ràng là bước ngoặt lớn trong chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tháng 3/2018, khi con tàu bọc thép của ông Kim đưa nhà lãnh đạo tới Bắc Kinh để có chuyến thăm hòa giải, mọi chuyện lại đột ngột chuyển hướng. Từ thời điểm này, Trung Quốc đã dần từng bước củng cố và hỗ trợ Triều Tiên trong 4 cuộc gặp cấp cao giữa ông Kim và ông Tập. 

Bắc Kinh cũng tán thành và ủng hộ nhiệt tình nỗ lực nối lại đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc cũng có một phần liên quan khi việc thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 không đạt được kết quả.

Hai bước ngoặt lớn và một sai lầm tệ hại của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên - Ảnh 1.

Triều Tiên phá hủy các công trình tại bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: AP

Nguyên nhân ở đây là Triều Tiên đã đòi hỏi quá nhiều và không thực tế. Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra yêu cầu cụ thể đối với việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế. Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã tuyên bố rằng phía Bình Nhưỡng đã yêu cầu "Mỹ dỡ bỏ các cấm vận gây ảnh hưởng tới kinh tế dân sự và đời sống của người dân", và nhắc tới 5 cấm vận theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc được áp dụng từ năm 2016.

Đây có thể là các nghị quyết 2270 (tháng 3/2016), 2321 (tháng 11/2016), 2371 (tháng 7/2017), 2375 (tháng 9/2017) và 2397 (tháng 11/2017) - được đưa ra tương ứng với những lần thử hạt nhân thứ 4, thứ 5, thứ 6 và bắn thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng tại thời điểm này. Cho tới năm 2016, cấm vận đa phương chỉ nhắm tới các cá nhân và thực thể liên quan tới chương trình hạt nhân, nhưng không ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của Triều Tiên.

Cụ thể, các gói cấm vận chỉ hạn chế chương trình phát triển vũ khí Triều Tiên (bao gồm vũ khí hủy diệt hàng loạt WMD và vũ khí thông thường) và có ba hình thức trừng phạt đối với các nhân vật chủ chốt của chương trình hạt nhân là: cấm di chuyển sang nước ngoài, đóng băng tài sản và cấm vận xuất khẩu các sản phẩm xa xỉ.

Không may, nỗ lực cấm vận này dường như không đạt được nhiều kết quả, và Triều Tiên tiếp tục thành công trên con đường sản xuất và tích trữ tên lửa, đầu đạn chứa vũ khí hạt nhân.

Cột mốc năm 2016

Trong suốt các cuộc đàm phán tại Hội đồng Bảo an, Trung Quốc đã cố gắng duy trì mức cấm vận ở mức thấp và cho rằng cấm vận nhiều hơn sẽ phản tác dụng. Trung Quốc cho rằng hạn chế các mặt hàng xa xỉ sẽ làm cản trở giải pháp ngoại giao với tầng lớp quan chức Triều Tiên.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng lo ngại rằng khi cấm vận leo thang, phương Tây sẽ có can thiệp sâu hơn tới chính quyền và chế độ tại Triều Tiên. Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc đã thay đổi sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Bình Nhưỡng - lần đầu dưới thời ông Kim Jong Un - trong giai đoạn đàm phán nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an.

Kể từ đó, cấm vận dần dần mở rộng sang các hoạt động thương mại của Triều Tiên, khiến quốc gia này chỉ có thể giao dịch hạn chế nhờ vào một số ngoại lệ vì mục đích nhân đạo.

Cấm vận vào thời điểm này bao gồm các nguồn thu nhập chính của Triều Tiên: xuất khẩu than, quặng sắt, vàng, khoáng chất quý hiếm, và nhiều loại thực phẩm, hải sản khác.

Hai bước ngoặt lớn và một sai lầm tệ hại của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên - Ảnh 2.

Trước cấm vận, hải sản Triều Tiên rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: Choi Chi-yuk

Cấm vận tạo ra hành lang giám sát chặt chẽ đối với vận tải hàng không, vận tải biển ra vào Triều Tiên, giới hạn các lựa chọn của Triều Tiên trong việc thực hiện những hoạt động kinh doanh với nước ngoài.

Cuối cùng, cấm vận nhắm tới hoạt động nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ tinh luyện. Tuy nhiên, đường ống dẫn dầu từ tỉnh Đan Đông, Trung Quốc đã giúp Triều Tiên vượt qua trừng phạt.

Triều Tiên còn lại gì sau cấm vận? Đó là ngành du lịch và các thị trường ngách ví dụ như thuốc cổ truyền. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính GDP của Triều Tiên đã giảm 3,5% trong năm 2017 - con số thấp nhất từ năm 1997. Các nhà kinh tế dự đoán mức giảm trong năm 2018 còn tồi tệ hơn - ở mức 5%.

Điều Triều Tiên muốn hiện tại là trở lại tình hình trước năm 2016.

Những điểm còn bế tắc

Trong cuộc đàm phán, hai phía đã nhắc tới "trái tim" của chương trình hạt nhân Triều Tiên là cơ sở Yongbyon. Tuy nhiên, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh Yongbyon và chưa có lời giải. Trong khi đó, kể cả nếu Mỹ - Triều có thể đạt được thỏa thuận về Yongbyon, thì các cơ sở làm giàu uranium khác vẫn sẽ hoạt động mà không chịu ảnh hưởng nào từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có phương án xử lí những đầu đạn hạt nhân và nguyên liệu hạt nhân hiện tại (thỏa thuận kí kết với Iran yêu cầu 97% nguyên liệu hạt nhân phải được đưa ra khỏi quốc gia); cơ sở hạ tầng nghiên cứu; và tất nhiên, tất cả các loại tên lửa Triều Tiên. Không chỉ tên lửa đạn đạo, mà tên lửa tầm trung của Triều Tiên cũng có khả năng đem theo đầu đạn hạt nhân.

Hai bước ngoặt lớn và một sai lầm tệ hại của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên - Ảnh 3.

Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.

Do đó, vấn đề kho dự trữ vũ khí và cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa có lời giải.

Tất nhiên, đây có thể chỉ là đề nghị ban đầu của Triều Tiên trong quá trình đàm phán kéo dài. Nhưng để đưa ra đề nghị như vậy, rõ ràng Triều Tiên đã nhận được sự khuyến khích và ủng hộ to lớn từ Bắc Kinh.

Ngày nay, Trung Quốc đã đóng vai trò trọng tâm trong việc hình thành nội dung đàm phán liên quan tới việc giải trừ hạt nhân Triều Tiên.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất tham gia thành công trong việc thúc đẩy quá trình "đóng băng kép" - dừng các vụ thử tên lửa, bom hạt nhân Triều Tiên và dừng các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ - Hàn Quốc.

Trung Quốc ủng hộ hoàn toàn ý tưởng "hành động vì hành động" và kêu gọi Mỹ gặp mặt Triều Tiên. Bắc Kinh cũng sở hữu tiếng nói ngoại giao có sức nặng nhất khi kêu gọi ngoại lệ nhân đạo đối với cấm vận Triều Tiên.

Nhưng quan trọng hơn cả, Trung Quốc đứng đằng sau ý tưởng rằng mở cửa kinh tế theo từng giai đoạn là con đường thiết thực nhất để giải trừ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên, và cho rằng sẽ không thể nào có sự thay đổi cơ bản trong tính toán chiến lược và quan điểm của Bình Nhưỡng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Nếu không có tất cả những sự khích lệ ấy từ Trung Quốc, Triều Tiên có lẽ đã không đưa ra nhiều đề nghị "không thực tế" và buộc Mỹ phải rời khỏi bàn đám phán.

Rõ ràng, Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng Mỹ - Triều Tiên có thể dễ dàng thỏa hiệp với nhau khi mối quan hệ giữa hai quốc gia - và giữa cá nhân ông Trump và ông Kim - đang có phần cởi mở, hòa dịu hơn.

Chính quyền ông Trump đã có những nhượng bộ nhất định. Việc chấp nhận tham dự thượng đỉnh cho thấy Mỹ đã ngầm thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân - điều mà Bình Nhưỡng vẫn thường khẳng định.

Hiện nay, Trung Quốc cần phải thuyết phục Triều Tiên thể hiện sự chân thành bằng việc giảm bớt yêu cầu đối với cấm vận, hoặc Bắc Kinh sẽ phải dùng tới các chính sách giải trừ hạt nhân "nghiêm khắc" hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại