'Còn người là còn của': Quyết liệt cầm cự Covid-19 đến cuối tháng Tư, chúng ta sẽ thắng!

PGS.TS Nguyễn Huy Nga |

"Nếu chúng ta quyết liệt cầm cự, khống chế bùng phát cộng đồng được đến cuối tháng Tư thì chúng ta sẽ thắng" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

Ngày 21/3, trên mạng xã hội Lotus.vn xuất hiện bài viết tâm huyết, chỉ ra cơ hội và thách thức của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 với tựa đề: Trân quý từng sinh sinh mạng của người dân.

Bài viết sau đó đã được chia sẻ trên Group Dịch Corona: Bình Tĩnh Sống và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng này. Chúng tôi xin đăng tải lại một phần của bài viết này.

Mời quý độc giả đặt câu hỏi cho PGS.TS Nguyễn Huy Nga tại đây.

Thời gian vừa qua những thông tin về một số quốc gia ở Châu Âu đang lên kế hoạch áp dụng chiến thuật “miễn dịch cộng đồng” trong thời gian chờ vacxin. Tôi xin chia sẻ quan điểm của mình về việc này trong bài viết dưới đây.

Quan điểm miễn dịch cộng đồng (hay còn gọi là "miễn dịch bầy đàn") hiện nay các nước phương Tây đang áp dụng hoặc đã thử áp dụng mà chúng ta được biết qua các kênh truyền thông theo tôi là một quan điểm đáng phê phán. Việc này thể hiện sự tiêu cực, thiếu tính chiến đấu ngay từ đầu với thái độ buông tay "để xem con tạo xoay vần đến đâu". Nó khác hẳn với quan điểm Việt Nam đang áp dụng là "chống dịch như chống giặc".

Quan điểm này theo tôi cũng thiếu tính nhân đạo, thiếu tính trách nhiệm với công dân của nước mình, vì nhiều người yếu thế trong xã hội (người già, người hay đau ốm, người nghèo) sẽ ở vào cảnh vô cùng nguy hiểm.  

Thêm vào đó, đã ai khẳng định được sự miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bao lâu thì sẽ xảy ra? Bao nhiêu phần trăm dân số thiệt mạng thì sẽ đạt được? Cũng chưa có tài liệu nào nói sự miễn dịch cá thể sẽ dài bao lâu, chứ chưa nói đến miễn dịch cộng đồng.

Vì vậy, tôi bảo vệ quan điểm là phải chủ động phòng chống, bao vây, cô lập nguồn bệnh và trân quý từng sinh mạng của người dân, dẫu đó là người già hay trẻ, khỏe hay ốm đau, thậm chí những người đang mang bệnh hiểm nghèo. 

Như cha ông ta đã từng dạy: "Còn người là còn của", và tôi tin hầu hết công dân nước ta đều ủng hộ quan điểm này.

Đứng trước thực tế là lượng người từ châu Âu về Việt Nam trong những ngày vừa qua tăng mạnh đến gần 10.000 người, dẫn đến số ca nhiễm bệnh cũng tăng nhanh, theo đó, Việt Nam đang khẩn trương mở rộng các cơ sở cách ly, tăng cường sinh viên Y khoa tại các cảng hàng không quốc tế… 

Còn người là còn của: Quyết liệt cầm cự Covid-19 đến cuối tháng Tư, chúng ta sẽ thắng! - Ảnh 2.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, có thể nói chúng ta đang ở cuối "giai đoạn vàng", kề cận giai đoạn cam go, quyết liệt hơn, nếu không nói là "một mất một còn". Vì cho đến thời điểm này vẫn chưa có một chùm ca bệnh điển hình cho sự bùng phát cộng đồng, mà chủ yếu là các ca nhập cảnh hoặc đã được đưa cách ly tập trung, hoặc phát hiện sớm. 

Tuy nhiên, sẽ có nhiều người nhập cảnh vào Việt Nam mang trong mình virus của bệnh dịch. Những người đó sớm muộn cũng có thể lọt vào cộng đồng và làm mầm mống cho sự bùng phát cộng đồng.

Chúng ta phải quyết liệt, vận dụng mọi kinh nghiệm và nguồn lực để khống chế ngay từ đầu biểu hiện của bất kỳ một mầm mống lây lan cộng đồng nào, giống như bài học Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Hiện tại chúng ta đã có quyết định rất dũng cảm là đóng cửa nhập cảnh, ngưng mọi hoạt động cộng đồng đông người để ngăn ngừa sự phát tán của virus. 

Nếu chúng ta quyết liệt cầm cự, khống chế bùng phát cộng đồng được đến cuối tháng Tư thì chúng ta sẽ thắng.

Còn người là còn của: Quyết liệt cầm cự Covid-19 đến cuối tháng Tư, chúng ta sẽ thắng! - Ảnh 3.

Với tinh thần chống dịch như chống giặc đang lên cao, từ lãnh đạo cho đến người dân thường, chưa hề có sự hoảng loạn và đang tuyệt đối tin tưởng vào sự chèo lái của các cấp chính quyền và sự chuyên nghiệp của ngành y tế, có thể nói thời gian này là cơ hội quý giá để chúng ta chặn đứng sự lây lan rộng trong cộng đồng.

Còn người là còn của: Quyết liệt cầm cự Covid-19 đến cuối tháng Tư, chúng ta sẽ thắng! - Ảnh 5.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại