Cuộc đua quyết định thành bại của mỗi bên vào mùa xuân?
Thời tiết lạnh giá nhưng vẫn ẩm ướt kết hợp với việc Nga tập trung củng cố lực lượng dọc các tuyến phòng thủ đã làm chậm đà tiến công của cả hai bên ở chiến trường Ukraine nhưng điều đó không có nghĩa là cường độ giao tranh đã giảm. Trái lại, xung đột vẫn diễn ra ác liệt tại một số khu vực.
Binh lính Ukraine chuẩn bị đạn pháo ở Bakhmut, khu vực Donetsk ngày 20/11/2022. Ảnh: AP
Theo 3 nguồn tin thân cận với điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga, mối quan tâm lớn của Nga trong mùa đông này là tránh để Ukraine phản công giành lại một số vùng lãnh thổ. Họ cũng dẫn ra những mối lo ngại về việc vũ khí và đạn dược được cung cấp quá chậm có thể ảnh hưởng đến việc các lực lượng của Nga đảm bảo quyền kiểm soát tại một vài nơi.
Việc bên nào cạn kiệt đạn dược và vũ khí trước có thể quyết định liệu Nga hay Ukraine sẽ giành ưu thế trong mùa xuân để chấm dứt xung đột theo các điều khoản của mình.
Theo một báo cáo vào tháng 11 của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI), có những thời điểm, Nga và Ukraine đã sử dụng tới hơn 24.000 quả đạn pháo/ngày cũng như hàng chục tên lửa tầm xa, UAV tấn công và vũ khí phòng không. Tỷ lệ sử dụng đạn pháo này cho thấy "mức độ tiêu thụ lớn hơn nhiều so với mức độ mà các đội quân của NATO có thể duy trì", Nick Reynolds, đồng tác giả của báo cáo cho hay.
"Ukraine cần được viện trợ đạn pháo liên tục. Chúng tôi cần nhiều tên lửa tầm xa hơn nữa", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay trong cuộc họp của lãnh đạo các nước G7.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng kiến hai diễn biến đáng chú ý từ giữa tháng 10, đó là khi Nga bắt đầu chiến dịch tấn công có hệ thống nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng UAV tấn công và tên lửa tầm xa. Diễn biến thứ hai là vào ngày 13/12, các quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Patriot cho Ukraine, cũng như đang chờ quá trình thông qua cuối cùng từ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thông báo về việc này có thể sẽ sớm được đưa ra.
Lục quân Mỹ cho biết lực lượng này sẽ tăng cường sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm lên 20.000 quả/tháng vào mùa xuân, so với con số 14.000 trước đó và tăng lên 40.000 qua đạn pháo/tháng vào năm 2025. Ước tính, nhu cầu sử dụng của quân đội Ukraine có thể tăng lên khoảng 100.000 quả đạn pháo/tháng. Với Nga, RUSI ước tính các lực lượng này phóng trung bình 20.000 quả đạn pháo/ngày, trong khi con số này của Ukraine là 4.000.
Đạn pháo xe tăng cũng là một mối lo ngại khác của Ukraine khi dây chuyền sản xuất cho các phương tiện thời Liên Xô khá khan hiếm. Tổng thống Zelensky đã đưa ra đề nghị khẩn cấp với phương Tây về việc cung cấp cho Ukraine các xe tăng hiện đại, một phần xuất phát từ việc các xe tăng theo tiêu chuẩn NATO sẽ có nguồn cung đạn dược sẵn sàng hơn.
Trong khi đó, tại Moscow hiện cũng xuất hiện một số mối lo ngại về việc nước này dành quá nhiều ngân sách cho các hệ thống khó có thể thay thế và không có chiến lược rõ ràng. Lo ngại này được nêu ra ngay giữa bối cảnh Nga đạt được một số thành quả ở thị trấn Bakhmut tại khu vực Donbass và các nhà máy vũ khí của nước này vẫn đang sản xuất ngày đêm.
Ước tính về kho vũ khí của Nga rất khác nhau, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin cho biết Nga đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược "nghiêm trọng". Tuy nhiên, người đứng đầu trung tâm tình báo quốc phòng của Estonia lại ước tính rằng Nga vẫn có khoảng 10 triệu quả đạn pháo trong kho và đang sản xuất với tốc độ 3,4 triệu quả đạn pháo/năm. Ông nhận định, điều đó tức là Nga có thể tiếp tục xung đột trong ít nhất 1 năm nữa.
Cơn ác mộng của Ukraine nếu kế hoạch của Nga thành công
Hiện nay, chiến dịch trên không của Nga đang làm gián đoạn nghiêm trọng các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đồng thời gây ra rủi ro của làn sóng tị nạn mới tới châu Âu khi nhiệt độ giảm dần trong mùa đông. Ngoài ra, một mối lo ngại lớn hơn với Ukraine là các cuộc tấn công tên lửa liên tục của Nga có thể làm cạn kiệt tên lửa phòng không của Kiev, tạo điều kiện để trực thăng của Nga hoạt động. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là một diễn biến thay đổi tình hình xung đột, Mykola Bielieskov, một học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia - think tank chính phủ tại Kiev cho hay.
"Mọi người đang cho rằng việc Ukraine có thể ngăn cản Nga chiếm ưu thế trên không là điều đương nhiên nhưng tình hình không phải như vậy", nhà nghiên cứu này nhận định.
Số lượng hệ thống Patriot Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine hiện vẫn chưa rõ. Dù con số đó là bao nhiêu thì việc cung cấp hệ thống này được cho là có ý nghĩa quan trọng giữa bối cảnh phương Tây cáo buộc Iran chuẩn bị cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo mà hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine không thể bắn hạ, ông Bielieskov nói.
Dù vậy, theo ông Bielieskov, hệ thống Patriot chỉ có thể đối phó phần nào với các mối đe dọa tại một số khu vực ở Ukraine. Về dài hạn, các hệ thống phòng không tầm trung như NASAMS hay các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư như F-16 mới đóng vai trò thiết yếu để chiếm ưu thế trên không.
Theo nhà quan sát Reynolds, một rủi ro nữa với Ukraine là Nga sẽ thành công trong việc đảm bảo các phòng tuyến trong suốt mùa đông, tận dụng thời gian để kết hợp với lực lượng dự bị động viên để tạo thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả, chặn mọi con đường để Ukraine giành lại lãnh thổ.
Điều đó có thể gây sức ép buộc Ukraine phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn, thậm chí cả khi một số vùng lãnh thổ của nước này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc sẽ chứng kiến một cuộc không chiến với lợi thế thuộc về Nga.
"Có một số vấn đề đang hình thành và sẽ định hình diễn biến xung đột. Đây không phải là môi trường chiến đấu bất biến", nhà nghiên cứu Reynolds đánh giá./.