Dải Gaza vùng đất bị phong tỏa của Palestine đang thực sự đứng trước bờ vực tối tăm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người dân Gaza đang dần cạn kiệt nguồn điện và năng lượng, thậm chí các bệnh viện phải hoạt động cầm chừng trong giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng hiện nay.
Bị phong tỏa mọi ngả đường
Cơ quan y tế tại Gaza ngày 7/2 thông báo 19 cơ sở y tế, 16 bệnh viện tư nhân và 3 bệnh viện lớn tại đây đã cạn sạch cả nguồn năng dự trữ khẩn cấp để chạy các máy phát điện dự phòng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, 65% nguồn cung năng lượng cho Dải Gaza là từ Israel và chính quyền Palestine tại thành phố Rammallah ở Bờ Tây thanh toán. 12% từ Ai Cập và Gaza tự sản xuất được 23% còn lại.
Các bệnh viện tại Gaza phải phụ thuộc vào các máy phát điện dự phòng vì Israel phong tỏa chặt chẽ nguồn cung cấp điện tới vùng dất này, với chỉ vài giờ phát điện mỗi ngày.
Các bệnh viện tại Dải Gaza không thể tiến hành hàng trăm ca phẫu thuật, trong khi hàng trăm bệnh nhân cần phải lọc máu bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm sống còn. Các bệnh nhi cũng không nằm ngoài vòng loại trừ.
Các tổ chức nhân đạo và Liên Hợp Quốc cho biết, Israel năm 2017 đã siết chặt phong tỏa Dải Gaza bằng nhiều cách. Thậm chí, việc chuyển các trường hợp bệnh nhân nguy kịch tới bệnh viện ở Bờ Tây, ở Israel hay các nước khác cũng bị hạn chế. Các nguồn tin y tế tại Dải Gaza cho biết, năm 2017 ghi nhận tỷ lệ người bệnh nguy kịch được đưa đi điều trị ở ngoài vùng đất này thấp nhất kể từ năm 2006.
Theo thống kê năm ngoái, tỷ lệ nghèo tại Dải Gaza đã vượt qua mốc 40% trong bối cảnh vùng đất này chịu hơn 10 năm phong tỏa và cấm vận của Israel. 80% trong tổng số 2 triệu người dân Palestine tại Gaza sống nhờ vào nguồn viện trợ từ các tổ chức nhân đạo của Palestine và quốc tế.
Israel áp đặt lệnh phong tỏa Dải Gaza từ năm 2006, sau khi Phong trào Hồi giáo Hamas giành thế đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine. Một năm sau đó, Israel tiếp tục tăng cường phong tỏa Dải Gaza khi Hamas kiểm soát vùng đất này. Bên cạnh đó, xung đột vũ trang giữa Israel và Palestine cũng tàn phá nặng nề Dải Gaza. Trong đó, phải kể đến cuộc xung đột kéo dài nhất-diễn ra 50 ngày trong mùa hè năm 2014 đã phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng tại đây.
Bên cạnh sự phong tỏa của Israel, lượng hàng viện trợ nhân đạo từ các nước Arab và cộng đồng quốc tế tới Gaza đã giảm đáng kể trong 2 năm qua vì Ai Cập đóng cửa khẩu biên giới Rafah với vùng đất này.
Cộng đồng quốc tế cũng có những cam kết, có những kế hoạch để đưa nhiên liệu đến Dải Gaza trong nỗ lực duy trì hoạt động của các bệnh viện, song đến nay điều này vẫn chưa thể thực hiện được.
Mỹ cắt viện trợ - Vực thẳm cận kề
Ngày 16/1 vừa qua, Mỹ đã chính thức thông báo quyết định chỉ giải ngân 60 triệu USD trong tổng gói viện trợ 125 triệu USD dành cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine. Với 65 triệu USD còn lại, Washington cũng sẽ tạm thời chưa giải ngân.
Hai ngày sau đó, Mỹ tiếp tục thông báo sẽ không cấp 45 triệu USD viện trợ lương thực cho Palestine như đã cam kết trong khuôn khổ chương trình viện trợ khẩn cấp dành của UNRWA cho Bờ Tây và Dải Gaza.
Hàng trăm người đã biểu tình tại Dải Gaza để phản đối quyết định Mỹ. Nhiều nhà phân tích lo ngại sâu sắc việc UNRWA phải đóng cửa hoặc bị hạn chế hoạt động mà không có một sự thay thế hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng nghèo đói nghiêm trọng hơn và thậm chí bạo lực, đặc biệt tại vùng đất bị phong tỏa Gaza.
Ngày 22/1, UNRWA đã phát động một chiến dịch gây quỹ trên toàn cầu nhằm duy trì nguồn lực cho các chương trình giáo dục, y tế và các hoạt động viện trợ khác của mình. Người đứng đầu UNRWA Pierre Krahenbuhl cho biết, ông sẽ liên hệ với tất cả nhà tài trợ từ cộng đồng quốc tế và tiến hành một chiến dịch kêu gọi góp quỹ toàn cầu nhằm giúp tổ chức duy trì được các trường học và trung tâm cho người tị nạn đến hết năm 2018 và sau đó.
Trong khi đó, Mỹ đã ra điều kiện duy trì các khoản viện trợ Palestine. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 tuyên bố, Palestine cần chấp nhận tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Israel do Mỹ đóng vai trò trung gian nếu không muốn bị cắt viện trợ. Việc Tổng thống Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã làm dấy lên sự chỉ trích của thế giới Arab và Hồi giáo. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã tuyên bố Mỹ không còn là trung gian hòa giải trong các cuộc hòa đàm ở Trung Đông.
"Chúng tôi đã viện trợ cho họ (Palestine) hàng trăm triệu USD. Số tiền đó sẽ không đến tay họ nếu họ không ngồi xuống và đàm phán về hòa bình", ông Trump nhấn mạnh.
Hiện Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho UNRWA vì vậy việc cắt giảm các nguồn ngân sách sẽ khiến tổ chức này tê liệt hoạt động và đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Quyết định của Mỹ gây ra một tác động chính trị nghiêm trọng đối với người Palestine. Người Palestine coi vấn đề người tị nạn và quy chế của thành phố Jerusalem là một phần trong các cuộc đàm phán hòa bình với Israel.
Giải pháp hai nhà nước có nghĩa là Israel và Palestine tồn tại như hai nhà nước riêng biệt sống bên nhau trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau. Song, những viễn cảnh tốt đẹp đều đang xa rời người Palestine./.