The Australian ngày 1/5 cho biết, trong cuộc phỏng vấn báo chí mới đây Thủ tướng Quần đảo Solomon - ông Manasseh Sogavare tiết lộ rằng, quốc đảo này đang xem xét về việc có nên chấm dứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Được biết, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Quần đảo Solomon nên ông Sogavare tin rằng, Quần đảo Solomon sẽ nhận được lợi ích lớn từ việc chuyển giao ngoại giao này. Hiện nay, Thủ tướng Sogavare cho biết, ông sẽ thảo luận vấn đề này với liên minh cầm quyền và chính phủ mới sẽ công bố lập trường vào thời điểm thích hợp.
Thủ tướng Solomon nói: "Về nguyên tắc chúng tôi sẽ tôn trọng mối quan hệ ngoại giao [với Đài Loan] nhưng tất nhiên cũng sẽ cân nhắc đến các nhân tố khác, ví dụ, làm thế nào để cả hai bên cùng có lợi trong mối quan hệ đó".
Trong khi đó, ông James Batley - cựu quan chức ngoại giao của Solomon nhận định, "Solomon là biểu tượng của khu vực này, sự thay đổi quan hệ ngoại giao nếu xảy ra sẽ mang ý nghĩa rất lớn".
Ông này cho rằng, do quốc đảo này là đồng minh lớn nhất của Đài Loan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nên nếu Solomon chuyển hướng sang Bắc Kinh nhất định sẽ dẫn đến hiệu ứng domino.
Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), chính quyền Đài Loan đã rất "hoảng hốt" trước động thái của Solomon. Vào ngày 2/5, cơ quan ngoại giao Đài Loan cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Sogavare chỉ để thăm dò, cân nhắc quan điểm của bộ phận liên minh cầm quyền.
"Quan hệ Đài Loan - Solomon đang phát triển ổn định, bao gồm kế hoạch tổ chức Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023 và dự án xây dựng các nhà thi đấu do Đài Loan thi công. Các kế hoạch hợp tác về nông nghiệp, y tế, học bổng, năng lượng sạch đều đang tiến hành thuận lợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực tương tác với mọi tầng lớp ở Solomon, làm sâu sắc tình bạn, tình hữu nghị hai bên", đại diện cơ quan ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh.
Nhân dân nhật báo dẫn The Daily Telegraph ngày 2/5 cho hay, Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương mới đây đã thảo luận vấn đề về cách "tiếp cận tập thể" và nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh.
Tổng thư ký Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương Meg Taylor chỉ ra, "việc Trung Quốc mở rộng con đường tơ lụa trên biển ở khu vực này có thể tạo ra cơ hội cung cấp cơ sở hạ tầng và cửa ngõ giao lưu, từ đó kích thích sự hình thành thị trường thương mại mới giữa châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latin".
Trên thực tế, kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền lãnh đạo Đài Loan (2016) đến nay, đã có 5 quốc gia lần lượt chấm dứt quan hệ với đảo này khiến đồng minh của Đài Loan chỉ còn 17 nước, trong đó, một số nước đã phát đi những tín hiệu tương tự như Solomon.
Trước đây, Đài Loan từng cáo buộc Bắc Kinh dùng chính sách "ngoại giao tiền tệ" để lôi kéo đồng minh của đảo này, tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định, quyết định của các cựu đồng minh của Đài Loan không liên quan đến kinh tế và được xuất phát từ lợi ích quốc gia.
Quần đảo Solomon là một quốc đảo rộng lớn với gần 1.000 hòn đảo nằm rải rác ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương nhưng thuộc nhóm các nước nghèo nhất, có nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới.
Hơn 75% lực lượng lao động hoạt động kinh tế tự cung tự cấp và đánh cá.