Con số khiến nhiều người giật mình: 30% người Việt mắc rối loạn tâm thần

Ngọc Anh |

Bệnh trầm cảm chưa được quan tâm đúng mức, để lại hậu quả nặng nề khiến bệnh nhân chỉ muốn tìm đến cái chết. Có chuyên gia từng khẳng định trầm cảm còn đau đớn hơn cả ung thư.

Trầm cảm vì chia tay người yêu

TS. Tô Thanh Phương - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I cho biết, bệnh trầm cảm cực kỳ nguy hiểm và người bị bệnh đó cảm thấy đau đớn hơn cả bệnh ung thư. Bị ung thư họ vẫn cố chiến đấu để sống, còn với bệnh nhân trầm cảm họ chỉ muốn chết để giải thoát những đau đớn mà không ai có thể biết được.

Chính vì thế, TS Phương khuyên, đã đến lúc chúng ta nên quan tâm tới sức khoẻ tâm thần của mình và khi có dấu hiệu cần đến bác sĩ ngay.

Ông Nguyễn Văn T. 79 tuổi, Hà Nội được người nhà đưa vào khoa cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai.

Khi vào viện, người bệnh hoàn toàn im lặng không nói năng gì cả, người nhà cho biết, bệnh nhân có 1 bệnh sử lâu dài về trầm cảm. Gần đây, ông T thường xuyên khóc và than phiền về sự sụt giảm thể lực, gầy sút 3kg trong 3 tuần. Đêm bệnh nhân ngủ ít, mệt mỏi nhiều.

Cách vào viện 3 ngày, bệnh nhân buồn chán nói với người nhà về cái chết, xin lỗi vì đã làm khổ họ, khóc nhiều. Ông T thường im lặng và không chịu ăn bất cứ thứ gì, kể cả việc uống nước để tìm đến cái chết.

Gia đình đưa bệnh nhân vào khoa Cấp cứu, sau khi được truyền bù nước và lưu trú lại trong khoa cấp cứu rồi tiếp tục làm thủ tục nhập Viện sức khỏe tâm thần để nội trú điều trị.

Hay như trường hợp của em Nguyễn Hoài Th. 21 tuổi, đang là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội. Sau khi chia tay người yêu, Th rơi vào trạng thái mất ngủ, mỗi đêm em ngủ được khoảng 3 – 4 tiếng.

Người nhà của em Th. cho biết, em lúc nào cũng thấy buồn bã, chán ăn và gầy sút 4kg trong 6 tuần. Th. cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học và cũng không muốn làm việc gì. Không ăn, không ngủ được, Th. hay ngồi khóc, và cảm giác cuộc sống của mình không còn có ý nghĩa, cô bé hay bị cáu gắt và giận dữ.

Con số khiến nhiều người giật mình: 30% người Việt mắc rối loạn tâm thần - Ảnh 1.

Việc điều trị trầm cảm cần thời gian rất dài

Nhiều lần Th. nói với mẹ là không muốn sống nữa, muốn chết để không phải đau khổ như hiện tại. Bố mẹ Th. lo lắng quá đưa cô vào viện khám. Bác sĩ chẩn đoán Th. bị trầm cảm, không có dấu hiệu loạn thần nhưng có ý nghĩ tự sát.

Theo TS Dương Minh Tâm – Viện Sức khoẻ Tâm Thần Quốc gia, mỗi ngày anh khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân và số bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm rất nhiều.

TS Tâm cho biết, phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm, nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm còn bị kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể nên đến khám tại các chuyên khoa khác trước khi đến khám tại chuyên khoa tâm thần.

Vì vậy, phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị.

Con số khiến nhiều người giật mình: 30% người Việt mắc rối loạn tâm thần - Ảnh 2.

30% người Việt bị rối loạn tâm thần

Cùng quan điểm này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia cho biết tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng ngày càng được nâng cao, người dân đã tìm hiểu và đến khám, điều trị ngày càng nhiều.

Bệnh nhân có dấu hiệu như cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì, cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng, mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu gắt, giận dữ, giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày.

Không những thế, bệnh nhân còn mắc chứng giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều, nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Hậu quả mà căn bệnh này để lại hết sức nặng nề, đó là mất khả năng lao động, học tập và sáng tạo, nguy hiểm nhất là tỷ lệ người mắc tìm cách tự sát cao. Tại Việt Nam mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm khoảng từ 36.000 - 40.000 người.

Đã có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân phát sinh bệnh trầm cảm, nhưng cho đến nay giới y học vẫn chưa khẳng định được đâu là nguyên nhân chính.

Song người ta phát hiện các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trầm cảm, đó là bệnh xuất hiện sau các sự kiện phức tạp của cuộc sống như: Học tập quá căng thẳng không có thời gian nghỉ ngơi, thi trượt, thất bại trong tình yêu, hoặc phải sống trong môi trường căng thẳng về tâm lý như bạo lực gia đình, bố mẹ ly hôn, không hề quan tâm đến những tâm sự của con cái.

Ở một bộ phận người trẻ tuổi có cuộc sống thiếu lành mạnh như: Ngày đêm vùi đầu vào các trò chơi điện tử (game online), dùng chất kích thích... cũng là nguyên nhân phát bệnh trầm cảm.

Khi gặp bệnh nhân trầm cảm, với những bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần nhận biết được sớm các dấu hiệu trầm cảm ở bệnh nhân. Từ đó tư vấn và giới thiệu bệnh nhân đến khám tại các cơ sở điều trị chuyên khoa tâm thần để bệnh nhân được điều trị sớm, tích cực, hiệu quả nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại