"Trung Quốc tức tốc triển khai J-20 vì quá sợ F-35 Mỹ": Rút cuộc ai là bên đang run?

QS |

Theo nguồn tin của SCMP, Trung Quốc quyết định triển khai J-20 bất chấp những vấn đề kỹ thuật do nước này đang rất lo ngại mối đe dọa từ tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ.

SCMP: Trung Quốc sợ F-35 tới mức tức tốc triển khai J-20

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Dave Majumdar cho biết, J-20 - tiêm kích tàng hình thế hệ 5 do tập đoàn Thành Đô chế tạo - đã được trang bị cho Không quân Trung Quốc (PLAAF) với số lượng hạn chế.

Mặc dù đã có khả năng hoạt động, song J-20 vẫn cần phải vượt qua các rào cản kỹ thuật trước khi được đưa vào biên chế với số lượng lớn.

Trung Quốc tức tốc triển khai J-20 vì quá sợ F-35 Mỹ: Rút cuộc ai là bên đang run? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình J-20

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), J-20 đã tham gia vào cuộc tập trận với các phương tiện chiến đấu khác của lực lượng tên lửa và hải-lục-không quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, mẫu máy bay này mới được đưa vào biên chế với số lượng hạn nhế, bởi Trung Quốc không có đủ khả năng sản xuất hàng loạt động cơ máy bay nội địa WS-15.

Phần lớn các chuyên gia phân tích phương Tây cho rằng J-20 hiện đang sử dụng động cơ Salyut AL-31FN do Nga chế tạo, song một số nguồn tin khác lại tiết lộ với tờ SCMP (Hồng Kông) rằng J-20 đã được trang bị động cơ nội địa.

Theo nguồn tin của SCMP, Trung Quốc quyết định triển khai J-20 bất chấp những vấn đề kỹ thuật do nước này đang rất lo ngại mối đe dọa từ tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ.

Cuối năm nay, PLAAF dự kiến sẽ đưa vào trang bị thêm nhiều máy bay J-20.

"Trung Quốc cần nhanh chóng thể hiện những thành tích mà nước này đã đạt được càng sớm càng tốt" - Nguồn tin nói.

J-20 trình diễn tại triển lãm hàng không Zhuhai 2016

Thực sự thì ai đang run?

Theo nhà phân tích Majumdar, mặc dù Bắc Kinh đang tức tốc đưa J-20 vào trang bị để đối phó với F-35 nhưng mẫu máy bay của Trung Quốc có vẻ không hoàn toàn giống với mẫu máy bay mới của Mỹ, hay "người tiền nhiệm" của nó là F-22 Raptor.

J-20, với kích cỡ có phần lớn hơn F-22, dường như được thiết kế để tấn công phương tiện hỗ trợ trong các chiến dịch đường không của Mỹ như máy bay tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm (AWACS), máy bay kiểm soát và chỉ huy.

Trên những khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương, nơi nhiên liệu không sẵn có, thì việc phá hủy một chiếc máy bay tiếp dầu cũng không khác nào bắn hạ được một chiếc chiến đấu cơ của đối phương.

Trung Quốc đang phát triển tên lửa PL-15 với tầm bắn lên tới gần 200km. Mẫu tên lửa này đã khiến các tướng lĩnh cấp cao của Không quân Mỹ kinh ngạc. Tướng Herbert "Hawk" Carlisle, Chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến không quân, xem đây là một trong những lý do cấp bách để Mỹ phải phát triển tên lửa thế hệ mới thay thế cho mẫu AIM-120 đã ra đời từ nhiều thập kỷ trước.

"Trước mắt chúng ta sẽ đối phó với điều đó bằng cách nào và sắp tới, chúng ta sẽ làm gì để tiếp tục đối phó với mối đe dọa đó?" - ông Carlisle đặt câu hỏi trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế năm 2015.

Sau này, khi trả lời phỏng vấn tờ Flight Global, ông Carlisle một lần nữa nhấn mạnh rằng, đối phó với tên lửa mới của Trung Quốc là "ưu tiên hàng đầu" đối với Không quân Mỹ.

Trung Quốc tức tốc triển khai J-20 vì quá sợ F-35 Mỹ: Rút cuộc ai là bên đang run? - Ảnh 3.

Đồ họa tên lửa PL-15 Trung Quốc

Trên thực tế, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ PL-15 có tầm bắn xa hơn AIM-120 mà khi kết hợp với J-20, nó sẽ cho phép Trung Quốc tấn công các máy bay tiếp dầu và máy bay do thám của Mỹ, trong khi đây lại là những thành phần then chốt trong bất cứ chiến dịch đường không nào của Washington ở Thái Bình Dương.

Một bản báo cáo năm 2008 của tổ chức tư vấn RAND cho rằng, để từ Guam duy trì hoạt động của các tiêm kích F-22 tại Đài Loan, Không quân Mỹ sẽ cần tiến hành 3-4 chuyến tiếp dầu mỗi giờ để vận chuyển được 2,6 triệu gallon nhiên liệu. Bắc Kinh tất nhiên không thể để lọt chi tiết quan trọng này.

Mặc dù không có nhiều dữ liệu chi tiết về J-20 nhưng theo các nguồn tin công khai thì mẫu máy bay này được tối ưu hóa để đạt tốc độ cao, tầm hoạt động xa, khả năng tàng hình và khả năng mang tải lớn.

Độ bộc lộ radar giảm, kết hợp với tốc độ siêu thanh và khả năng trang bị tên lửa PL-15, tiêm kích J-20 có thể tạo ra mối đe dọa đối với các máy bay tiếp dầu và do thám của Mỹ trên chiến trường Thái Bình Dương.

Nghiên cứu của RAND cho biết thêm rằng, các phiên bản Su-27 của Trung Quốc đã tiêu diệt máy bay tiếp dầu, trinh sát, tuần thám biển, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm của Mỹ trong một cuộc tập trận mô phỏng, sử dụng tên lửa không-đối-không tầm xa.

Không quân Mỹ đã xem xét việc phân tán lực lượng và phương án hậu cần hợp lý để đối phó với năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có vẻ họ chưa phát triển xong kế hoạch bảo vệ máy bay tiếp dầu, trinh sát, chỉ huy & điều khiển trước các cuộc tấn công đường không của đối phương.

Theo ông Majumdar, phương án duy nhất mà Không quân Mỹ hiện có để giải quyết vấn đề này là các máy bay đó sẽ phải được rút lui an toàn, ra ngoài tầm tấn công hiệu quả của Trung Quốc.

Song, điều đó sẽ đồng thời rút ngắn thêm tầm hoạt động hiệu quả của các máy bay chiến thuật Không quân Mỹ, vốn đã có tầm hoạt động ngắn, khiến chúng giảm khả năng tấn công vào sâu lãnh thổ Trung Quốc.

Bộ Tư lệnh tác chiến Không quân Mỹ đã nhận thức được vấn đề trên và đang thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ 6 để thay thế F-22 hoạt động ờ tầm siêu xa.

"Đây là chiến lược mà các bên khác đã nói đến rộng rãi và chúng tôi thì đã quen thuộc. Chúng tôi đang phân tích xem các đối thủ tiềm năng của mình sẽ làm điều gì. Sau đó, chúng tôi phải tìm ra khả năng của mình để đảm bảo rằng vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ, đồng thời mang lại hiệu quả mong muốn" - Đại tá Tom Coglitore thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến không quân Mỹ cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại