1. Bánh mì trứng ngải cứu
Ngon, rẻ và tốt cho sức khoẻ là những ưu điểm nổi bật của món ăn bình dân này. Chỉ với 10 nghìn đồng, bạn đã có một bữa sáng nhanh gọn và chắc dạ.
Theo lời chị Hợp, chủ một quán bánh mì đông khách trên đường Trung Văn thì cách làm món này khá đơn giản. Ngải cứu nhặt lấy ngọn, rửa sạch rồi cho vào tủ lạnh từ tối hôm trước cho bớt đắng. Sáng hôm sau, ngải cứu được đem thái nhỏ. Mỗi một chiếc bánh mì sẽ có một quả trứng đánh với một nắm ngải cứu rồi đem rán trên chảo mỡ. Sau khi trứng ngải cứu chín thì cho vào trong ruột bánh mì. Cuối cùng, đem ép cả chiếc bánh mì trên chảo một lần nữa cho vỏ bánh nóng và ngấm đều dầu.
Bánh mì trứng ngải cứu không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng thông huyết, giảm đau đầu và rất thích hợp cho mùa lạnh.
2. Phở
Từ lâu, phở đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Hà Nội. Nhà văn Thạch Lam đã có những câu văn rất hay về món ăn đặc biệt này trong cuốn "Hà Nội ba sáu phố phường":
"Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò, "nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ".
Phở gồm ba thành phần chính là bánh phở, nước phở và thịt (thường là bò hoặc gà). Cách nấu phở khá phức tạp. Mỗi nhà lại có một bí quyết riêng để tạo nên nét đặc trưng của quán mình. Vì vậy, cũng là phở Hà Nội nhưng phở Thìn khác hẳn phở gánh Hàng Trống và hoàn toàn không giống với phở 10 Lý Quốc Sư. Người ăn phở không chỉ thưởng thức một món ngon mà còn để cảm nhận tình cảm, sự riêng biệt của mỗi tay người nấu.
3. Bánh cuốn
Những lớp bánh mỏng, mềm, ướt tan ngọt ngào trong miệng là những ấn tượng khó phai khi người ta nghĩ về món bánh cuốn.
Bánh cuốn gồm những miếng bánh mỏng làm từ bột gạo, ăn với nước chấm pha đường, chanh, tỏi, ớt và một ít nộm su hào. Thực khách có thể lựa chọn ăn kèm bánh cuốn với chả nướng, chả quế hay giò lụa để tăng thêm phần hấp dẫn.
Bánh cuốn chủ yếu được làm từ bột gạo tẻ xay ướt. Sau đó, người bán hàng sẽ tráng chín bánh bằng hơi rồi cuộn với nhân gồm thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương đã được chuẩn bị sẵn. Cách tráng bánh tưởng chừng đơn giản nhưng yêu cầu một kĩ năng thành thục để bánh đủ chín và không bị rách mỗi khi cuộn lên.
4. Cơm nắm muối vừng
Đơn giản, dễ làm, rẻ tiền, chắc bụng, để được lâu là những ưu điểm vượt trội của món cơm nắm muối vừng. Món ăn này ngày xưa được các gia đình nông dân làm từ buổi tối để dành cho bữa sáng hôm sau hoặc để ăn đường khi phải đi xa. Ngày nay, người Hà Nội thường mua cơm nắm muối vừng trên vỉa hè, do những người từ các miền quê ra bán.
Cách làm món ăn này khá đơn giản. Gạo làm cơm nắm được xát 3 lần để đảm bảo độ trắng. Cơm nấu hơi nát một chút cho dễ nắm. Khi nắm cơm, người làm sẽ bọc chúng trong một tấm vải trắng, vừa nắm vừa xoay cho miếng cơm tròn đều, chú ý phải dùng lực vừa đủ để miếng cơm nắm được chặt tay.
Mỗi suất cơm nắm kèm muối lạc có giá 5 nghìn đồng, hoặc là 7 nghìn đồng nếu có thêm ruốc. Cơm nắm là một lựa chọn tốt cho người có ít thời gian và rất tiện để mang đi.
5. Bún riêu cua
Không nóng và chắc bụng như phở, bún riêu cua ấm áp, ngọt ngào và mang lại cảm giác thanh nhẹ cho người thưởng thức. Sau khi tập thể dục, ngồi bên quán vỉa hè, húp tô bún nóng hổi, đó là cách khởi đầu ngày mới đầy lành mạnh của người Hà Nội.
Bún riêu cua bao gồm bún, cua đồng giã nhỏ, đậu rán, cà chua, hành lá, giấm bỗng và có thể thêm một chút mắm tôm. Khi ăn, một ít rau sống và thân cây chuối non thái nhỏ sẽ làm cho món ăn cân bằng và hoàn hảo hơn.
Cách nấu bún riêu cua không quá phức tạp nên mỗi bà nội trợ có thể dậy sớm, làm món này để dành tặng những người thân yêu.
Giá bún riêu cua khá rẻ, dao động từ 10 nghìn cho bát bún riêu không đến 20 nghìn cho một tô bún kèm thịt bò hay giò chả.
6. Trứng vịt lộn
Làm kinh hãi người phương Tây nhưng trứng vịt lộn lại là món khoái khẩu của không ít người Việt. Ở Hà Nội, trứng vịt lộn được coi là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh.
Trứng vịt lộn là trứng vịt thường được đem ấp từ 19 đến 21 ngày. Sau đó, trứng được rửa sạch, đem luộc trong nước khoảng 20 phút là chín. Người bán hàng luôn giữ nóng trứng để đảm bảo ngon hơn.
Trứng vịt lộn có tính hàn nên người ta thường ăn kèm với gừng, rau răm (có tính nóng) để cân bằng. Theo Đông y, trứng vịt lộn có thể dùng để chữa thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt…
Trứng vịt lộn thường được bán với giá 6 nghìn đồng một quả.
7. Xôi
Nguyên liệu chính đơn giản là gạo nếp nhưng cách kết hợp, chế biến làm cho xôi trở thành một món ăn đa dạng, phong phú với hàng chục, thậm chí vài chục loại khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể tạm quy xôi thành hai nhóm chính: Xôi trắng ăn kèm với thịt, trứng, xúc xích; và xôi nấu với đỗ, lạc, ngô…
Nếu như xôi trứng, xôi thịt thường được bán ở các quán ăn với giá từ 10 đến 30 nghìn thì các loại xôi xéo, xôi ngô, xôi đỗ thường được bán ở vỉa hè hoặc bán rao với giá từ 5 đến 10 nghìn đồng.
Xôi là món bình dân, dễ ăn, dễ mang theo từ lâu đã trở thành món ăn sáng quen thuộc của người Hà Nội.
8. Ngô luộc
Chỉ từ 5 đến 6 nghìn đồng, bạn đã có thể mua được một bắp ngô nếp luộc ngọt mềm và nóng hổi cho bữa sáng.
Trước đây, ngô chủ yếu lấy từ bãi giữa sông Hồng và các huyện ngoại thành. Nhưng ngày nay, đất nông nghiệp hạn chế nên ngô chủ yếu được nhập từ các tỉnh lân cận Hà Nội.
Để tăng độ ngọt cho mỗi bắp ngô, khi luộc, người bán thường cho thêm những thanh mía chẻ nhỏ.
Bên cạnh ngô nếp, các bạn có thể lựa chọn ngô ngọt với bắp lớn hơn và có giá đắt hơn khoảng 2-3 nghìn đồng so với ngô nếp.
9. Bún ốc
Bún ốc là một đặc sản ẩm thực của người Hà Nội. Nguyên liệu chính làm nên món ăn này là bún rối, ốc nhồi (hoặc ốc bươu) và nước dùng. Gia vị có cà chua, hành hoa, rau thơm và đặc biệt không thể thiếu giấm bỗng để tạo vị chua.
Khác với bún ốc miền Nam với đầy những tiết, đậu, chả cùng vị chua gắt của nước me thì bún ốc Hà Nội có vị thanh, vị ngọt, mùi thơm hết sức nhẹ nhàng.
10. Bánh giò
Bánh giò được làm bột gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ... xay cùng rất nhiều gia vị khác. Do cách làm bánh phức tạp, qua nhiều công đoạn nên hầu hết các hàng bánh giò không tự làm mà đều nhập từ các cơ sở sản xuất.
Bánh giò nóng thường ăn kèm với tương ớt hoặc xì dầu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ăn thêm với một chút dưa chuột muối để giảm vị ngấy. Giá của món quà sáng này khá rẻ, chỉ từ 8 đến 10 nghìn đồng.