Cục trưởng Cục Chống tham nhũng: "Nếu chỉ nói mà không làm được tôi sẵn sàng nghỉ ngay"

Hoàng Đan |

"Phải chấp nhận sự hy sinh nào đó để lấy cái lớn cho Quốc gia, cho Đảng. Chỉ nói mà không làm được thì tôi sẵn sàng nghỉ ngay, không vấn đề gì cả", ông Đạt nêu rõ.

Nói không làm được, sẵn sàng nghỉ

Nêu ý kiến về các giải pháp phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng, các giải pháp đều đã có khá đầy đủ nên giờ cái cần nhất là quyết tâm chính trị và sự hành động.

"Chúng ta phải chấp nhận sự hy sinh nào đó để lấy cái lớn cho quốc gia, cho Đảng, dù có hy sinh một phần nhỏ nào đó cũng phải làm. Cần phải có một quyết tâm như thế. Hy sinh ở đây là hy sinh một quyền lợi, lợi ích nhỏ nào đó về một người nào đó vì quyền, lợi ích chung.

Bây giờ tôi không làm được cục trưởng, tôi sẵn sàng nghỉ để người khác làm. Chỉ nói mà không làm được thì tôi sẵn sàng nghỉ ngay, không vấn đề gì cả", ông Đạt nêu rõ.

Ông cũng cho rằng, vừa qua chúng ta phát hiện nhiều vụ tham nhũng nhưng chỉ ở cấp xã, phường hay còn gọi là cấp cơ sở, tham nhũng nhỏ.

"Tại sao thế? Vì cấp cơ sở thì rất sát dân, chúng ta vận động quần chúng nhân dân giám sát nên người dân rất quan tâm đến vấn đề này.

Những việc diễn ra gần dân, sát dân, khi có tiêu cực đều khó không qua được tai mắt nhân dân.Tuy nhiên, những vụ việc tham nhũng được nhân dân phát hiện chỉ là nhỏ, chưa phải mức độ lớn", ông Đạt nói.

Theo ông, ở cấp tỉnh, TƯ, người dân khó tiếp cận nên việc phát hiện những tiêu cực, tham nhũng cũng khó khăn, hay nói cách khác ở cấp tỉnh, TƯ ít khi nhân dân giám sát được.

Ví dụ như một dự án TƯ đưa xuống cơ sở người dân họ chỉ biết là TƯ đưa xuống, sự minh bạch thế nào người dân không biết được. Còn những dự án nhỏ như làm đường ngõ, xóm, trạm điện, trường học... buộc phải minh bạch thì người dân biết.

Để người dân có thể phát hiện tham nhũng ở cấp tỉnh, Trung ương, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho hay, điều quan trọng là phải thực hiện quy chế giám sát, huy động người dân tham gia phát hiện tham nhũng, theo đúng cương lĩnh của Đảng là dân biết, dân làm, dân kiểm tra.

"Điều đầu tiên là phải minh bạch. Những cái gì thuộc phạm vi bí mật Quốc gia không thể minh bạch được thì thôi, còn cái gì minh bạch được thì phải minh bạch.

Nếu chúng ta chỉ huy động sức mạnh giám sát của dân mà không minh bạch, cụ thể cho dân biết thì làm sao giám sát được cái gì sai, cái gì đúng, việc này chúng ta phải khắc phục. Còn công khai minh bạch thế nào cũng phải tính", ông Đạt nhấn mạnh.

Nếu không phải bí thư thì liệu có đề bạt người nhà?

Trước câu hỏi, gần đây có những vụ bổ nhiệm cả họ làm lãnh đạo, hay bổ nhiệm lúc sắp về hưu, đó có phải là biểu hiện mới của tham nhũng, người đứng đầu Cục Chống tham nhũng cho hay, nếu khẳng định là thủ đoạn hay hình thức mới của tham nhũng thì chưa dám kết luận.

Ông Đạt cũng bày tỏ, qua những vụ việc bổ nhiệm cán bộ mà báo chí nêu, nhiều việc theo hình thức thì đúng quy trình, nhưng thực ra quy trình đó chưa phản ánh hết những cái thực chất bên trong.

"Ví dụ như lấy phiếu tín nhiệm, có người làm việc nhiều, va chạm nhiều thì phiếu thấp, có người không va chạm, nói thế nào cũng gật có khi phiếu cao.

Hay một ví dụ khác, tôi là một bí thư tỉnh ủy hay bí thư huyện ủy đề bạt mấy chục cán bộ là con em mình, theo quy trình thì đúng hết, không ai bảo sai. Nhưng đặt vấn đề nếu tôi không phải là bí thư, liệu Ban cán sự Đảng ở đó có đề bạt người nhà tôi hay đề bạt người khác cũng có trình độ tương đương", ông Đạt nêu câu hỏi.

Theo ông, đây là vấn đề mà ông cũng đang suy nghĩ và tới đây sửa Luật Phòng, chống tham nhũng phải tính đến vấn đề trách nhiệm người đứng đầu trong nhận thức về công tác cán bộ thế nào, cho tới thực hiện các quy trình, bên cạnh đó là ngăn chặn đến vấn đề lợi ích nhóm hoặc tư lợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại