"Cờ tàn" hậu IS: Không thể khải hoàn, nấc thang xung đột mới chờ đợi liên quân Nga-Syria

Hoàng Nhật |

Giải phóng Abu Kamal, thành phố lớn cuối cùng trong tay IS, quân đội Syria và các đồng minh sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc khủng hoảng Syria, nhưng chỉ là một khởi đầu mới.

Cục diện "chia năm xẻ bảy" tại Syria

Mặc dù Nhà nước Hồi giáo (IS) đang cố gắng lập "lá chắn thép" ở Abu Kamal, tập hợp một lượng lớn tên lửa dẫn đường nhằm chặn đường quân chính phủ Syria, với sự yểm trợ của không quân Nga, và các binh sĩ lực lượng Hezbollah.

Mất cứ điểm quan trọng cuối cùng Abu Kamal sẽ biến IS trở lại thành một nhóm khủng bố thay vì một "nhà nước khủng bố" như trước kia.

Vào thời điểm hiện tại, IS vẫn còn hiện diện tại một số làng mạc giữa Abu Kamal và Deir Ezzor, vùng biên giới Syria-Iraq, một phần trại tị nạn Yarmouk ở ngoại ô Damascus và khu vực gần cao nguyên Golan nơi đang do Israel chiếm đóng. Có thể dự đoán rằng, tàn dư của IS ở Syria sẽ tổ chức các hoạt động chiến tranh du kích chống lại quân đội chính phủ Syria và các nhóm đối lập khác.

Hiện tại, lãnh thổ Syria bị chia thành 7 khu vực khác nhau, được kiểm soát bởi các lực lượng chính trị-quân sự khác nhau.

Thứ nhất, quân đội chính phủ Syria, được hỗ trợ bởi Iran, Hezbollah và Nga, đang kiểm soát phần lớn diện tích và các trung tâm dân cư lớn trên cả nước, bao gồm những thành phố như Aleppo, Hama, Homs, Deir Ezzor, Damascus, Latakia, Al-Suwayda và Tartus.

Tuy nhiên các vùng "da báo" do phe nổi dậy, khủng bố kiểm soát nằm trong lòng khu vực của quân đội chính phủ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh. Lúc này, tình hình rất phức tạp tại Đông Ghouta và trại tị nạn Yarmouk nhưng lại khá ổn định ở Bayt Jinn, Jayrud và Rastan.

Thứ hai, tại thủ phủ Daraa (miền nam Syria), khu vực đang bị nhóm khủng bố Hayat Tahrir Al-Sham (HTS - tên cũ là Jabhat Al-Nursa, một nhánh của Al-Qeada tại Syria) kiểm soát một phần cũng rất phức tạp.

Vùng giảm leo thang do Mỹ và Nga thiết lập ở nam Syria giúp các hoạt động chiến sự ở đây giảm đi ít nhiều. Tuy nhiên, giao tranh vẫn thường xuyên nổ ra trong thành phố Daraa và gần cao nguyên Golan.

Phe đối lập ở miền Nam Syria được hỗ trợ chủ yếu bởi Jordan, Mỹ và Israel. Tel Aviv sử dụng sự căng thẳng ở khu vực này nhằm điều chỉnh các chiến dịch không kích chống lại quân chính phủ Syria và hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại vùng do quân nổi dậy kiểm soát.

Có một điểm đáng chú ý là Israel gần như bỏ lơ Khalid ibn al-Walid, một nhóm vũ trang thân IS đang đóng quân gần cao nguyên Golan. Lực lượng đối lập gần khu vực này cũng không hề có giao tranh với IS.

Thứ ba, khu vực cửa khẩu Al-Tanf nằm trên biên giới Syria-Iraq đang được kiểm soát bởi liên minh do Mỹ dẫn đầu và các nhóm thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA). Các nhóm vũ trang đóng quân tập trung quanh trại tị nạn ở cửa khẩu.

Mỹ tuyên bố khu vực này là cần thiết để làm bàn đạp tấn công IS, tuy nhiên mục đích chính lại là ngăn chặn Syria và Iraq khai thông tuyến đường cao tốc nối liền hai thủ đô Damascus-Baghdad. Mọi hoạt động của quân đội Syria nhằm vào khu vực này đều sẽ bị ném bom.

Cờ tàn hậu IS: Không thể khải hoàn, nấc thang xung đột mới chờ đợi liên quân Nga-Syria - Ảnh 1.

Đặc nhiệm Mỹ hoạt động tại Syria (Ảnh: Getty Images)

Thứ tư, vùng Đông Bắc Syria, bao gồm các thành phố lớn như Raqqa, Tabqua, Hasakah và một phần Qamishli đang nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng Syria Dân chủ (SDF), cũng do Mỹ hậu thuẫn, với nòng cốt là các tay súng người Kurd của thuộc YPG và YPJ.

Tổ chức chính trị của SDF là Liên minh Đảng dân chủ người Kurd (PYD). Lực lượng này rất tự tin trước chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad, vì trong khu vực của họ đang có số lượng đáng kể trang thiết bị vũ khí và binh sĩ Mỹ đóng quân.

Thứ năm, vùng Tây Bắc Syria cũng nằm dưới sự kiểm soát của SDF. Tuy nhiên, lực lượng SDF ở đây có ít "yếu tố Mỹ" hơn là lực lượng phía đông, ngoài ra quan hệ quân sự của nhóm này với liên minh Syria-Iran-Nga cũng tốt hơn nhiều.

Họ đang chịu nhiều áp lực quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức quân sự do Ankara bảo trợ.

Thứ sáu, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm đối lập thân Thổ kiểm soát vùng biên giới Syria-Thổ, bao gồm các thành phố và thị trấn như Al-Bab, Azaz và Jarabulus phía bắc Syria.

Họ nằm chèn giữa 2 lực lượng SDF ở phía tây và phía đông. Thường xuyên có giao tranh giữa lực lượng SDF ở phía đông và lực lượng thân Thổ tại Tall Rifat.

Thứ bảy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt bên cạnh một số nhóm đối lập nằm ở phía bắc tỉnh Idlib, tuy rằng hầu hết lãnh thổ tỉnh này đang nằm trong tay Tahrir al-Sham. Điều đó có nghĩa là Ankara và nhóm khủng bố thân Al-Qeada này đã có một thỏa thuận cho phép quân Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại đây.

Ankara sử dụng nhiều nhóm vũ trang thân Thổ nhằm gây áp lực lên các lực lượng của người Kurd tại Syria, mà họ luôn cáo buộc là nhân tố cấu thành nên nhóm vũ trang đảng Công nhân người Kurd (PKK).

PKK đã thực hiện nhiều hoạt động quân sự ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm nhằm cố gắng thành lập một quốc gia độc lập của người Kurd.

Syria và đồng minh đối mặt với điều gì tiếp theo?

Cờ tàn hậu IS: Không thể khải hoàn, nấc thang xung đột mới chờ đợi liên quân Nga-Syria - Ảnh 2.

Khủng hoảng Syria thực chất là sự đan xen và chồng chéo về lợi ích giữa các mối quan hệ năm bên Nga-Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran-Syria. (Ảnh minh họa: Southfront)

Các cuộc giao tranh giữa quân đội Nga-Syria và HTS vẫn đang diễn ra ở khu vực phía bắc tỉnh Hama từ tháng 10. Điều này cho thấy các vùng giảm leo thang tại Idlib, do Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran nhất trí thiết lập, không hiệu quả, và HTS sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của quân đội Syria sau khi IS bị quét sạch khỏi vùng thung lũng sông Euphrates.

Một số nguồn tin thân Damascus cho biết một vài đơn vị tinh nhuệ đã được tái triển khai về bắc Hama từ Deir Ezzor.

Nhiều chuyên gia tin rằng mục tiêu giữa chặng mà quân đội Syria muốn đạt được tại khu vực này là mở rộng vùng đệm dọc theo tuyến đường Ithriyah-Khanaser-Aleppo và giải phóng Abu ad-Duhur. Nếu thành công, tiền tuyến tại Idlib sẽ thu hẹp và tạo điều kiện cho quân chính phủ tập trung về nhiều hơn.

Một điểm nóng khác cũng cần chú ý là thủ phủ Daraa. Phiến quân ở Daraa sẽ mở lại các chiến dịch nhằm vào quân đội Syria nếu nhận thấy đồng minh của mình ở Idlib đang bị tấn công.

Hiện tại, Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria đang tăng cường các hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm một lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài 6 năm qua ở Syria. Tất cả các bên đều tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình và vẫn tồn tại rất nhiều bất đồng.

Điều này làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là trong khi nhiều nhà chính trị cho rằng Washington đã không còn mục tiêu dài hạn nào nữa ở Syria. Mỹ và các đồng minh như Israel hay Ả Rập Saudi vẫn đang tỏ thái độ không thỏa mãn trước sự gia tăng ảnh hưởng đáng kể từ Hezbollah và Iran.

Nếu các bên liên quan không tìm ra được quan điểm chung trong tương lai gần, rất có thể cuộc xung đột ở Syria sẽ leo cao lên một nấc thang mới.

[VIDEO] Quân chính phủ Syria tấn công khủng bố Hay’at Tahrir Al-Sham ở tỉnh Hama, Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại