Đài Loan đã chấm dứt mối quan hệ 36 năm với đảo quốc Solomon sau khi nội các đảo quốc Thái Bình Dương này ngày 16-9 bỏ phiếu cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan chỉ còn duy trì quan hệ chính thức với 16 nước trên thế giới.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cũng đề nghị từ chức vào tối 16-9 để chịu trách nhiệm chính trị về việc cắt đứt quan hệ song phương này.
Diễn biến này xảy đến chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele đến thăm Đài Loan để thảo luận về việc tiếp tục mối quan hệ song phương.
“Chính quyền Đài Loan cho rằng quyết định của nội các Solomon cực kỳ đáng tiếc và lên án mạnh mẽ điều này”, ông Wu nói.
“Do đó, chính quyền tuyên bố việc chấm dứt quan hệ ngoại giao với đảo quốc Solomon có hiệu lực ngay lập tức, đặt dấu chấm hết cho tất cả những dự án hợp tác quan hệ song phương cũng như triệu hồi đội ngũ nhân viên của đại sứ quán Đài Loan, phái bộ kỹ thuật và phái bộ y tế đóng tại đảo quốc Solomon”, ông Wu nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền Đài Loan cũng yêu cầu Solomon ngay lập tức triệu hồi nhân viên chính phủ nước mình tại Đài Loan.
Ngay sau thông báo của ông Wu, hãng thông tấn Đài Loan CNA đưa tin nội các của Solomon ngày 16-9 đã bỏ phiếu cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Theo CNA, 27 thành viên của nội các Solomon đã bỏ phiếu ủng hộ thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, không có ai phản đối và có sáu phiếu trắng.
Chỉ trích đảo quốc Solomon phản bội tình hữu nghị và lòng trung thành, ông Wu cho hay Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã công khai tuyên bố rằng đất nước ông sẽ đề cập bốn báo cáo từ các cơ quan chính phủ cùng với ý kiến của các tổ chức dân sự trước khi đi đến quyết định cuối cùng về việc đánh giá lại quan hệ ngoại giao của Solomon với các quốc gia khác, trong đó có Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Sogavare và nội các của ông ấy cuối cùng lại ra quyết định dựa vào một báo cáo chứa đựng đầy rẫy điều bịa đặt và thông tin sai lệch trắng trợn, ông Wu nói.
“Thủ tướng Sogavare không chỉ phá vỡ cam kết công cộng của chính ông ấy mà còn coi nhẹ thành quả của 36 năm hợp tác giữa Đài Loan với Solomon”, ông Wu nói.
Ông Wu cũng chỉ trích Bắc Kinh sử dụng chiến lược “ngoại giao tiền bạc và những lời hứa hẹn suông về các khoản viện trợ nước ngoài lớn để mua chuộc một nhóm nhỏ các chính trị gia nhằm đảm bảo chính phủ Solomon thông qua nghị quyết chấm dứt quan hệ với Đài Loan trước ngày quốc khánh của Trung Quốc 1-10”.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh cần thống nhất, kể cả dùng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã đình chỉ các trao đổi chính thức với Đài Loan và tính đến nay đã lôi kéo sáu quốc gia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhằm gây sức ép lên hòn đảo này.
Quần đảo Solomon là quốc gia thứ sáu chấm dứt quan hệ với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo hòn đảo này hồi năm 2016. Các nước có hành động tương tự trước đó là Burkina Faso, Cộng hòa Dominican, Sao Tome và Principe, Panama và El Salvador.
Ngoài ra, ông Wu cũng đã gửi đơn từ chức lên bà Thái Anh Văn để chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự việc. Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 16-9, văn phòng bà Thái Anh Văn yêu cầu ông tiếp tục cương vị, nói rằng ông Wu và cơ quan ngoại giao Đài Loan đã làm tất cả những gì có thể để ngăn điều đó.
Quyết định của Solomon khiến Đài Loan bất ngờ bởi quyết định này được đưa ra cùng ngày ông Hsu Szu-Chien, một trong những quan chức hàng đầu của cơ quan ngoại giao Đài Loan, dẫn đầu một phái đoàn đến Solomon để đưa ra những nỗ lực cuối cùng cứu quan hệ song phương.
Động thái của đảo quốc Solomon là đòn giáng mạnh vào Đài Loan, ngay trước thềm diễn ra cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1-2020.