Theo hãng tin BBC, Ilyushin IL-2 Sturmovik là một loại phi cơ chiến đấu của Liên Xô. Nó được bọc thép, chuyên tấn công mặt đất và được thiết kế nhằm phá hủy xe tăng từ độ cao ngang tầm ngọn cây. Nay, việc phục chế một chiếc phi cơ Xô Viết này đang được tiến hành tại Arizona.
Khi Phát xít Đức đến được Leningrad trong mùa hè 1941, thay vì thí mạng hàng nghìn quân để bẻ gãy sự kháng cự quyết liệt của Liên Xô, các vị tướng quyết định bao vây, phong tỏa thành phố.
Điều này khiến 3 triệu cư dân của Leningrad gần như bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài trong suốt 900 ngày.
Cuối cùng, vào ngày 27/1/1944, các lực lượng Liên Xô đã phá vỡ được vòng vây của quân Đức, mở một hành lang nối vào bên trong thàng phố kiệt quệ. Để yểm trợ cho quân lính, hàng trăm phi cơ đã tấn công vào các vị trí của quân Đức nhằm kiểm soát không phận phía trên chiến trường.
Ngày hôm sau, khi quân Đức bị đẩy lui ra xa hơn, một trong những phi cơ đó - chiếc Ilyushin IL-2 Sturmovik (máy bay chuyên tấn công mặt đất) đã lao xuống hồ nước phía nam thành phố. Phi hành đoàn sống sót nhưng chiếc phi cơ thì không, và đó là một trong hàng chục chiếc bị phá hủy trong trận chiến.
Chiếc IL-2 đang được phục chế, nó bị bắn hạ khi nỗ lực phá vỡ vòng vây Leningrad hồi 1944
Bảy mươi năm sau, chiếc máy bay đó đã nổi lên, nhưng là ở phía bên kia thế giới.
"Chiếc máy bay này được vớt lên từ hồ nước hồi đầu thập niên 1990" - James Stemm, giám đốc chương trình phục hồi máy bay tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Pima tại Tucson, Arizona, nói.
"Nó được một quý ông người Mỹ mua lại, nhưng ông ấy đã qua đời, và gia đình ông đã tặng nó cho chúng tôi".
Đây từng là một trong những loại máy bay quan trọng nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Stalin năm 1941 từng nhấn mạnh tới vai trò của loại chiến đấu cơ này trong cuộc chiến: "Hồng quân cần phi cơ IL-2 như cần không khí để hít thở, như cần bánh mì để ăn".
Tuy chiếc Sturmovik tại Pima đã trải qua cả nửa thế kỷ mục ruỗng dưới lòng hồ nhưng vỏ khung của chiếc máy bay hiếm này hầu như vẫn còn nguyên vẹn, nhờ vào cấu trúc khá đặc biệt.
"Nó có thiết kế rất độc đáo," ông Stemm nói, "phần quanh buồng lái và động cơ làm bằng thép tấm dày chứ không phải bằng nhôm. Trông nó giống bình đun nước nóng hơn là máy bay".
Vỏ thép dày giúp bảo vệ phi công trong lúc bay thấp ở tốc độ chậm nhằm tấn công vào các mục tiêu nơi chiến trường. Chiếc Sturmovik có thể bay là là cách mặt đất chỉ 20m, và từ độ cao này nó tấn công mục tiêu bằng súng máy, pháo hoặc bom, tên lửa.
"Nguy cơ bị thương khi làm nhiệm vụ này là rất cao," ông Stemm cho hay. "Ai cũng có thể bắn lên được, từ lính bộ binh dùng súng trường, súng phòng không, cho tới các loại vũ khí hạng nặng".
Phần thân trước và phần giữa khung máy bay được bọc thép nhằm bảo vệ động cơ và phi công nhưng phần đuôi và phần cánh lại được làm bằng gỗ.
"Làm vậy là để tiết kiệm các loại vật liệu chiến lược và giảm trọng tải, để máy bay có thể chở thêm được vũ khí" Stemm nói.
Những chiếc Sturmovik đầu tiên được đưa vào sản xuất vào năm 1939 có chiều dài 11 mét, thiết kế cho một phi công nam hoặc một phi công nữ (thời đó phi công nữ tham gia chiến đấu không phải là điều hiếm gặp).
Tuy nhiên, sau khi được đưa vào giao chiến trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, người ta nhận thấy rằng nó rất dễ bị tấn công từ phía sau.
"Cho nên họ đã tiến hành điều chỉnh, cải tiến," Tim Robinson - tổng biên tập tạp chí chuyên về hàng không, Aerospace Magazine, thuộc Hiệp hội Hàng không Hoàng gia tại London, nói.
"Họ khoét một lỗ hổng ở phần thân sau, đặt vào một ghế bọc vải dành cho pháo thủ ngồi phía sau. Người này sẽ ngồi bắn ra từ phía sau máy bay để yểm trợ".
Ngồi ghế pháo thủ ở đuôi máy bay Sturmovik - nơi chỉ có lớp gỗ mỏng bảo vệ khỏi mũi tên làn đạn đối phương - quả không phải là nhiệm vụ dễ chịu gì. Một số nguồn tin cho biết, do phải chịu rủi ro cao cho nên nhiều pháo thủ đã được tuyển mộ từ thành phần nông nô.
"Liên Xô muốn nhanh chóng đưa loại máy bay này vào hoạt động," Robinson nói. "Phi hành đoàn chỉ được huấn luyện sơ sài ở mức tối thiểu rồi đưa vào chiến đấu. Tuy các pháo thủ ở vị trí dễ có nguy cơ bị tấn công, bị nguy hiểm, nhưng người ta cho rằng đó là cái giá đáng để trả".
"Họ đã bị tổn thất nặng nề," Stemm nói. "Chừng 12 nghìn chiếc đã bị Đức bắn hạ". Đó là một trong những lý do khiến ngày nay chỉ còn rất ít những chiếc phi cơ này sót lại.
Tuy nhiên, Stalin đã đúng. Chiếc phi cơ này tỏ ra hiệu quả hơn mức dự tính. Bay theo đội hình, những chiếc Sturmovik yểm trợ cho các cuộc tấn công trên mặt đất, phá hủy hầu như tất cả các loại xe tăng, xe tải và xe bọc thép của đối phương. Các phi cơ này cũng được dùng để thả bom và tấn công tàu biển.
Một chiến thuật mà các nhà hoạch định chiến lược quân sự đã phát triển cho loại máy bay này là "vòng bay tử thần": một nhóm các phi cơ Sturmovik bay vòng quanh mục tiêu ở độ cao đủ an toàn.
Theo mệnh lệnh, mỗi phi cơ sẽ lần lượt tách ra, lao xuống tấn công mặt đất rồi lại vọt lên nhập vào đội hình. Tiến trình này được thực hiện liên tục cho tới khi mục tiêu bị phá hủy hoặc các máy bay hết đạn.
"Đây là một trong những loại chiến đấu cơ giúp cho Liên Xô giành chiến thắng trong cuộc chiến" - ông Stemm cho hay. Nhưng khi chiến tranh qua đi, hầu hết các máy bay này bị vứt bỏ và được thay thế bằng các chiến đấu cơ phản lực hiện đại được phát triển về sau.
"Hồi sinh" trên đất Mỹ
Chiếc Sturmovik cuối cùng tham gia chiến đấu là trong Cuộc chiến Triều Tiên hồi 1950. Ngày nay, chỉ còn duy nhất một chiếc vẫn bay nhưng nó lại không có động cơ gốc. Đáng ngạc nhiên là nó cũng được vớt lên từ một hồ nước và cũng được đưa sang Mỹ.
Thiết kế đơn giản đem lại sức sống mãnh liệt. "Nó tỏ ra vô cùng hiệu quả, và đã được người Mỹ đón nhận" - ông Stemm nói.
"Một chiếc máy bay tấn công mặt đất, có vỏ bóc thép hiện vẫn đang bay trong hình dạng A10 Thunderbolt của Mỹ," ông nói. "Gần như là chung ý tưởng, chiếc A10 chính là hậu duệ của Sturmovik".
Người Nga cũng có chiếc máy bay phản lực tương tự, Su-25, có thể coi là đàn em kế thừa, thậm chí còn trực tiếp hơn từ Sturmovik.
Tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Pima, chiếc Sturmovik nguyên bản - lần cuối cùng còn được nhìn thấy trong tình trạng nguyên vẹn là khi nó lao xuống hồ nước gần Leningrad năm 1944 - đang được đưa trở lại.
Tuy các bộ phận khác của nó vẫn thích hợp để tiến hành các chuyến bay, nhưng cả chiếc đang được phục chế nhằm mục đích trưng bày.
Phần đuôi bằng gỗ đã được làm mới và nay đã hoàn tất, phần cánh quạt được làm thẳng ra và động cơ nguyên bản cũng được phục chế. Bảo tàng thậm chí còn làm bản sao chính xác cả cỗ súng máy và đế xoay đặt ở đuôi máy bay.
Người ta hy vọng là chiếc phi cơ này sẽ được phục chế xong và đưa vào trưng bày trong mùa hè 2017.
Khi liệt kê danh sách các loại máy bay đã giúp giành chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới lần Hai, phi cơ Liên Xô thường bị bỏ qua. Chiếc Sturmovik xứng đáng được công nhận như các chiến đấu cơ Spitfire, Lancaster hay pháo đài Bay B-17 trong việc góp phần đánh bại Phát xít Đức.
"Nhìn từ quan điểm lịch sử và từ thực tế là ngày nay còn rất ít máy bay Sturmovik còn tồn tại", ông Stemm nói, "rõ ràng việc phục chế và bảo tồn nó là điều rất quan trọng, cần làm".