Mỹ sẽ có bước đi quan trọng khi Ukraine lo Nga đánh lớn vào đầu năm 2023?

Kiều Anh |

Mỹ đang cân nhắc mở rộng hỗ trợ cho Ukraine giữa bối cảnh Kiev lo ngại Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công mới vào thủ đô Kiev sớm nhất là trong tháng 1/2023, các nguồn thạo tin cho hay.

Ukraine hối thúc phương Tây hỗ trợ vì lo Nga sắp đánh lớn

Kiev tăng cường kêu gọi phương Tây hỗ trợ giữa bối cảnh những kết quả nước này thu về đã chững lại trong khi Nga tiếp tục tấn công UAV và tên lửa vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Theo Liên Hợp Quốc, Nga đã gây tổn thất cho một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và khiến nhiều khu vực của nước này bị mất điện.

Lãnh đạo quân sự cấp cao Ukraine - Tướng Valeriy Zaluzhnyi nhận định với The Economist rằng Nga đang huy động 200.000 binh lính mới và có thể thúc đẩy cuộc tấn công nhằm vào Kiev sớm nhất là vào tháng 1. Ông đề nghị phương Tây hỗ trợ thêm cho nước này hàng trăm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và lựu pháo để đẩy lùi các lực lượng của Nga cũng như tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết những nỗ lực huy động lực lượng và việc di chuyển các vũ khí hạng nặng của Nga gần đây cho thấy Moscow có lẽ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào tháng 1 và tháng 2.

"Chúng tôi đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Không có điện, nước và ánh sáng, liệu chúng tôi có thể nói về việc chuẩn bị nguồn lực dự phòng để tiếp tục chiến đấu?", ông Zaluzhnyi cho hay.

Chỉ huy cấp cao quân đội Ukraine cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ trong một cuộc điện đàm ngày 13/12, cùng với một số quan chức Ukraine khác như Bộ trưởng Quốc phòng Oleskii Reznikov và người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak.

Mỹ cân nhắc hỗ trợ vũ khí mới cho Ukraine

Bên cạnh việc hoàn tất kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, chính quyền Mỹ cũng đang cân nhắc cung cấp thêm các vũ khí khác như Bom tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition - JDAM) có khả năng biến vũ khí không dẫn đường thành bom thông minh; cùng với Bom Đường kính nhỏ phóng từ mặt đất có thể mở rộng đáng kể tầm bắn của Ukraine, 2 quan chức Mỹ cho hay.

Mỹ sẽ có bước đi quan trọng khi Ukraine lo Nga đánh lớn vào đầu năm 2023? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: Reuters

Lầu Năm Góc ngày 15/12 cũng thông báo nước này đang mở rộng huấn luyện cho quân đội Ukraine tại một căn cứ của Mỹ ở Đức. Quân đội Mỹ hiện đang huấn luyện cho hàng trăm binh lính Ukraine mỗi tháng về cách sử dụng một số loại vũ khí. Kế hoạch mới sẽ mở rộng số lượng binh lính được huấn luyện lên 500 người/tháng và việc huấn luyện sẽ bao gồm cả cách phối hợp giữa lực lượng bộ binh và pháo binh, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho hay.

Sáng 15/12, ông Austin và ông Milley đã trả lời trước Hạ viện về tình hình ở Ukraine. Liên quan đến việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine, các quan chức Mỹ cho biết quyết định về vấn đề này chưa được đưa ra. Người phát ngôn Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia cũng từ chối bình luận.

Một vấn đề mà Mỹ có thể phải đối mặt khi cung cấp Patriot cho Ukraine là việc huấn luyện cho các binh lính Ukraine sử dụng hệ thống phức tạp này. Một tổ hợp Patriot có thể cần tới 90 binh lính vận hành và duy trì trong khi việc huấn luyện có thể kéo dài nhiều tháng. Một thành viên trong Quốc hội Mỹ cho biết Lầu Năm Góc chưa trả lời câu hỏi của các nghị sĩ về việc huấn luyện cũng như địa điểm thực hiện.

"Việc cung cấp Patriot là một vấn đề dài hạn. Ukraine chưa thể sử dụng Patriot trong 6 tháng tới. Tôi nghĩ nhất định hệ thống này sẽ được cung cấp nhưng về ngắn hạn, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAM) và một số vũ khí có khả năng đối phó với UAV”, thành viên này cho hay.

Nếu được cung cấp, Patriot sẽ là một trong những vũ khí hiện đại nhất Mỹ hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cũng đang yêu cầu các vũ khí tầm xa mới hỗ trợ các lực lượng vũ trang của nước này tấn công vào trong lãnh thổ Nga.

Mặc dù Mỹ từ chối cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên tới gần 300km, nhưng các quan chức nước này đang cân nhắc việc cung cấp Bom Đường kính Nhỏ phóng từ mặt đất có tầm bắn khoảng hơn 160km.

Các quan chức Mỹ cũng đang thảo luận về việc cung cấp Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) cho Ukraine. Máy bay chiến đấu MiG thời Liên Xô của Ukraine không thể trang bị thiết bị bom thông minh này nhưng các lực lượng Ukraine có thể điều chỉnh chúng, tương tự như cách họ điều chỉnh các máy bay chiến đấu để mang tên lửa chống bức xạ.

Ukraine cũng đang nghiên cứu các đặc điểm kỹ thuật của máy bay chiến đấu và UAV để chúng có thể mang bom chính xác. Có 2 phiên bản JDAM, một là cho phép sửa đổi bom không dẫn đường trở thành bom dẫn đường chính xác và phiên bản còn lại là mở rộng tầm hoạt động của bom tùy theo kích cỡ.

Mỹ sẽ có bước đi quan trọng khi Ukraine lo Nga đánh lớn vào đầu năm 2023? - Ảnh 2.

Bom tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition - JDAM). Ảnh: Military

Trong khi đó, việc mở rộng huấn luyện của phương Tây cho Ukraine bắt đầu sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, ông Ryder cho hay. Mỹ đã huấn luyện cho 3.100 binh lính Ukraine sử dụng các hệ thống vũ khí từ tháng 4/2022 trong khi các đồng minh của Washington huấn luyện thêm cho khoảng 12.000 binh lính Ukraine.

Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng đang thảo luận các cách thức để hỗ trợ các nhu cầu của Ukraine trên chiến trường mà không làm leo thang xung đột. Các cuộc trao đổi diễn ra giữa bối cảnh lo ngại trong chính quyền Tổng thống Biden ngày càng gia tăng trước sự mở rộng hợp tác của Tehran và Moscow.

Tuy nhiên, cho đến nay, các quan chức Mỹ vẫn từ chối đưa ra các quyết định công khai về việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, một phần là bởi Washington lo ngại điều đó sẽ khiêu khích Nga.

Cục diện chiến trường

Trong khi việc Mỹ cung cấp Patriot cho Ukraine có thể đánh dấu bước ngoặt đáng kể cho sự ủng hộ của Washington với Kiev thì việc Mỹ và đồng minh ngần ngại trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu Kiev có đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào trên chiến trường trong những tuần tới hay không.

Sau khi Ukraine tuyên bố đạt được một số thành quả đáng kể ở phía Nam và Đông Bắc vào mùa thu, hiện không bên nào đạt được nhiều tiến triển trong những tuần gần đây. Ở thành phố Kherson, các lực lượng của Ukraine cố thủ ở bờ Tây sông Dnieper trong khi quân đội Nga củng cố thành quả ở phía đối diện.

Tại khu vực Donbass, giao tranh diễn ra đặc biệt dữ dội ở Bakhmut, nơi quân đội Nga với một số lực lượng rút khỏi Kherson đang đạt được một số kết quả, một quan chức quân sự cấp cao cho hay.

Nga dường như đang di chuyển các trang thiết bị hạng nặng tới tiền tuyến ở Đông Bắc Ukraine và bắt đầu tiến hành một số cuộc tấn công hạn chế, Viện Nghiên cứu Chiến tranh đánh giá. Việc nhiệt độ giảm ở Kreminna khiến mặt đất đóng băng, cho phép xe tăng và các phương tiện dễ dàng di chuyển và chiến đấu.

"Tình hình chiến trường vẫn thay đổi không ngừng. Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến hai bên tấn công lẫn nhau để đạt được lợi thế", quan chức trên đánh giá.

Hiện chưa rõ diễn biến trên thực địa sẽ thay đổi nhịp độ chiến đấu như thế nào trong những tuần tới. Một số quan chức và chuyên gia Mỹ trước đó cho biết thời tiết mùa đông sẽ làm chững lại các cuộc tiến công và mở ra cơ hội để đàm phán.

Tuy nhiên, Ukraine muốn giành được nhiều lãnh thổ hơn ở phía Đông - một nhiệm vụ có thể trở nên thuận lợi hơn nếu nước này nhận được các vũ khí hiện đại hơn, kể cả trong điều kiện tuyết rơi.

Ukraine cũng đề nghị phương Tây hỗ trợ nước này các vũ khí tầm xa. Cho đến nay, Mỹ và châu Âu vẫn công khai tuyên bố hỗ trợ Ukaine lâu nhất có thể nhưng sức ép lên kho vũ khí và tình hình tài chính tại châu Âu - vốn đối mặt với lạm phát tăng 11%, đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về mức độ họ có thể đáp ứng các nhu cầu của Kiev, đặc biệt giữa bối cảnh xung đột không có dấu hiệu kết thúc,

Các quan chức Mỹ khẳng định, bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào giữa Nga và Ukraine đều nên do phía Ukraine dẫn dầu. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho đến nay không có bất kỳ dấu hiệu nào sẵn sàng đàm phán với Nga cho đến khi Moscow ngừng không kích các cơ sở hạ tầng và rút khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại