Boeing 737 là dòng máy bay thương mại phổ biến nhất mọi thời đại. Sau hơn 50 năm kể từ ngày chính thức gia nhập dịch vụ vận chuyển hành khách với hãng Lufthansa (Đức) vào năm 1968, Boeing 737 đạt mốc 10.000 chiếc xuất xưởng vào ngày 13-3-2018.
Thành công không tưởng
Thành công của dòng Boeing 737 là điều chẳng ai ngờ khi nó được công bố vào năm 1967. Cựu phi công Brien Wygle, 93 tuổi, nói: "Không ai đoán được dòng Boeing 737 lại thành công đến thế".
Máy bay Boeing 737 Max 8 vốn được nhiều hãng hàng không trên thế giới ưa chuộng nhờ tiết giảm nhiên liệu Ảnh: REUTERS
Sau lễ ra mắt dòng máy bay 737-100, Boeing chỉ nhận được tổng cộng 30 đơn đặt hàng, một khởi đầu gây thất vọng. Sau đó, bản kế nhiệm 737-200 đầu tiên được hãng hàng không United Airlines (Mỹ) khai thác vào tháng 4-1968 và lập tức... trúng quả ngọt đầu mùa: 105 chiếc được bàn giao vào năm 1968; 114 chiếc vào năm 1969. Nhưng kể từ đó đến năm 1973, 737-200 rơi vào cảnh ế ẩm với chỉ 23 chiếc bán được.
Ông Bjorn Kjos, Giám đốc điều hành của Norwegian Airlines, tuyên bố sẽ yêu cầu Boeing đền bù thiệt hại Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào đầu những năm 1980 khi Boeing công bố mẫu 737-300, với khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn trong khi động cơ "êm" và "mạnh" hơn. Tính riêng năm 1985, 737-300 mang về 252 đơn hàng cho Boeing. Trong giai đoạn 1985-1994, mỗi năm Boeing đều bán được hơn 100 chiếc 737-300 và đến năm 1999, tổng cộng hơn 1.000 chiếc đã được sản xuất.
Sau thành công của 737-300, Boeing công bố lần lượt 2 bản kế nhiệm 737-400 và 500, nền móng của dòng 737 "thế hệ tiếp theo" (737NG), bao gồm các phiên bản 737-600, 700, 800 và 900 với nhiều cải tiến ấn tượng.
Trong khi 737-100 chỉ chở được 100 khách trong quãng đường 1.850 km, 737NG có khả năng chở gần 200 khách trong quãng đường gần gấp đôi. Với sức chở và tầm bay trung bình, bên cạnh độ tin cậy và hiệu quả cao, dòng 737 thân hẹp này là lựa chọn hoàn hảo của các hãng hàng không giá rẻ.
Tiếp nối thành công của 737NG, Boeing ra mắt dòng kế nhiệm thứ tư 737 Max vào năm 2011 với hàng loạt nâng cấp về động cơ, khả năng tiết kiệm nhiên liệu và hệ thống tự động. Sau lễ công bố dòng 737 Max gồm 4 phiên bản được phân loại theo số 7, 8, 9 và 10 vào năm 2011, tính đến ngày 28-2-2019, Boeing nhận được hơn 5.000 đơn đặt hàng từ hơn 100 hãng hàng không trên toàn thế giới. "Chúng tôi mong đợi 737 Max chiếm khoảng 90% tổng doanh số bán của dòng 737 trong năm 2019. Tổng cộng, Boeing dự kiến bàn giao 895-905 máy bay trong năm 2019" - ông Gregory Smith, Giám đốc tài chính của Boeing, bày tỏ lạc quan.
Sự thật thì Boeing 737 Max được hầu hết các hãng hàng không ưa chuộng và gần như nó được phủ khắp bầu trời. Kinh tế là một trong những yếu tố chính khiến các hãng hàng không quyết định đặt mua 737 Max. Nói như ông Richard Aboulafi, Công ty Tư vấn hàng không vũ trụ và quốc phòng Teal Group (Mỹ): "Tất cả đều xuất phát từ khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn nhiều so với thế hệ trước đó".
Nguy cơ mất hàng trăm tỉ USD
Lệnh cấm bay toàn cầu đã được áp dụng với dòng Boeing 737 Max sau khi chiếc 737 Max 8 mang số hiệu ET 302 của hãng Ethiopian Airlines rơi vào hôm 10-3 ở Ethiopia, khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng.
Trước đó, vào cuối tháng 10-2018, vụ rơi máy bay 737 Max 8 của hãng Lion Air (Indonesia) ở Indonesia cũng đã cướp đi sinh mạng của toàn bộ 187 người.
Hai vụ tai nạn nói trên có thể đẩy Boeing vào tình trạng khủng hoảng mà Giám đốc tài chính của Boeing - Gregory Smith - không thể ngờ tới, đặc biệt là khi dòng 737 Max có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến thống lĩnh thị trường máy bay 150-200 ghế ngồi với dòng A320 Neo của hãng Airbus SE (châu Âu).
Sau vụ tai nạn mới nhất liên quan đến máy bay 737 Max 8, Boeing cũng đã thông báo hoãn sự kiện ra mắt dòng 777X, vốn dự kiến được tổ chức vào cuối tháng này tại TP Seattle - Mỹ.
Trong khi đó, các đơn đặt hàng máy bay 737 Max với tổng trị giá hơn 600 tỉ USD của hơn 100 hãng hàng không trên toàn thế giới đang bị lung lay khi nhiều khách hàng lớn tuyên bố sẽ xem xét lại.
Hãng Kenya Airways (Kenya) trong một tuyên bố cho biết họ đang cân nhắc lại đề xuất mua máy bay 737 Max để chuyển sang mua máy bay A320. Còn hãng Lion Air tuyên bố đang xem xét việc hủy đơn hàng mua máy bay 737 Max trị giá 22 tỉ USD để chuyển sang mua máy bay của Airbus.
Ngày 15-3, đến lượt Malaysia Airlines (Malaysia) khẳng định họ cũng đang xem xét lại đơn hàng mua 25 máy bay 737 Max. Trước đó, Giám đốc điều hành của Norwegian Airlines (Na Uy), ông Bjorn Kjos, tuyên bố sẽ yêu cầu Boeing bồi thường thiệt hại doanh thu từ việc 18 máy bay 737 Max của hãng này bị cấm bay.
Kỳ tới: Vòng xoáy hoài nghi
Cập nhật "nghi phạm" phần mềm
Trong thông tin phát đi ngày 16-3, Reuters cho biết Boeing lên kế hoạch cập nhật phần mềm cho dòng 737 Max trong vòng 7-10 ngày tới. Trước đó, theo sau vụ tai nạn của hãng Lion Air vào tháng 10-2018 ở Indonesia, Boeing đã làm việc để cập nhật phần mềm cho hệ thống chống chết máy và màn hình hiển thị trong buồng lái 737 Max.
Mặc dù vụ tai nạn của hãng Lion Air và Ethiopian Airlines có nhiều điểm tương đồng nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chúng liên quan đến nhau hay bị gây ra bởi một phần mềm tương tự.