Trong bản dự thảo Đánh giá Vị thế Hạt nhân (NPR - Nuclear Posture Review) vừa mới được tiết lộ, Bộ QP Mỹ đã buộc phải thừa nhận sự tồn tại của một loại tàu lặn hạt nhân không người lái được Nga phát triển và vận hành, một khả năng mà Lầu Năm Góc chưa từng công nhận trước đây.
Mỹ gọi chiếc tàu lặn không người lái (AUV) này bằng biệt danh ngắn gọn "Kanyon", còn Nga gọi đầy đủ hơn là Hệ thống Đa nhiệm Dưới biển Status-6.
Status-6 được phát triển bởi Cục thiết kế Rubin, tổ chức lớn nhất trong số 3 hãng chế tạo tàu ngầm chính của Nga. Theo một chương trình phim tàu liệu phát trên truyền hình Nga, chiếc tàu lặn không người lái này có tầm hoạt động khoảng 10.000 km, vận tốc tối đa trên 185 km/h và có thể lặn xuống độ sâu 1.000m so với mặt nước biển.
Status-6 được thiết kế để phóng từ ít nhất 2 lớp tàu ngầm hạt nhân khác nhau, trong đó có tàu Oscar – lớp có thể mang theo 4 chiếc Status-6 cùng một lúc.
Thông tin về Status-6 của Nga. Ảnh: Defense News
Nhưng điều khiến Status-6 trở thành một loại vũ khí "ác mộng" chính là ở đầu đạn nhiệt hạch với sức công pháp 100 megaton của nó.
Hãy làm phép so sánh, quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima là 16 kiloton, tương đương với 16.000 tấn TNT. Trong khi đó, đầu đạn hạt nhân của Status-6 sẽ tương đương với 100.000.000 tấn TNT, gấp 2 lần Tsar Bomba (Vua của các loại bom), loại vũ khí nhiệt hạch có sức công phá lớn nhất từng được thử nghiệm từ trước tới nay.
Nếu thả xuống thành phố New York, một quả bom 100 megaton sẽ ngay lập tức cướp đi sinh mạng của 8 triệu người và làm bị thương khoảng 6 triệu người khác.
Status-6 được thiết kế để tấn công các khu vực duyên hải, phá hủy các thành phố, căn cứ hải quân và cảng biển. Loại siêu bom này khi được kích nổ cũng sẽ tạo ra một cơn sóng thần nhân tạo đổ ập vào bờ, mang theo khối lượng lớn nước biển nhiễm xạ.
Có nhiều báo cáo còn cho thấy điều tồi tệ hơn, đầu đạn của Status-6 có thể được "làm mặn" bằng đồng vị phóng xạ Cobalt-60. Ở những khu vực bị nhiễm xạ, con người sẽ không thể sinh sống trong 100 năm.
Nga thiết kế Status-6 để đối phó với các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ, chủ yếu là tổ hợp tên lửa đánh chặn đặt trên mặt đất (GBI) ở Alaska và California.
Mặc dù GBI được Mỹ phát triển để chống lại số lượng nhỏ các tên lửa đạn đạo liên lục địa từ những quốc gia như Iran và Triều Tiên nhưng Nga cũng muốn chứng tỏ họ vẫn có thể xâm nhập được các hệ thống phòng thủ của Mỹ nếu chúng được nâng cấp đối phó với những kho vũ khí lớn hơn, mạnh hơn.
Tầm hoạt động và khối lượng đầu đạn của Status-6 khiến nó có kích thước lớn hơn các ngư lôi hiện có. Theo chuyên gia tàu ngầm H.I. Sutton, Status-6 rộng 5,5 feet và dài 79 feet, lớn gấp đôi tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava. Sutton cũng tin rằng Status-6 sẽ được chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Hải quân Nga hiện đang thử nghiệm Status-6 với một tàu ngầm lớp Sarov, loại không có bất cứ ống phóng ngư lôi nào nhưng lại mang theo các AUV vũ trang hạt nhân gắn ngoài vỏ áp lực.
Nga vô tình để lộ vũ khí hạt nhân bí mật Status-6