Cả 2 bệnh nhi đều được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục...
ThS.BS Phạm Văn Hưng - bác sĩ trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhi chia sẻ: Trường hợp bệnh nhi N.T.L.M. (15 tuổi) sốt cao liên tục 5 ngày, đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ, phải chuyển lên tuyến trên. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, sốt cao liên tục, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue.
Bệnh nhi được điều trị chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue, bao gồm cả truyền dịch cao phân tử. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi vẫn diễn biến xấu, sốc không cải thiện kèm theo suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, dịch màng bụng số lượng nhiều.
Các bác sĩ phải xử trí đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ, sử dụng vận mạch Adrenalin, Noradrenalin... Vận dụng mọi biện pháp tối ưu nhất nhưng sau đó 2-3 giờ, tình trạng bệnh nhi đột ngột xấu đi, tím tái, huyết áp tụt, thở máy yêu cầu thông số rất cao nhưng bệnh nhi vẫn tím, SpO2 chỉ 60 - 70%, hút nội khí quản có ít máu tươi.
Bệnh nhi M. mắc sốt xuất huyết với biến chứng viêm cơ tim cấp. Ảnh: BVCC
Trước diễn biến nguy kịch của bệnh nhi, trực tiếp TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa đã chủ trì hội chẩn để vạch ra chiến lược điều trị.
Ngay lập tức, bệnh nhi được chụp X-quang tim, phổi tại giường, cho thấy bóng tim nhỏ, siêu âm tim thấy chức năng tim giảm nặng. Các bác sĩ xác định đây là trường hợp bị biến chứng nặng của sốt xuất huyết Dengue, sốc, viêm cơ tim cấp.
Bệnh nhi được chỉ định các thuốc trợ tim, đồng thời vẫn truyền các thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ chống sốc. Hàng loạt các y lệnh then chốt đồng loạt được đưa ra để giành giật sự sống cho bệnh nhi.
Sau hơn 7 ngày điều trị, bệnh nhi bắt đầu giảm được vận mạch và thuốc trợ tim, ổn định dần, rút được nội khí quản, cắt được hết vận mạch trợ tim. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhi được xuất viện với chức năng các cơ quan trở về giới hạn bình thường.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi T.T. (13 tuổi), cũng bị suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ điều trị vừa phải cho bệnh nhi dùng thuốc trợ tim, vận mạch, vừa phải truyền dịch chống sốc và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu quá tải dịch.
Bệnh nhi được hội chẩn đa chuyên khoa Răng Hàm Mặt và Tai Mũi Họng đến lần thứ 3 mới tìm ra điểm chảy máu ở lỗ mũi sau và tiến hành cầm máu.
Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi rút được nội khí quản, chức năng đông máu và các tạng cải thiện dần. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi cũng được xuất viện với tình trạng khỏe mạnh bình thường.
Bệnh nhi T. mắc sốt xuất huyết với biến chứng suy đa tạng. Ảnh: BVCC
Theo các nghiên cứu, biến chứng suy đa tạng bao gồm cả suy gan, suy thận, suy thần kinh trung ương và suy tim chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ chiếm 0,67%) trong các ca sốt xuất huyết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao 60-70%. Tỷ lệ suy hai tạng gồm suy gan và suy thận chiếm 0,33%, suy gan và suy thần kinh trung ương chiếm 2,66%, suy gan và suy tim chiếm 2%.
Đối với 2 bệnh nhi ở trên, đều suy đa tạng là trường hợp rất nặng nhưng may mắn đã được các bác sĩ cứu sống.
TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa cho biết: Những ca bệnh sốt xuất huyết tại miền Bắc bắt đầu xuất hiện tăng lên nhưng ca bệnh nặng đã có ngay từ giai đoạn sớm. Hai ca bệnh có thời gian diễn biến bệnh khác nhau nhưng đều có các dấu hiệu tổn thương gan, tổn thương tim, rối loạn đông máu nặng, tràn dịch đa màng... khiến quá trình điều trị khó khăn.