Quyết định đột ngột
Sáng sớm hôm 24/5, sau một loạt các cuộc gọi với các cố vấn cấp cao, Tổng thống Mỹ Donald Trump giận dữ đích thân thảo một bức thư dài 3 trang giấy gửi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 12/6.
Nhiều quan chức Mỹ tiết lộ với NBC News rằng Tổng thống Mỹ muốn là người hủy họp trước vì lo sợ người Triều Tiên có thể đoán được đường đi nước bước của mình.
"Hôm qua không hề có dấu hiệu gì về chuyện này", nguồn tin của NBC nhận định và cho rằng quyết định của ông Trump là kiểu "càng liều lĩnh, phần thưởng càng hậu hĩnh".
Trong những giờ phút trước đó, Tổng thống Mỹ đã lắng nghe những phát ngôn mạnh mẽ từ Triều Tiên, đương đầu với những tuyên bố đầy kích động của Phó Tổng thống Mike Pence và mắc kẹt giữa một bên là Ngoại trưởng của mình với bên còn lại là cố vấn an ninh quốc gia.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, các cuộc thảo luận về việc hủy bỏ thượng đỉnh đã bắt đầu từ cuối ngày 23/5, với sự tham gia của Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, tham mưu trưởng John Kelly và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis không tham gia vào cuộc thảo luận hôm 23/5 dù ông Trump cho biết, ông đã báo cho ông Mattis về chuyện đó trong một cuộc gọi sáng 24/5.
Theo các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, những cuộc điện đàm "vòng 2" trong khoảng 7-9h sáng 24/5 đã thuyết phục ông Trump từ bỏ cuộc gặp thượng đỉnh. Lá thư của ông được gửi cho Triều Tiên vào 9h43.
Quyết định xảy đến đột ngột tới mức chính quyền Mỹ không thể báo trước cho các lãnh đạo quốc hội, cũng như các đồng minh quan trọng. Lá thư được gửi khi hơn 20 phóng viên nước ngoài, bao gồm cả người Mỹ, đang ở Triều Tiên để chứng kiến vụ tháo dỡ một cơ sở thử nghiệm hạt nhân.
Bất đồng giữa các cố vấn
Lúc 8h20, Bộ Ngoại giao Mỹ còn tiết lộ cho báo giới một tin tức về những cuộc thảo luận đầy tích cực mà ông Pompeo đang thực hiện với những người đồng cấp châu Á nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh.
Động thái này cho thấy những bất đồng rõ rệt giữa các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ.
Một số quan chức trong chính quyền còn nói rằng, ông Pompeo, người giữ vị trí dẫn dắt trong hoạt động đàm phán với Triều Tiên, đổ lỗi cho ông Bolton vì làm ảnh hưởng tới những tiến triển đã đạt được. Ông Pompeo đã bay tới Bình Nhưỡng hai lần, đích thân gặp gỡ ông Kim Jong-un và góp phần vào nỗ lực trả tự do cho 3 người Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và ông Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ông Bolton, một nhân vật theo đường lối cứng rắn từng công khai vận động thay đổi chế độ ở Triều Tiên, thì kiên trì thuyết phục ông Trump rút lui khỏi cuộc thượng đỉnh.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner đã nói với các phóng viên sau một cuộc họp ở Nhà Trắng rằng ông Trump đã trực tiếp đọc lá thư cho ông Bolton.
Một nguồn tin thân cận với ông Trump thì cho biết, Tổng thống Mỹ không hài lòng với ông Pence về những phát ngôn mà ông đưa ra hồi đầu tuần này khi đe dọa ông Kim về khả năng thay đổi chế độ nếu Triều Tiên không đáp ứng các yêu cầu tiêu hủy vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, nếu đúng là Tổng thống Trump không hài lòng với Phó Tổng thống của mình, thì ông cũng không trực tiếp thể hiện ra. Người này cho rằng bình luận về "mô hình Libya" của ông Pence đáng ra đã không gây ngạc nhiên cho ông Trump.
Ông Bolton đưa ra đe dọa ấy lần đầu vào 29/4, khi ông đề cập tới Libya. Lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã bị lật đổ, với sự can thiệp của Mỹ, chỉ vài năm sau khi ông Gaddafi chấp thuận từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Những so sánh với Gaddafi đã khiến người Triều Tiên tức giận.
Ông Trump đã cố gắng sửa chữa phần nào thiệt hại vào 17/5, khi ông bác bỏ những so sánh với Libya và sau đó còn đảm bảo an ninh cho ông Kim. Tuyên bố của ông Pence đã khơi dậy sự giận dữ của người Triều Tiên và một nhân viên ngoại giao cấp cao của Bình Nhưỡng còn đáp trả bằng một lời đe dọa "đối đầu hạt nhân".
Một quan chức cấp cao tiết lộ, ông Bolton và ông Pompeo, vốn còn xa lạ với nhau kể từ khi ông Bolton gia nhập chính quyền cách đây chưa đầy 2 tháng, đã có những xung đột về cuộc thượng đỉnh ngay từ khi nó được đề xuất lần đầu tiên.
Theo quan chức này, Bộ Ngoại giao muốn giải quyết trước một số việc bằng các thỏa thuận và quyết định về những mục tiêu có thể đạt được trước khi hai ông Trump - Kim gặp gỡ.
Ông Bolton, người chịu trách nhiệm dẫn dắt nỗ lực ở phía Nhà Trắng, thì đơn phương hành động để định hình cuộc gặp. Một người thân cận với quá trình chuẩn bị cho biết, chính ông Bolton là người tác động dẫn tới quyết định hủy bỏ và ông đã thuyết phục ông Trump ra tay.
Sau đó ông Trump mới truyền đạt lại quyết định cho ông Pompeo. Pompeo hoàn toàn bị bất ngờ.
Một yếu tố khác thúc đẩy Tổng thống Mỹ là việc ông tin rằng ông Kim đang hướng tới một kết cục tương tự.
Dù vậy, một số quan chức đã chỉ ra "cánh cửa" mà ông Trump còn để ngỏ trong tuyên bố hôm 24/5 khi ông đề nghị tiến hành một hội nghị như vậy trong tương lai.