Đại biểu Quốc hội: "Tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa"

Hoàng Đan |

"Cán bộ có tài sản phải chứng minh trong sạch, nếu không chứng minh được phải coi do tham nhũng, không thể giải thích của ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa cho là xong chuyện".

Không thấy nói vấn đề Formosa

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội chiều nay về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ sự băn khoăn khi nghe báo cáo tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến và tính chất rất nghiêm trọng.

"Chúng ta có đầy đủ thể chế, đầy đủ công tác cán bộ, tổ chức bộ máy rất mạnh mẽ, chặt chẽ, có các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng, điều kiện cơ sở vật chất tăng cường mạnh mẽ, Đảng, Nhà nước cực kỳ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật...", đại biểu Nhưỡng đánh giá.

Ông cũng hết sức trăn trở và cho rằng phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng. Thậm chí cơ quan chống tham nhũng có khả năng bảo vệ, bao che cho tham nhũng.

Đánh giá về tình hình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, ông Nhưỡng cho rằng đây là vấn đề nhân dân rất bức xúc.

"Đây là chủ trương đúng nhưng đã bị lợi dụng bởi những lỗ hổng rất lớn, làm thất thoát tài sản nhà nước hàng ngàn tỉ đồng nhờ những mánh khoé, thủ đoạn trong lĩnh vực sử dụng đất, cố tình định giá tài sản thấp để đẩy sang tư nhân", đại biểu dẫn chứng.

Ông đề xuất, cần phải có chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời Chính phủ phải thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các Tổng công ty nhà nước

"Nhà nước đang chắc chiu từng đồng để thực hiện giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, chính sách người có công, người dân chắt chiu từng đồng cho từng bữa cơm vậy mà giờ chúng ta mất hàng ngàn tỉ thì đây là vấn đề hết nhức nhối", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Quốc hội: Tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa - Ảnh 1.

ĐB Trương Trọng Nghĩa.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM), báo cáo phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nổi lên 4 - 5 điểm nóng nhưng nóng nhất trong năm nay là tham nhũng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường lại không được nêu.

"Vệ sinh an toàn thực phẩm phần tội phạm không nêu vụ nào cả, trong khi vi phạm nêu nhiều. Xâm hại tài nguyên ngày càng nghiêm trọng có thể gây ra những thảm họa cần được báo cáo.

Đặc biệt, Formosa là vụ vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng nhưng đọc báo cáo không thấy nói tới vụ này.

Nếu tôi đọc tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật như tư liệu lịch sử của Quốc hội khóa XIV, tìm vụ Formosa không thấy", ông Nghĩa đề cập.

Công trình "ngàn tỷ đắp chiếu": "Đầu tư đúng quy trình"

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) đặt vấn đề, công tác PCTN là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không sớm được đẩy lùi thì thực sự là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ bởi lòng dân đã không yên.

"Tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố của quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt đã làm tha hóa nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích", ĐB Sinh bày tỏ.

Thêm vào đó, ngày càng phát hiện nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỷ chịu cảnh "đắp chiếu" như đạm Ninh Bình, thép Thái Nguyên... với những giải thích "đầu tư đúng quy trình" chỉ là do công nghệ lạc hậu, do xa vùng nguyên liệu…

"Nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân. Tuy vậy, thu hồi tài sản lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát.

Vậy ngàn tỷ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân chờ các câu trả lời từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc", ĐB Nguyễn Tiến Sinh nêu.

Theo ĐB Sinh, dể công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả nếu chỉ dựa vào quy định PCTN thì chưa đủ vì nó chỉ giải quyết phần ngọn.

Cho nên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật PCTN….

"Cán bộ, công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình, nếu không chứng minh được phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có, không thể giải thích qua quýt là của ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa cho là xong chuyện.

Mọi cán bộ công chức, viên chức phải chịu sự kiểm soát tài sản của mình", ông Sinh nêu.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân giám sát, có chính sách bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng.

"Không để trường hợp cá nhân vừa được vinh danh có thành tích chống tham nhũng nhưng sau đó lại trở thành tội phạm hoặc bị đối xử, điều đó đã làm giảm lòng tin của nhân dân cả công tác Phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta", ông Sinh nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại