Ngày 24/5, Nhà Trắng công bố thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của Tổng thống Trump. Trong thư, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.
Trước đó cùng ngày, trước sự chứng kiến của một số phóng viên quốc tế, Bình Nhưỡng đã cho phá hủy ba hầm hạt nhân ở bãi thử Punggye-ri.
Mỹ mất nhiều hơn được
Theo ông Lữ Siêu - chuyên gia Viện nghiên cứu Khoa học xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc), trên bề nổi nguyên nhân khiến Tổng thống Trump hủy bỏ cuộc họp với Bình Nhưỡng xuất phát từ phát biểu bày tỏ sự bất mãn của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui nhưng nguyên nhân thực chất lại bắt nguồn từ phe bảo thủ có định kiến với Triều Tiên trong xã hội Mỹ như Phó Tổng thống Mike Pence, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - đều chủ trương gây áp lực lớn lên Bình Nhưỡng.
"Phe bảo thủ cứng rắn với Triều Tiên có một tư tưởng cố chấp đó là, Triều Tiên chỉ thay đổi thái độ khi chịu mối đe dọa quân sự từ Mỹ. Họ cho rằng, bản thân hội nghị Mỹ-Triều đã là một phần thưởng cho Bình Nhưỡng. Chỉ vài ngày trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ban hành một báo cáo cho rằng, phát triển vũ khí hạt nhân vẫn có thể là ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên; mặc dù bản báo cáo không có bất kỳ căn cứ nào nhưng phe bảo thủ Mỹ vẫn thổi phồng sự thật", chuyên gia Trung Quốc cho rằng - "Dưới áp lực này, Tổng thống Trump đương nhiên cũng phải đưa ra một thái độ cứng rắn".
"Mối quan hệ Triều-Mỹ vốn tồn tại trở ngại rất lớn", Viện phó Học viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh nói.
Ông này nhận định, bản thân hội nghị Triều-Mỹ vốn đã xuất hiện những yếu tố bất ngờ, trước đó ông Trump chưa thảo luận với các cộng sự và đây cũng là quyết định tạm thời của cá nhân ông Trump; điều này đồng nghĩa việc, ngay từ đầu, ông chủ Nhà Trắng đã đối mặt với sự cản trở rất lớn từ nội bộ.
"Bức thư này có khả năng đã được các cộng sự [của Tổng thống Trump] chuẩn bị từ sớm trước đó", ông Kim Xán Vinh cho rằng, từ góc độ của bên thứ ba, Triều Tiên gần đây cũng đưa ra một số hành động "thái quá" đối với phe bảo thủ Mỹ-Hàn và hai bên đều tồn tại những vấn đề riêng.
Ông Lữ Siêu đánh giá, Mỹ không thực sự sáng suốt khi hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh. Thứ nhất, đối với cá nhân Tổng thống Trump, ông sẽ không nhận được thêm sự ủng hộ từ phe bảo thủ nhưng có khả năng sẽ chịu chỉ trích mạnh mẽ từ các thế lực khác.
Trước đó, Tổng thống Trump vừa quyết định rút Mỹ khỏi hạt nhân Iran, bây giờ lại hủy bỏ hội nghị Mỹ-Triều, điều này có thể sẽ tác động tiêu cự đến sự tín nhiệm và thiện cảm của cử tri dành cho ông, Lữ nói.
Thứ hai, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Triều cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi mà đêm 22/5, Tổng thống Moon Jae-in vừa kết thúc chuyến công du Mỹ, trở về Hàn Quốc.
"Mục đích chuyến đi này của ông Moon Jae-in chính là thúc đẩy kế hoạch tổ chức hội nghị Mỹ-Triều. Những thông tin xung quanh chuyến thăm này cho thấy, hai ông Trump-Moon khi đó đã đạt được khá nhiều sự đồng thuận, Tổng thổng Hàn Quốc thậm chí còn khẳng định 'hội nghị Mỹ-Triều' chắn chắn sẽ được diễn ra. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, thể diện của Hàn Quốc nhất định sẽ bị tổn hại rất lớn", Lữ Siêu nói.
Ngoài ra, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, động thái này cũng khiến Nhà Trắng mất đi sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nhưng ông này cũng cho rằng, không thể nói việc hủy bỏ hội nghị Kim-Trump chính là sự kết thúc hoàn toàn cơ hội đối thoại song phương, trong tương lai hai nước có khả năng sẽ đứng trước ván cờ gay cấn hơn.
"Mỹ sẽ không hoàn toàn từ bỏ, để giữ thể diện, Nhà Trắng có thể sẽ đưa ra nhiều yêu cầu hơn cho phía Triều Tiên bởi Tổng thống Trump từng nói, ông không muốn thế giới nghĩ rằng, Mỹ cần hội nghị Mỹ-Triều hơn Bình Nhưỡng.
Nhưng cục diện có thể sẽ phức tạp hơn tưởng tượng của Mỹ. Triều Tiên vốn không có bất cứ tổn thất nào mà chỉ trở về điểm xuất phát; hơn nữa Triều Tiên nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế vì đã phá dỡ bãi thử hạt nhân. Tuy nhiên đối với Mỹ, quan hệ Triều-Mỹ nếu tiếp tục xuống dốc, đẩy hai nước vào tình thế giằng co thì ván cờ sẽ rất khó kết thúc", Lữ nói.
Ông Kim Xán Vinh cũng cho rằng, cục diện bán đảo chưa hẳn sẽ xấu đi: "Triều Tiên không thể nào không kiêng dè một cuộc xung đột bùng nổ với Mỹ, trong khi mối quan hệ Trung-Triều ngày càng thân thiết, ổn định cũng có khả năng làm giảm căng thẳng vấn đề hạt nhân Triều Tiên".
Ông này khẳng định, Trung Quốc sẽ phát huy đầy đủ vai trò của mình, một mặt thuyết phục Triều Tiên không đưa ra phản ứng thái quá, một mặt cảnh cáo Mỹ không nên cư xử thiếu kiềm chế.