Cúm bùng phát, Tamiflu đội giá 3- 4 lần: Bộ Y tế khuyến cáo 5 điều cần biết để phòng cúm

Ngọc Minh |

Thời tiết Đông Xuân liên tục có sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm khiến cho dịch cúm mùa bùng phát cả ở người lớn và trẻ nhỏ.

Thuốc Tamiflu tăng giá

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương khoảng 2 tuần gần đây, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu sốt cao do mắc phải cúm. Riêng bệnh cúm trong tháng 11, có tới 500 bệnh nhi nhập viện.

Số lượng bệnh nhi mắc cúm nhiều nên việc bố mẹ tự ý đi mua thuốc Tamiflu để điều trị, khiến giá thuốc bị "loạn" và tăng chóng mặt. Giá thuốc Tamiflu đã tăng cao hơn so với giá thực tế gấp 3 đến 4 lần.

Các quầy thuốc bán lẻ hiện đang bán Tamiflu 75mg tại khu vực trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, với giá rẻ nhất là 150.000 đồng/1 viên, có quầy bán xấp xỉ 200.000 đồng/1 viên. Được biết các quầy lẻ mà tại kho thuốc thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, Tamiflu 75mg cũng đang hết dần.

Cúm bùng phát, Tamiflu đội giá 3- 4 lần: Bộ Y tế khuyến cáo 5 điều cần biết để phòng cúm - Ảnh 1.

Thuốc Tamiflu tăng giá 3-4 lần, ảnh minh hoạ.

Hiện Bệnh viện Nhi cũng đã có văn bản gửi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để có giải pháp xử lý kịp thời.

Tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc tại Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) giá thuốc Tamiflu 75mg cũng đang rất loạn giá và "cháy hàng" vì lượng tiêu thụ thời gian gần đây rất nhiều. Nếu bình thường giá thuốc Tamiflu 75mg chỉ giao động khoảng 450 đến 500.000 đồng/1 vỉ 10 viên, thì nay giá đã lên đến 1.800.000 đồng/1 vỉ 10 viên.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thuốc Tamiflu đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và được nhập theo nhu cầu của thị trường. Về tình trạng khan hiếm Tamiflu, Cục Quản lý Dược thông tin, hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện.

Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị.

Không tự ý dùng thuốc Tamiflu

PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương dù có nhiều bệnh nhân mắc cúm được chẩn đoán, nhưng chỉ những trường hợp trẻ nhỏ, có biến chứng nặng hoặc mắc cúm trên nền bệnh khác mới nhập viện điều trị.

Những bệnh nhi lớn (6-14 tuổi)được chẩn đoán mắc cúm khi tới khám sẽ được bác sĩ dẫn cách chăm sóc, cũng như cho điều trị tại nhà.

PGS Trần Minh Điển lưu ý người dân, thuốc Tamiflu 75 mg là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Cục Quản lý dược cũng khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng cúm mùa như sau:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại