Cuộc tìm kiếm vũ khí hạt nhân mất tích của Mỹ dưới Bắc Cực

TUẤN SƠN |

Cách đây 50 năm, một trong những tai nạn nghiêm trọng trong lịch sử vũ khí hạt nhân thế giới đã xảy ra, khi vào ngày 21-1-1968, một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã bất ngờ bốc cháy khi đang bay.

Chiếc máy bay xấu số mang theo vũ khí hạt nhân đã vỡ nát khi đâm xuống vùng biển băng giá gần Greenland và gây ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. Tới tận thời điểm hiện tại, một trong số 4 quả bom hạch tâm chiếc B-52 bị rơi vẫn chưa được tìm thấy.

Chiến dịch răn đe Liên Xô mang mật danh Chrome Dome

Vụ tai nạn của chiếc B-52 xảy ra gần căn cứ không quân cực bắc của Không quân Mỹ tại vùng Thule trên đảo Greenland, Đan Mạch. Mỹ đã đạt được thỏa thuận với phía Đan Mạch duy trì căn cứ không quân tại Thule từ thời Thế chiến 2, khi vùng lãnh thổ này được giải phóng khỏi phát xít Đức.

Trong suốt chiến tranh Lạnh, Không quân Mỹ luôn duy trì hoạt động của máy bay ném bom chiến lược tại Bắc Cực để răn đe Liên Xô. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1961 từ căn cứ không quân tại Thule.

Với mật danh Chrome Dome, Không quân Mỹ triển khai các máy bay ném bom B-52 mang bom hạch tâm có sức công phá lớn cất cánh từ Thule và duy trì tuyến bay dọc theo biên giới Liên Xô để sẵn sàng tấn công bất kỳ lúc nào.

Cuộc tìm kiếm vũ khí hạt nhân mất tích của Mỹ dưới Bắc Cực - Ảnh 1.

Máy bay ném bom chiến lược B-52.

Ngày 21-1-1968, chiếc B-52 do sĩ quan John Haug chỉ huy thực hiện nhiệm vụ thường nhật từ Thule. Trong kíp bay còn có phi công số 3 Alfred D’Mario và một sĩ quan hoa tiêu bổ sung.

Chuyến bay đã trở thành thảm họa khi phi công Alfred D’Mario vô tình đặt một vài tấm đệm lên ống sưởi dưới ghế của hoa tiêu. Sau khi rời căn cứ Thule khoảng 7 giờ, những chiếc nệm trên chiếc B-52 bốc cháy.

Khói nhanh chóng bao trùm khoang lái của chiếc máy bay ném bom chiến lược. Phi hành đoàn đã không thể dập tắt được đám cháy bằng bình cứu hỏa trên khoang và chỉ huy John Haug đã yêu cầu các thành viên thoát ly khỏi máy bay.

Nhận lệnh thoát ly, nhưng ghế phóng của phi công Leonard Svitenko bị kẹt. Anh này phải tìm đường thoát khác ở dưới sàn máy bay. Khi đang tìm cách thoát thân, phi công L. Svitenko đã bị thương nặng và tử vong. Các thành viên khác trên chiếc B-52 xấu số may mắn nhảy dù an toàn.

Không có người điều khiển, chiếc B-52 mang vũ khí hạch tâm nhanh chóng đâm xuống vịnh băng Ngôi sao phương Bắc. Va chạm khi tiếp đất đã làm 4 quả bom hạch tâm B28FI có sức công phá 1,1 Megaton máy bay mang theo bị hư hại và rò rỉ phóng xạ.

Các đồng vị phóng xạ nguy hiểm Plutonium, Uranium, Americium và Tritium được phát tán trong diện tích khoảng 3 dặm.

Cuộc tìm kiếm vũ khí hạt nhân mất tích của Mỹ dưới Bắc Cực - Ảnh 2.

Bom nhiệt hạch B28FI.

Nỗ lực thu hồi bom hạch tâm mất tích

Ngay sau vụ tai nạn, Không quân Mỹ đã buộc phải dừng chiến dịch Chrome Dome. Sau đó, các chuyên gia Mỹ và Đan Mạch đã phối hợp trong một nhiệm vụ nguy hiểm là làm sạch khu vực bị nhiễm phóng xạ và tìm kiếm các quả bom hạch tâm mất tích trong vụ tai nạn.

Hoạt động này được mang mật danh Crested Ice. Các chuyên gia Mỹ và Đan Mạch đã phải làm việc trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt của Bắc Cực khi nhiệt độ ngoài trời trung bình ở mức -40 độ C và có những thời điểm tụt xuống -60 độ C.

Thời điểm chiến dịch Crested Ice diễn ra, Bắc Cực đang trong mùa đông (9 tháng không có mặt trời), nên hoạt động tìm kiếm và dọn dẹp phần lớn diễn ra trong đêm tối.

Cuộc tìm kiếm vũ khí hạt nhân mất tích của Mỹ dưới Bắc Cực - Ảnh 3.

Thời tiết khắc nghiệt buộc việc thu dọn hiện trường vụ máy bay B-52 gặp nạn và tìm kiếm các quả bom nhiệt hạch mất tích phải huy động sức người.

Tổng cộng đã có 6.700 m khối băng tuyết bị nhiễm phóng xạ được cắt xẻ và đóng vào các hộp gỗ để chuyển về khu xử lý phóng xạ tại Nam Carolina, Mỹ.

Để tìm kiếm những quả bom hạch tâm mất tích, Quân đội Mỹ đã sử dụng tàu ngầm mini Star III tiếp cận xác chiếc B-52 dưới đáy biển Bắc Cực. Sau nhiều nỗ lực, các chuyên gia Mỹ đã tìm thấy mảnh vỡ của 2 quả bom và 1 quả bom còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, quả bom hạch tâm còn lại không bao giờ được tìm thấy. Sau thời gian tìm kiếm bất thành, đơn vị tìm kiếm nhận định, quả bom hạch tâm thứ 4 có thể đã vỡ nát và lẫn vào xác chiếc B-52 chìm dưới biển sâu. Hoạt động tìm kiếm được kết thúc sau đó không lâu.

Vụ tai nạn của máy bay ném bom chiến lược B-52 mang bom hạch tâm đã nối dài thêm danh sách các đơn vị vũ khí hạt nhân mất tích trên thế giới vẫn chưa được tìm thấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại