Chủ nhiệm UB Tư pháp: Có hiện tượng "cả họ làm quan nhưng vẫn đúng quy trình"

Hoàng Đan |

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thời gian qua cử tri đã bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.

"Biên chế suốt đời", "có vào không có ra" tạo sức ì

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết:

Đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình.

"Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng", bà Nga nói.

Bà Nga cũng dẫn chứng lại câu chuyện tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương có 46 cán bộ thì 44 người là lãnh đạo và đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí.

Chỉ đạo người có trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, có ý kiến cho rằng, khoản 3 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành mới chỉ quy định:

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

"Nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, dẫn đến thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng "cả họ làm quan" nhưng vẫn đúng quy trình", bà Nga chỉ rõ.

Liên quan đến vấn đề này, một số cử tri đề nghị Nhà nước cũng cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu những điểm tiến bộ của Luật về hồi tỵ đã từng được một số triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng có hiệu quả.

Theo đó, luật này được đặt ra để ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu.

"Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là những ý kiến rất cần được lắng nghe, quan tâm, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ", bà Nga đề nghị.

Cùng với đó, quy định "biên chế suốt đời", "có vào không có ra", "có lên không có xuống" đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật.

Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng "dĩ hòa vi quý", "dễ mình dễ ta".

"Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để phòng chống tham nhũng còn hạn chế.

Đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn để xác định các giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới", bà Nga nêu.

Số người đứng đầu bị xử lý khi xảy ra tham nhũng ít

Sáng nay, trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.

Theo ông Sáu, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập, công khai, minh bạch còn hạn chế.

Chủ nhiệm UB Tư pháp: Có hiện tượng cả họ làm quan nhưng vẫn đúng quy trình - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Sáu. Ảnh: Tuổi trẻ.

"Chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...", ông Sáu nói.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng,

"Bệnh thành tích, né tránh trách nhiệm, bao che sai phạm trong nội bộ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn khá phổ biến…", ông Sáu nêu.

Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, theo Tổng thanh tra Chính phủ còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện mà nguyên nhân là có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý.

Từ tháng 01/10/2015 đến tháng 30/9/2016, các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng, kết luận điều tra 111 vụ, 418 bị can, hiện đang điều tra 135 vụ, 273 bị can.

Viện KSND các cấp đã truy tố 263 vụ, 634 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2015).

TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 361 vụ với 931 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 194 vụ, 441 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 47,7%.

"Đặc biệt có 5 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng", ông Sáu nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại