Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ "bất khả xâm phạm"?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Xe tăng T-90 của Nga được đánh giá là có hệ thống bảo vệ tốt nhất thế giới hiện nay và thực tế chiến trường Syria thời gian qua đã chứng minh hiệu quả gần như hoàn hảo.

Đã có nhiều giải pháp mà người ta áp dụng nhằm nâng cao khả năng phòng hộ cho xe tăng. Trong đó, sự kết hợp giữa giáp phản ứng nổ với hệ thống bảo vệ chủ động được xem là khả dĩ nhất.

Trước sự phát triển như vũ bão của các loại vũ khí chống tăng, xe tăng có lúc tưởng chừng như đã hết thời. Tuy nhiên, các nhà chế tạo xe tăng cũng đã rất tích cực nghiên cứu tìm ra nhiều giải pháp nhằm khắc chế dẫn đến vô hiệu hóa những đối thủ của mình.

Trong các giải pháp đó thì công thức "Giáp phản ứng nổ + Hệ thống bảo vệ chủ động" tỏ ra hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, nó có thể trở thành tấm lá chắn "bất khả xâm phạm" cho xe tăng hay không thì còn câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Giáp phản ứng nổ- người cận vệ trung thành

Thoạt đầu, để tăng cường khả năng phòng hộ (tự bảo vệ) của xe tăng người ta chỉ còn có cách là tăng độ dày vỏ giáp hoặc nâng cao chất lượng vỏ giáp. Tuy nhiên, không thể tăng độ dày của giáp một cách vô hạn được vì nó sẽ ảnh hưởng đến kích thước, trọng lượng và khả năng cơ động của xe.

Trong khi đó, với những cải tiến sâu sắc, khả năng xuyên của các đầu đạn lõm lại tăng lên một cách đáng sợ - đến vài trăm milimét thép đồng chất. Vì vậy, người ta phải tìm giải pháp khác và giáp phản ứng nổ (ERA) đã ra đời.

Tuy nhiên, ban đầu việc sử dụng giáp này bị bỏ qua vì nó ảnh hưởng đến sinh lực bộ binh đi cùng xe tăng. Nhưng càng ngày, thực tế chiến tranh càng cho thấy sự cần thiết của ERA, và chính người Israel đã chế tạo rồi đưa ERA vào sử dụng trong chiến trận lần đầu năm 1982.

Kết quả cho thấy chúng rất hữu dụng. Từ đó, ERA được nhiều nước chấp nhận sử dụng.

Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 1.

Xe tăng Merkava MK4 của Israel.

Về cơ bản, ERA gồm nhiều phần tử nổ, ngọi là "ngói ERA". Các phần tử nổ bao gồm thuốc nổ mạnh chứa trong các khối hộp có vỏ bọc bằng thép và có nắp đậy là thép cường độ cao. Các khối này được lắp thành hình chữ V úp vào sườn tháp pháo và lắp phủ trên thành xe.

Cho đến nay, hầu hết các xe tăng hiện đại trên thế giới đều được lắp ERA. Căn cứ vào thời gian chế tạo, ứng dụng và nguyên lý làm việc của chúng người ta phân ra thành 3 thế hệ ERA:

Thế hệ thứ nhất:

Thế hệ giáp phản ứng nổ đầu tiên có Bleyzer của Israel và Kontakt-1 của Nga. Kontakt-1 sử dụng chất nổ 4S20 được đặt trong 2 ngăn, ở 2 góc độ khác nhau nhằm tạo ra góc tương tác đạt hiệu quả tối đa với đạn chống tăng chủng xuyên lõm.

Hiệu quả tác động của ERA thế hệ này chủ yếu phụ thuộc vào góc tiếp xúc giữa đầu quả đạn với luồng xuyên lõm tạo ra từ vật liệu nổ. ERA thế hệ này có tác dụng khá tốt đối với đạn xuyên lõm song kém hiệu quả đối với đạn xuyên dưới cỡ.

Thế hệ thứ hai:

Thế hệ giáp phản ứng nổ thứ hai xuất hiện vào đầu những năm 1980. Chúng có khả năng chống lại đạn xuyên động năng loại mới (APDS) với sức công phá lớn vượt quá mức độ bảo vệ của bất kể loại giáp hỗn hợp thụ động nào. Trong số giáp phản ứng nổ thế hệ 2 của Nga nổi tiếng có Kontakt-5 sử dụng vật liệu nổ cực mạnh 4S22.

Năm 1990, thử nghiệm của khối NATO chỉ ra rằng, giáp phản ứng nổ Kontakt-5 của Liên Xô trang bị trên tăng T-72 là bất khả xâm phạm. Vào thời điểm đó, đạn chống tăng của khối NATO đứng đầu là Mỹ có M-829 với lõi Uran nghèo là mạnh nhất, nhưng nó lại bị vô hiệu hóa trước Kontakt-5.

Thế hệ thứ ba:

Thế hệ giáp phản ứng nổ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới thuộc thế hệ 3, chúng được trang bị trên các dòng xe tăng hiện đại dẫn đầu thế giới như như Leclerc (Pháp), Type-90 (Nhật), K1A1 Type-88 (Hàn quốc), Merkawa Mark4 , M1A2 Abram (Mỹ) và Nga là T-90M.

Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 2.

Xe tăng M1A2 SEP V2 của Mỹ.

Giáp phản ứng nổ thế hệ 3 của Nga với tên gọi Relikt trang bị trên T-90M có nền tảng là phần tử phản ứng nổ mới 4S23 sử dụng thành phần chất nổ hoàn toàn mới, hoạt động hiệu quả chống được cả các loại đạn lõm hiện đại và tương lai, trong đó có đạn tandem (2 lượng nổ), cũng như chống được đạn xuyên giáp dưới cỡ.

Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất thì rất có thể một thế hệ mới của ERA đã ra đời. Đó là loại ERA do Nga chế tạo và được trang bị cho xe tăng T-14 Armata. Nó có nhiều cải tiến và ưu điểm vượt trội so với tất cả các loại ERA trước đây.

Theo lời người phát ngôn của cơ sở chế tạo thì: "Nó không có địch thủ tương tự trên thế giới". Tuy nhiên, tên gọi của giáp này và các tính năng của nó vẫn đang trong vòng bí mật.

Hệ thống bảo vệ chủ động - tấm khiên che chắn từ xa

Không chỉ nghiên cứu tăng cường sức phòng hộ cho xe tăng một cách thụ động như trên, các nhà sản xuất còn nghiên cứu chế tạo thêm hệ thống bảo vệ chủ động cho nó bằng cách phá hủy hoặc "lái" các đầu đạn chống tăng đi hướng khác, không cho chúng chạm đến xe tăng.

Có thể ví von hệ thống này như một chiếc khiên bao bọc lấy xe tăng, tạo ra một bán cầu an toàn xung quanh nó.

Nhìn chung, mỗi hệ thống bảo vệ chủ động thường là kết hợp của ba thành phần chủ yếu:

Một là các thiết bị cảm biến, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa, đạn pháo, lựu phóng… của đối phương đang hướng đến xe tăng và cung cấp các thông số này cho hệ thống xử lý. Ngoài ra, nó có thể giúp cho kíp xe phát hiện được vị trí ẩn nấp của đối phương.

Hai là, phải có hệ thống tự động xử lý dữ liệu nhằm xác định được quỹ đạo đường đạn, tốc độ bay và góc tiếp xúc của đầu đạn v.v... Trên cơ sở đó lựa chọn và kích hoạt các biện pháp đối phó.

Ba là, phải có các biện pháp đối phó hiệu quả nhằm phá hủy hoặc vô hiệu hóa mối đe dọa. Tùy theo biện pháp đối phó này mà người ta chia hệ thống bảo vệ chủ động thành hai kiểu: bảo vệ cứng và bảo vệ mềm.

Bảo vệ cứng là biện pháp dùng các viên bi hoặc mảnh kim loại bắn về phía tên lửa chống tăng (TLCT) hoặc đầu đạn chống tăng đang bay đến để phá hủy hoặc làm giảm động năng của chúng khi chúng cách xe tăng từ 7- 10 mét. Hệ thống này có thể ngăn chặn đối với mọi loại đạn và TLCT.

Bảo vệ mềm là loại hệ thống sử dụng các biện pháp nhằm gây nhiễu hoặc làm mù xạ thủ đối phương, làm thay đổi quỹ đạo bay của TLCT... được thiết kế để chống lại hoạt động chỉ thị mục tiêu bằng laser, dẫn đường cho TLCT dẫn bằng laser bán chủ động hoặc TLCT có đầu tự dẫn.

Các xe tăng có thể áp dụng kết hợp cả hai loại bảo vệ cứng và mềm hoặc từng loại một.

Hệ thống bảo vệ chủ động kiểu cứng đầu tiên trên thế giới được Liên Xô nghiên cứu và chế tạo những năm 70 thế kỷ trước là Dzort.

Hệ thống này được lắp cho các xe tăng T-55AD từ những năm 80 và đã được thử thách ở chiến trường Afghasintan, đã loại bỏ đên 80% các loại tên lửa và đạn phóng lựu chống tăng bắn tới.

Tuy nhiên, thiết bị này có nhược điểm là phòng thủ trên nóc yếu và chùm đạn bắn ra lớn có thể ảnh hưởng đến bộ binh đi cùng. Vì vậy, người Nga tiếp tục cải tiến và cho ra đời hệ thống phòng thủ tích cực ARENA có nhiều điểm ưu việt hơn.

Hiện nay, ARENA đã được sử dụng cho hầu hết các xe tăng và xe bọc thép hiện đại như T-80, T-90, BMP-3... Ngoài ra, có phiên bản ARENA-E dành cho xuất khẩu và Hàn Quốc là khách hàng đầu tiên của mặt hàng này.

Tiếp nối người Nga là Israel cũng rất chú trọng nghiên cứu chế tạo hệ thống phòng thủ tích cực. Xuất phát từ chiến tranh Lebanon năm 2006, hơn 40 xe tăng của Israel đã bị tiêu diệt bởi tên lửa chống tăng.

Ngoài ra, hàng năm có rất nhiều xe tăng bị tiêu diệt khi đang làm nhiệm vụ bởi các súng chống tăng cá nhân RPG được các tay súng của phiến quân Hezbollah sử dụng. Điều này đã dẫn đến nỗ lực phát triển một hệ thống bảo vệ chủ động APS (Active Protection Systems) cho các xe tăng và xe thiết giáp.

Và Rafale Trophy ASPRO-A ra đời là kết quả sự nỗ lực nghiên cứu của giới khoa học quân sự nước này. Xe tăng Merkava Mk-4 vốn đã nổi tiếng bởi hệ thống giáp bảo vệ tuyệt hảo, nay được trang bị thêm hệ thống bảo vệ chủ động APS đã biến chúng thành một trong những loại xe tăng bất khả chiến bại.

Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 3.

Xe tăng T-14 Armata mới nhất của Nga.

Người Mỹ lúc đầu có phần coi nhẹ các giải pháp này nên không quan tâm cho lắm. Khi nhận thấy tác dụng của nó họ đã đề nghị mua lại của Nga hệ thống ARENA song không được chấp nhận.

Gần đây, quân đội Mỹ cũng đã đặt hàng hãng Sander (thuộc công ty Lockheed Martin) nghiên cứu chế tạo Thiết bị phản ứng chống tên lửa AN VLQ-8A. Thiết bị này có khả năng chống lại hầu hết TLCT có điều khiển cho các loại xe tăng, xe thiết giáp.

Hơn 1.000 hệ thống đã được giao cho quân đội Mĩ. Hệ thống này thường được đặt trên nóc tháp pháo xe tăng Abrams. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về thiết bị này vẫn còn được giữ kín.

Về hệ thống bảo vệ chủ động kiểu mềm hiện nay mới chỉ có người Nga nghiên cứu và chế tạo thành công. Nó được gọi là hệ thống cảnh báo và đối kháng quang-điện tử Shtora-1 TShU-1-7, được thiết kế để phá hoại sự chỉ thị mục tiêu bằng laser và dẫn đường cho TLCT dẫn bằng laser bán chủ động.

Hệ thống Shtora-1 cũng bao gồm ba thành phần chủ yếu như trên, tuy nhiên biện pháp xử lý của thiết bị này là "mềm" - nghĩa là không phá hủy đầu đạn hoặc TLCT mà chỉ "lái" cho nó lệch đi hoặc bị "mù" trong một thời gian.

Trước hết, Shtora-1 liên tục phát ánh sáng hồng ngoại công suất lớn từ hai đèn pha nằm hai bên pháo để gây nhiễu cho các đầu tự dẫn của TLCT.

Khi các cảm biến của hệ thống phát hiện mình đã bị định vị bởi laser hoặc TLCT đang hướng tới mình thì máy tính sẽ tính toán xác định các thông số về quỹ đạo của tên lửa và sẽ phát lệnh phóng các quả đạn khói về phía đó tạo thành một màn khói cách xe khoảng 70 mét che kín xe tăng.

Khi gặp màn khói này, tín hiệu điều khiển bằng laser sẽ bị vô hiệu hóa và đầu đạn sẽ chỉ còn bay theo quỹ đạo thông thường của nó mà thôi. Trong khi đó xe tăng tiếp tục cơ động và đã di chuyển tới vị trí khác.

Ngoài ra, màn sương này cũng làm "mù" các thiết bị ngắm bắn bằng quang học. Hiện hệ thống này được lắp đặt trên xe tăng T-90 của Nga và một số T-80UK, T-80U, T-84 của Ukraine. Tuy nhiên T-90 "Bhisma" của Ấn Độ lại không được trang bị Shtora.

Tiến xa thêm một bước nữa, người Nga lại cho ra đời hệ thống bảo vệ chủ động Afganit với nhiều điểm ưu việt hơn nữa lắp trên xe tăng T-14 Armata. Người ta cho rằng thiết bị này sẽ bảo vệ được xe tăng cho dù TLCT tiến công từ bất cứ phương tiện mang nào, từ bất cứ hướng nào.

Với việc được trang bị cả ERA loại Relikt, ARENA và Shtora-1, xe tăng T-90 của Nga được đánh giá là có hệ thống bảo vệ tốt nhất thế giới hiện nay.

Chúng ta hãy hình dung để tiêu diệt được nó, đầu đạn chống tăng hoặc TLCT phải vượt qua 3 vòng bảo vệ trước khi tiếp cận được lớp giáp thật. Vòng 1 là các can nhiễu đánh lạc hướng và màn khói gây "mù" của Shtora-1.

Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 4.

Xe tăng T-90 của Nga.

Vượt qua được vòng 1 rồi thì nó sẽ bị các chùm nổ mảnh của ARENA bắn phá. Có thể nói hầu hết đầu nổ lõm sẽ nổ ở đây, còn các đầu đạn khác sẽ bị giảm động năng. Tiếp đó, chúng sẽ bị cản trở bởi giáp phản ứng nổ ERA.

Sóng nổ của ERA sẽ phá hủy hoặc làm thanh xuyên chệch hướng đi nên khó có thể xuyên qua được lớp giáp thật của xe. Thực tế chiến trường Syria thời gian vừa qua đã chứng tỏ hiệu quả của hệ thống bảo vệ này.

Và có lẽ cũng chính vì ưu điểm này mà một số quốc gia chọn T-90 làm nòng cốt để từng bước hiện đại hóa lực lượng xe tăng của mình trong thời gian tới.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại có thể nói sự kết hợp giữa giáp phản ứng nổ hiện đại với Hệ thống bảo vệ chủ động (cả cứng và mềm) dường như đã trở thành tấm lá chắn "bất khả xâm phạm" cho xe tăng và góp phần trả lại vị thế của nó trên chiến trường.

Tuy nhiên, "vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn". Chắc chắn những nhà chế tạo vũ khí chống tăng sẽ không chịu ngồi yên thúc thủ. Và kết quả cuộc đấu này ra sao câu trả lời sẽ chỉ có trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại