Cứ 20 giây lại có người mất chân vì bệnh này, bạn đừng coi thường

Ngọc Anh |

Khi bác sĩ vừa cậy lớp da bùng nhùng ở vết thương thì cả một mảng thịt bốc mùi rơi xuống, vết loét to như cả nắm tay ở gan bàn chân. Ông phải cắt bỏ chân vì biến chứng tiểu đường.

Ngỡ ngàng phút chốc mất chân do thiếu hiểu biết

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoa Chăm sóc bàn chân của Bệnh viện này luôn đông bệnh nhân đến khám và điều trị do biến chứng bàn chân.

Ông Nguyễn Văn Ch. quê Thanh Hà, Hải Dương đến bệnh viện với chân phải băng bó kín chặt. Ông Ch. cho biết, ông không biết mình bị bệnh đái tháo đường từ khi nào, sức khoẻ của ông vẫn rất tốt, ăn uống khoẻ, ngủ cũng khoẻ nên chủ quan không đi kiểm tra sức khoẻ bao giờ.

Từ tháng 7, ông thấy chân mình có một nốt chai ở chân, đi lại thấy vướng khó chịu. Vết chai rắn cứng nên ông lấy con dao lam cậy vết chai chân đi và ngâm nước muối.

Tuy nhiên, vết chai chân nhỏ tý mãi không liền sẹo mà dịch ngày chảy ra càng nhiều. Ông Ch. không biết bệnh gì nên mua thuốc kháng sinh về uống và rửa bằng oxy già. Càng ngày vết chân càng loét và không gây đau.

Cứ 20 giây lại có người mất chân vì bệnh này, bạn đừng coi thường - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Ông ấn vào vết thương thấy phập phồng và có mùi khó chịu. Sau đó, ông tới Bệnh viện tỉnh khám nhưng bác sĩ chỉ kê đơn thuốc về uống không khỏi. Ông Ch.lên Hà Nội khám. Bác sĩ vừa khám đã chẩn đoán biến chứng do đái tháo đường và giới thiệu ông xuống ngay Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều trị.

Khi nghe bệnh đái tháo đường biến chứng, ông Ch. rất sốc bởi ông có biết bệnh nào đâu mà biến chứng. Khi bác sĩ vừa cậy lớp da bùng nhùng ở vết thương thì cả một mảng thịt bốc mùi rơi xuống, vết loét to như cả nắm tay ở gan bàn chân. Bác sĩ cho biết, ông phải cắt bỏ chân vì biến chứng tiểu đường không thể phục hồi được.

Còn bà Nguyễn Thị M. Thanh Oai, Hà Nội cũng bị vết chai ở gót chân. Đến nay gót chân bà vẫn mang theo cả ống dẫn lưu vì dịch luôn chảy ra từ gót chân. Bà M. cho biết, bà may mắn nên không phải cắt bỏ chân, chứ bệnh nhân ở đây nhiều người phải cắt bỏ chân lắm, đặc biệt có những người phải tháo khớp lên đến tận gối mà không hề biết mình bị tiểu đường.

Bà M. phát hiện bệnh tiểu đường 4 năm nay, dù chăm sóc bàn chân kỹ nhưng bà cũng vẫn mắc biến chứng này. Bà M thốt lên "khi bị vết xước nó loét nhanh lắm chỉ 1 tuần vết loét đã to như quả trứng rồi, chậm vài hôm là mất cả bàn chân".

Cứ 20 giây lại có người mất chân vì tiểu đường

Nói về bệnh đái tháo đường, PGS Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết bệnh đái tháo đường là căn bệnh của cuộc sống hiện đại và gia tăng mới mức độ chóng mặt. PSG Bình cho biết những năm 80 –đầu 90 của thế kỷ trước, rất ít trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2. Nhưng đến giờ ai cũng thấy đây là căn bệnh âm thầm phát triển rất nhanh.

Theo tài liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới - IFD, năm 2015 Việt Nam, ở lứa tuổi từ 20 đến 79, có 3,5 triệu người bị đái tháo đường, 1,8 triệu người đái tháo đường chưa được chẩn đoán và 53.000 người tử vong do bệnh đái tháo đường.

Trên toàn thế giới có 415 triệu người bị bệnh đái tháo đường. Có nghĩa là, cứ 11 người có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Dự đoán con số này tới năm 2040 sẽ là 642 triệu người. Như vậy cứ 10 người thì có 1 người bị đái tháo đường.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới cứ 20 giây có một bệnh nhân bị cắt cụt đoạn chi do đái tháo đường.

Cứ 20 giây lại có người mất chân vì bệnh này, bạn đừng coi thường - Ảnh 2.

Các biến chứng do đái tháo đường

Tại Việt Nam, tỷ lệ cắt cụt đoạn chi do đái tháo đường cũng tăng nhanh trong những năm gần đây. Nhiều bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nội tiết TW khi đã có biến chứng rất nặng.

Do vậy, giáo dục viên đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục người bệnh đái tháo đường biết cách tự chăm sóc bàn chân và phát hiện sớm những biến chứng bàn chân góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ cắt cụt đoạn chi cũng như gánh nặng kinh tế, tinh thân mà mỗi bệnh nhân sẽ phải gánh chịu.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện - khoa Chăm sóc bàn chân – Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, khoa thường có 40 – 50 bệnh nhân bị biến chứng bàn chân.

Hầu như những bệnh nhân đều tới viện với những vết thương đã bốc mùi thối, lở loét, nhìn rất kinh khủng nhưng các bác sĩ vẫn chăm sóc kỹ để cứu lấy bàn chân của các bệnh nhân. Tuy nhiên, còn nhiều bệnh nhân đến viện muộn khi vết loét đã nặng bác sĩ đành phải cắt bỏ chân.

Biểu hiện biến chứng bàn chân thường xuất hiện ở vùng chịu nhiều áp lực dưới bàn chân. Ở những vị trí này, vết chai chân dễ hình thành và phát triển; rồi thiếu máu thêm vào đó sẽ hình thành ổ loét và hoại tử. Mép ổ loét do tổn thương thần kinh thường dày; nền vết loét có mô hạt màu đỏ; dịch tiêt từ ít đến trung bình. Bệnh nhân bị mất cảm giác đau.

Để phòng biến chứng bàn chân, bác sĩ khuyên bệnh nhân cần quan sát bàn chân của mình mỗi ngày. Họ có thể chọn nơi có đầy đủ ánh sáng để quan sát kỹ bàn chân và các kẽ ngón chân xem có vết xước, vết phồng rộp, vết thâm, cục chai chân hay vết đau… nào không?

Nếu bệnh nhân không cúi xuống để nhìn bàn chân của mình được, bệnh nhân nên sử dụng một cái gương để quan sát lòng bàn chân hoặc nhờ người thân trong gia đình hoặc người thân chăm sóc.

Dể phòng biến chứng ở bàn chân, bệnh nhân nên rửa kỹ bàn chân và kẽ ngón chân (Dùng bọt biển hoặc khăn mềm rửa thật nhẹ nhàng). Rử̉a bằng nước ấm và xà bông trung tính. Không ngâm chân quá 5 phút.

Tránh sử dụng nước nóng, không sưởi ấm chân bằng các phương pháp như sưởi bằng lò than, sưởi bằng viên gạch nung nóng; không dùng nước nóng để xông hơi bàn chân hoặc ngâm chân; không đốt lá ngải hơ chân; tắt chăn điện…vì dễ gây bỏng. Nếu chân có sẹo phải tới bác sĩ chứ không tự ý cắt, cậy sẹo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại