2 năm uống thuốc nam
Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã mổ thành công cho trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp cao tuổi. Cụ bà Nguyễn Thanh Hương (80 tuổi, Đà Nẵng) cách đây 2 năm, đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp thể nhú tại một bệnh viện ở TP.HCM.
Tuy nhiên, do bệnh nhân tuổi, bác sĩ đã khuyên không phẫu thuật để tránh nguy cơ tai biến. Cụ bà đã được gia đình đưa về uống thuốc nam và dùng thực phẩm chức năng nhưng bệnh diễn biến xấu lên.
Gầy đây, khối bướu của bà cụ to lên khiến không thể ăn uống, khó thở nên đã nhờ gia đình đưa tới bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khám.
Khối u của cụ Hương, ảnh BSCC.
Chị Khánh Huyền (con gái ruột của cụ Hương cho biết), mẹ chị trước đó rất khỏe vẫn có thể đạp xe, làm việc nhà, không mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp.
"Mẹ phát hiện ra bệnh khi có một dãy hạch ở cổ bác sĩ tại bệnh viện Đà Nẵng chẩn đoán K giáp và khuyên phẫu thuật sớm. Tuy nhiên, gia đình tôi không yên tâm đã đưa mẹ vào Hồ Chí Minh để khám kết quả mẹ bị ung thư.
Bác sĩ tại bệnh viện ở Hồ Chí Minh đã khuyên gia đình không nên mổ vì tuổi mẹ đã cao sẽ không thể chịu được cuộc mổ kéo dài 5 tiếng cắt khối u và nạo vét hạch.", chị Huyền nói.
Sau đó, chị gia đình chị Huyền quyết định không mổ về nhà uống thuốc thuốc nam, lá đu đủ, uống thực phẩm chức năng. Sau 2 năm khối u phát triển lớn khiến cho mẹ chị Huyền đau nhức không thể ngủ được.
Theo chị Huyền trong suốt 2 năm đó dù biết mắc bệnh ung thư nhưng mẹ chị vẫn luôn vui vẻ, sống hưởng thụ cuộc sống bên con cái. Tuy nhiên, thời gian đây khối của mẹ lớn lên nhanh bất thường, đau nhiều khiến gia đình rất lo lắng.
"Mẹ tôi tuy đã 80 tuổi nhưng tinh thần khá minh mẫn bà vẫn tự quyết định được mọi thứ. Khi bệnh ung thư phát triển nhanh đau nhiều mẹ đã đề nghị với các con đưa mình đi khám, mục đích hỏi bác sĩ liệu còn có cơ hội phẫu thuật được khối u đi hay không?
Chúng tôi đã tính đến phương án nếu mẹ muốn mổ sẽ mời bác sĩ nước ngoài về mổ. Rất may mắn khi tôi đưa mẹ tới bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bác sĩ đã nói cơ hội phẫu thuật của mẹ vẫn còn.
Bác sĩ khuyến khích gia đình tôi nên mổ cơ hội cho mẹ tôi là 50-50. Cuối cùng gia đình tôi đã quyết định mổ cho mẹ vì nếu không may mẹ ra đi ngay trong cuộc mổ thì cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều ung thư ở giai đoạn cuối".
Kết quả cuộc mổ đã thành công ngoài sức tưởng tượng của gia đình chị Huyền, mẹ chị sau mổ 1 ngày đã tỉnh và có thể đi lại nhẹ nhàng.
Hiện nay, sức khỏe của bác Hương hồi phục khá tốt có thể đi lại được và đang tập uống sữa, ăn uống vẫn phải duy trì qua đường xông.
"Lần tái khám mới đây mẹ vẫn leo 3 tầng cầu thang bộ, thấy sức khỏe mẹ như vậy tôi cũng mừng", chị Huyền chia sẻ.
Gây mê hồi sức rất quan trọng
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoà, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bệnh nhân đến trong tình trạng khá nặng, nhưng tinh thần của bệnh nhân rất kiên cường và lạc quan.
Chính nhờ tinh thần tích cực của bệnh nhân đã khiến cho đội ngũ ê kíp được truyền thêm cảm hứng, năng lượng tích cực để cùng bệnh nhân vượt qua khó khăn.
Bác sĩ Hòa khuyến cáo người dân thói quen tự khám tuyến giáp cho mình, ảnh BSCC.
Sau gần một tuần hội chẩn đánh giá thể trạng của bệnh nhân, tính toán mọi phương án từ gây mê, phẫu thuật đến quá trình hồi sức, ê kíp nhận thấy tiên lượng phẫu thuật sẽ tốt hơn cho bệnh nhân.
Ê kíp phẫu thuật đã quyết định mổ giải thoát khối ung thư "khổng lồ" cho cụ bà. Khối u phẫu thuật lấy ra khối lượng nặng tới 500grm.
Sau gần 2 tháng phẫu thuật bệnh nhân và đã xuất viện về chăm sóc tại nhà.
Bác sĩ Hữu Hoà cho biết: "Đây là một trường hợp ca bệnh gặp vô vàn khó khăn về tuổi cao, thể trạng yếu, bướu lớn, dính và xâm lấn khí quản, thanh quản, thực quản, thần kinh hồi thanh quản, bó mạch máu lớn vùng cổ…
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của bác sĩ phẫu thuật, gây mê, hồi sức bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bệnh nhân đã được phẫu thuật và dần hồi phục tốt.
Sự hồi phục của bệnh nhân có được là công lao lớn của quá trình hồi sức sau mổ và hậu phẫu tốt".
Qua trường hợp của bệnh nhân này bác sĩ Hữu Hoà lưu ý, bệnh nhân ung thư tuyến giáp khi phát hiện bệnh cần điều trị sớm tránh để khối u to khó khăn cho quá trình điều trị sau này.
Đối với những bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp lớn tuổi đi khám nếu bị từ chối điều trị cũng không nên bỏ cuộc. Bởi vì, nơi khám ban đầu chưa chắc là nơi cuối cùng.
"Mỗi người nên có thói quen tự khám tuyến giáp cho mình bằng cách đứng trước gương uống một ngụm nước và quan sát cổ mình.
Nếu thấy có u cục bất thường chạy lên chạy xuống, bệnh nhân nên đi khám sớm", hoặc bác sĩ sẽ khám tuyến giáp và hạch cổ khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ Hữu Hoà nói.
Ngoài ra, theo các khuyến cáo trên thế giới, không nên tầm soát ung thư tuyến giáp trong dân số chung khi không sờ thấy nhân giáp hoặc không có triệu chứng vùng cổ.
(Tên bệnh nhân đã được thay đổi)