Lực lượng tên lửa
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Lực lượng tên lửa chiến lược là mũi đinh ba chủ yếu tạo nên sức mạnh chiến đấu hạt nhân của Trung Quốc. Nòng cốt là 20 lữ đoàn tên lửa đường đạn, lực lượng huấn luyện - thử nghiệm - bảo vệ, 6 căn cứ tên lửa đường đạn và 1 căn cứ bảo quản đầu đạn.
Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 260 tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân, số lượng và năng lực của chúng ngày càng tăng lên trong những năm gần đây. Trong đó, nòng cốt răn đe hạt nhân là tên lửa đường đạn xuyên lục địa Dongfeng-31A (DF-31A), hiện tại có khoảng 30 quả.
Tên lửa đạn đạo DF-31
Cần lưu ý một vấn đề, tên lửa DF-31A trong năm 2005 còn chưa được triển khai, nhưng 10 năm sau đã đóng vai trò chủ lực, thay thế tên lửa DF-4 đã lạc hậu. Tên lửa DF-31A có thể phóng từ giếng phóng hoặc xe phóng tự hành. Điều này cho thấy Trung Quốc đã thực sự đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng tên lửa chiến lược của mình.
Ngày 3/8/2014, Trung Quốc phóng thử tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới và công khai tên gọi của chúng là tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-41. Ngày 25/9/2014, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tên lửa DF-31B, phiên bản cải tiến của DF-31A. Những vũ khí này sử dụng công nghệ mang đầu đạn phân hướng (MIRV), có khả năng tiến công nhiều mục tiêu.
Cuối tháng 1/2017, có báo cáo xác nhận việc triển khai tên lửa DF-41, địa điểm triển khai được biết là ở Đông Bắc - Trung Quốc, tên lửa này có khả năng mang 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân.
Đồng thời, Trung Quốc bắt đầu cải tiến tên lửa xuyên lục địa phóng thẳng đứng từ hầm phóng. Tên lửa DF-5C, loại cải tiến mới nhất, đã được phóng thử vào đầu tháng 1/2017, có thể mang theo khoảng 10 đầu đạn hạt nhân.
Còn theo trang web Freedom Lighthouse Washington, tháng 1/2017, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tên lửa DF-5C, khi thử nghiệm đã sử dụng 10 đầu đạn phân hướng độc lập. Tên lửa được phóng lên từ Trung tâm phóng hàng không vũ trụ Thái Nguyên, sau đó bay về hướng một trường bắn ở khu vực sa mạc miền Tây Trung Quốc.
Số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là điều bí mật vì Trung Quốc không công khai cho thế giới biết. Theo dự đoán nước này có khoảng 250 đầu đạn hạt nhân chiến lược, quy mô ở mức độ tương đối thấp.
Một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ trình bày trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ vào tháng 2/2017 cho biết: Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân mà tên lửa DF-5 thế hệ cũ có thể mang theo, động thái này đã dẫn đến mối quan tâm của các nhà hoạch định chiến lược.
Việc tên lửa của Trung Quốc tăng thêm số lượng đầu đạn hạt nhân - từ bố trí 1 hoặc 3 đầu đạn đã tăng lên tới 10 đầu đạn – có nghĩa số lượng đầu đạn hạt nhân cất giữ trong kho hiện nay của nước này đã vượt quá quy mô 250 đầu đạn theo như dự đoán trước đây.
Tên lửa đường đạn tầm trung
Nòng cốt tác chiến của tên lửa đường đạn tầm trung Trung Quốc là tên lửa DF-21A. Theo tài liệu của Cục nghiên cứu phòng vệ Nhật Bản, Trung Quốc đã triển khai khoảng 80 quả tên lửa loại này.
Trong số tên lửa họ DF-21 còn có DF-21C và DF-21D, tên lửa DF-21C là loại tên lửa thông thường tiến công đối đất; DF-21D là tên lửa đường đạn chống hạm, những loại này chưa được xếp vào loại chủ lực tác chiến hạt nhân trực tiếp.
Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật ngày 3/9/2015, tên lửa đường đạn tầm trung DF-26 đã lần đầu tiên xuất hiện. Đây là loại tên lửa có thể mang được cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thường, với đặc tính rất khó đánh chặn. Do vậy nó là một lựa chọn quan trọng trong những trường hợp leo thang quân sự.
Để bảo đảm an toàn cho căn cứ và xe phóng tên lửa đường đạn, các loại tên lửa, xe phóng và căn cứ tên lửa của Trung Quốc được bố trí ở các vùng núi trong nội địa Trung Quốc, đại đa số nằm sâu dưới lòng đất 30m, đảm bảo tính bí mật và tương đối kiên cố, khó có khả năng phá hủy.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược
Trong 3 loại phương tiện mang vũ khí hạt nhân nòng cốt, chịu trách nhiệm tiến công hạt nhân từ dưới nước là lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tên lửa phóng ngầm, tính bí mật và khả năng sống còn của chúng là đặc điểm nổi trội nhất trong 3 loại phương tiện phóng.
Tàu ngầm hạt nhân Type 094
Tàu ngầm hạt nhân Type 094 là lực lượng tác chiến hạt nhân dưới nước chủ lực hiện nay của Trung Quốc. Loại tàu này được cho là đã có năng lực thực chiến, so với tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 thế hệ trước thì năng lực sống còn đã được cải thiện rất lớn.
Trung Quốc cuối cùng đã có được năng lực tấn công hạt nhân từ dưới mặt nước. Nhưng về mặt trình độ đào tạo nhân viên vận hành hệ thống, nhân viên hải quân, khả năng thông tin liên lạc, xây dựng và sử dụng lực lượng tác chiến bảo vệ tàu ngầm hạt nhân, cũng như để đạt được trình độ chiến đấu thực tiễn thì vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần được khắc phục.
Năm 2017, Trung Quốc đã tìm cách để tàu ngầm hạt nhân Type 094 và tên lửa đường đạn phóng ngầm Cự Lãng-2 (JL-2) trang bị trên tàu ngầm này có được năng lực tác chiến thực tiễn nhất định.
Tên lửa JL-2A phóng từ tàu ngầm Type 094
Tầm phóng của JL-2 khoảng 7.400km, có thể mang được 3-4 đầu đạn hạt nhân. Hiện nay hải quân Trung Quốc đang có 4 chiếc tàu ngầm Type 094 trong biên chế.
Theo những bức ảnh rò rỉ trên mạng, hiện nay Trung Quốc đang tiến hành cải tiến tàu ngầm Type 094 để có thể mang được tên lửa Cự Lãng thế hệ mới JL-2A. Tầm phóng của JL-2A được cho là lên tới 11.200 km, có thể đánh được tới gần như toàn bộ các vùng của nước Mỹ.
Ngoài ra, còn có biến thể tên lửa JL-2C có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân hơn và tầm phóng bao phủ toàn cầu.
Nếu như tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-2A đã đạt được năng lực tác chiến thực sự thì đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai và sở hữu lực lượng răn đe hạt nhân dưới nước. Hiện Trung Quốc đang tiếp tục phát triển tàu ngầm hạt nhân Type 096 - phiên bản cải tiến của Type 094.
Lực lượng máy bay ném bom chiến lược
Mũi đinh ba cuối cùng trong bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược của Trung Quốc là máy bay ném bom H-6K.
Đây là loại dựa trên máy bay ném bom tầm trung Tu-16 của Liên Xô được Trung Quốc sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ từ năm 1958.
Hiện tại có khoảng 120 chiếc với đủ các biến thể đang hoạt động trong không quân Trung Quốc với vai trò là máy bay ném bom chiến lược. H-6K được coi là phương tiện phóng, có thể đảm nhiệm một phần chiến lược tấn công hạt nhân.
Tuy là thiết kế cũ kĩ từ những năm 50 của thế kỷ trước nhưng những nâng cấp mới nhất vẫn khiến chúng có một sức mạnh đáng kể
H-6K có thể mang tên lửa hành trình không đối đất Trường kiếm 10 (CJ-10). Tên lửa hành trình CJ-10 có thể mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường. Trong trường hợp mang theo 4 quả CJ-10, bán kính hoạt động của máy bay ném bom H-6K có thể lên tới 3.000km.
Máy bay ném bom chiến lược H-6K và tên lửa CJ-10A của Trung Quốc
Hạn chế của loại máy bay ném bom này là tầm bay ngắn, khả năng sống còn tương đối kém. Nhưng so với các máy bay ném bom hiện có của Trung Quốc, H-6K vẫn là một loại máy bay đáng tin cậy hơn cả. Để nâng cao năng lực tác chiến thông thường, Trung Quốc vẫn đang tăng cường sức mạnh chiến đấu cho loại máy bay ném bom này.
Có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc bắt đầu phát triển loại máy bay ném bom chiến lược mới với tên gọi là H-20. Nó có thể giống như máy bay ném bom B-2 của Mỹ, cự ly hành trình liên tục lên tới 12.000km, lượng bom đạn mang theo từ 20 đến 30 tấn, có thể mang theo tên lửa hành trình. Đây là máy bay ném bom chiến lược tốc độ cận âm, có khả năng tàng hình.
Về mặt tính năng, H-20 vượt xa H-6K hiện có. Nếu như loại máy bay ném bom này đưa vào sử dụng, sức mạnh chiến đấu hạt nhân trên không của Trung Quốc sẽ đạt tới cấp độ 1 về trang bị.
Song, chu kỳ phát triển máy bay ném bom chiến lược thông thường là 10 năm nên nếu Trung Quốc muốn hình thành sức mạnh chiến đấu cho loại máy bay mới thì sớm nhất cũng phải tới sau năm 2020, thời gian tương đối thực tế là đến giữa năm 2030.
Tóm lại, mặc dù bị hạn chế bởi chính sách nhưng sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc đã được tăng cường cả về lượng và chất, thậm chí đã xuất hiện dấu hiệu "đa nguyên hóa" trang bị hạt nhân.
Vì thế, trong quá trình đánh giá về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, một số ý kiến cho rằng, do chiến lược hạt nhân của Trung Quốc ngày càng được tăng cường trong những năm gần đây, rất có thể họ sẽ từ bỏ nguyên tắc "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước".
Sức mạnh hạt nhân trên bộ của Trung Quốc tương đối mạnh và có độ tin cậy cao nhưng sức mạnh tác chiến hạt nhân thực tiễn dưới nước mới chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn hình thành, sức mạnh hạt nhân trên không cũng chưa có gì nổi trội.
Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc phóng tên lửa KD-63