Sau nhiều tháng ngưng trệ, đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung sẽ được khôi phục tại Mỹ trong hai ngày 11 và 12-10 tại Mỹ. Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc (TQ) là Phó Thủ tướng Lưu Hạc , ngoài ra còn có một số quan chức đứng đầu các bộ, ngành. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Đây là vòng đàm phán thương mại thứ 13 của hai nước. Như thường lệ, đàm phán lần này cũng sẽ tập trung vào các bất đồng chưa thể hóa giải dù đã qua 12 vòng đàm phán trước: TQ phải tăng bảo vệ tài sản trí tuệ; chấm dứt bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn tại TQ; bỏ bảo hộ công nghiệp; giảm rào cản cho các công ty Mỹ thâm nhập thị trường TQ; có cơ chế giám sát các thay đổi chính sách của TQ. Ngoài việc muốn TQ từ bỏ các chính sách thương mại không công bằng, Mỹ cũng muốn TQ phải mua thêm sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để giảm thiểu thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Chính trị đứng trước thương mại
Ông Jeff Moon, Chủ tịch công ty tư vấn China Moon Strategies, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ, nhận định: “Lần đầu tiên chính trị chứ không phải chỉ kinh tế đang đứng trước và đứng giữa đàm phán thương mại”.
Tuần trước, khi đề nghị TQ điều tra cha con cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Trump nói rằng ông có “quyền năng to lớn” và “rất nhiều phương án” liên quan đối thoại thương mại Trung-Mỹ. TQ ngày 8-10 tuyên bố từ chối đề nghị của ông Trump với lý lẽ nước này “không can thiệp chuyện nội bộ của nước khác”, “không hề có ý định can thiệp chuyện nội bộ của Mỹ”.
Ngày 7-10, ông Trump tuyên bố bất cứ điều gì “xấu” trong việc TQ xử lý biểu tình ở Hong Kong đều có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán. Trong một cuộc điện đàm hồi tháng 6 khi biểu tình Hong Kong mới bắt đầu ông Trump có nói với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ im lặng về cuộc biểu tình này trong thời gian hai bên đàm phán thương mại.
Nhiều chuyên gia cho rằng biểu tình Hong Kong có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nhưng phần nào sẽ tạo sức mạnh trong quá trình đàm phán. Theo chuyên gia Richard Harris, Tổng giám đốc công ty quản lý tài sản Port Shelter Investment Management (Hong Kong), một khi TQ có biện pháp mạnh với Hong Kong, khả năng lớn Mỹ sẽ tính đến chuyện trừng phạt. Khi đó, đàm phán thương mại chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Phần mình, TQ vẫn luôn yêu cầu Mỹ không can thiệp vấn đề Hong Kong.
Ngày 7-10, Mỹ liệt 28 công ty công nghệ và trí tuệ nhân tạo TQ vào danh sách đen thương mại, cấm các công ty này mua linh kiện từ Mỹ cũng như bán sản phẩm vào Mỹ. Chưa hết, Mỹ vừa mới quyết định cấm cấp thị thực cho một số quan chức TQ vì có liên quan đến hành động với người thiểu số Hồi giáo mà Mỹ cho rằng không đúng với chủ trương chính trị của Mỹ.
Ông Ted Bauman, nhà kinh tế và nhà phân tích cấp cao tại công ty đầu tư Banyan Hill Publishing (Mỹ), cho rằng các bước đi vừa rồi của Mỹ là nhằm tối đa hóa áp lực lên TQ trước khi khôi phục đàm phán. Nhiều chuyên gia TQ cũng nhận định đây là chiến thuật của Mỹ nhằm tăng áp lực lên TQ và kiếm ưu thế cho mình. Tờ Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng sản TQ ngày 8-10 còn cho rằng Mỹ chưa phô diễn hết chiến thuật thương lượng “tối đa hóa áp lực”.
700 tỉ USD tương đương 0,8% GDP toàn cầu là con số mà toàn cầu phải chịu thất thoát nếu thương chiến Mỹ-Trung kéo dài đến năm 2020, tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá ngày 7-10.
Trung Quốc giảm kỳ vọng
Trước đàm phán, TQ thông báo ngưng đánh thuế một số mặt hàng Mỹ, đồng thời phát tín hiệu có thể mua thêm nông sản Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán vòng đàm phán này sẽ không mang lại kết quả khả quan nào. Nói cách khác, thương chiến Mỹ-Trung sẽ chưa sớm kết thúc.
Kênh tài chính CNBC dẫn nhiều ý kiến phân tích cho rằng sẽ chưa thể có một thỏa thuận thương mại toàn diện sau vòng đàm phán này, lý do không chỉ vì các bất đồng thương mại quá lớn mà còn vì các diễn biến căng thẳng trước thềm đàm phán. Bi quan về kết quả đàm phán đã khiến toàn bộ ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ giảm mạnh trong ngày 8-10.
Bi quan càng lớn hơn khi theo thông tin từ báo SCMP thì phía TQ đã giảm bớt kỳ vọng về kết quả vòng đàm phán này. Phái đoàn TQ đã sẵn sàng cho khả năng cắt ngắn đàm phán ở Mỹ.
Nhân Dân Nhật Báo ngày 8-10 nói vòng đàm phán có thể diễn ra theo ba cách: Đạt được thỏa thuận công bằng, đàm phán thất bại hoàn toàn hoặc duy trì tình trạng “vừa đàm phán vừa trả đũa”. Tờ báo cũng cho biết TQ đã có các kế hoạch “phù hợp” trong trường hợp đàm phán sụp đổ hoàn toàn nhưng không nói cụ thể kế hoạch như thế nào.
Trong bài viết trên tạp chí Forbes, nhà báo kỳ cựu Kenneth Rapoza nhận định TQ chưa có nhượng bộ nào lớn trong hơn một năm thương chiến với Mỹ. Tới giờ TQ vẫn chưa từ bỏ việc buộc các công ty công nghệ nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn tại thị trường TQ. TQ cũng chưa giảm bảo hộ công nghiệp. Điều duy nhất TQ có chuyển biến là ở lĩnh vực bảo vệ tài sản trí tuệ, mà cũng phải tới sáu tháng sau khi thương chiến bắt đầu thì TQ mới dần thay đổi. TQ lần đầu tiên đã có tòa án chuyên xét xử các vụ án trong lĩnh vực tài sản trí tuệ.